Lùm xùm ở mỏ than Phấn Mễ: Bộ chỉ đạo nóng, TISCO 'hứa' tuân thủ

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản 'nóng' yêu cầu Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên-TISCO hoàn thiện đề án đóng cửa mỏ, khắc phục các tồn tại ở mỏ than Phấn Mễ.

Một góc khu vực khai trường của Mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Một góc khu vực khai trường của Mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngay sau khi Báo Điện tử VietnamPlus có loạt bài phản ánh về việc mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nhiều lần tốn giấy mực yêu cầu mỏ than Phấn Mễ (trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tạm dừng khai thác để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép khai thác theo tinh thần Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Khoáng sản năm 2010, nhưng suốt gần một thập kỷ qua, mỏ than này vẫn vô tư “khai thác khi chưa xong phép,” gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngày 26/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường một lần nữa đã có "văn bản nóng" yêu cầu Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên-TISCO hoàn thiện đề án đóng cửa mỏ, khắc phục các tồn tại theo đúng quy định.

Kiên quyết xử lý, ngăn chặn thất thoát

Trước đó, chiều 25/3, trên cơ sở thông tin của Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên về các nội dung mà Tổng cục đã tổ chức kiểm tra thực tế tại mỏ than Phấn Mễ trong 3 ngày 10-13/3.

Biên bản kiểm tra của Tổng cục nêu rõ: qua rà soát hồ sơ, tài liệu cho thấy Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 10/01/1979 của Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO) quản lý, khai thác các mỏ than Phấn Mễ, Làng Cẩm và Âm Hồn, không ghi thời hạn. Tuy nhiên, các mỏ than nêu trên thuộc đối tượng phải hoàn thiện hồ sơ, trình cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phụ tại chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 1/9/2008; Công văn số 3039 ngày 28/8/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy cấp phép được cấp trước luật khoáng sản năm 1996.

“Tại thời điểm kiểm tra, TISCO chưa hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, mặc dù đã được cơ quan nhà nươc nhiều lần đôn đốc, yêu cầu; chưa hoàn thiện xong hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản khu vực lộ thiên Bắc Làng Cẩm theo thông báo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam,” biển bản kiểm tra nhấn mạnh.

Không những vậy, tại khu vực Bắc Làng Cẩm, TISCO đã mở 4 cửa lò tại mức sâu -207m và -218m nằm trên sườn tầng moong khai thác - điều nay là không phù hợp với thiết kế khai thác do TISCO đã lập và phê duyệt. Hiện sườn moong bị sạt lở có nguy cơ gây mất an toàn tại nhiều vị trí. Tại khu vực Nam Làng Cẩm, TISCO đang tiến hành củng cố, chống xén sửa các các đường lò đã thi công, than lẫn đất sau nổ mìn được vận chuyển lên mặt bằng sân công nghiệp...

Tại văn bản số 729/ĐCKS-KSMB ngày 26/3/2021 về tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong khai thác than tại mỏ Phấn Mễ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng khẳng định đã nhiều lần thông báo, kiểm tra đôn đốc TISCO hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác mỏ than Phấn Mễ (gồm 3 khu: Bắc Làng Cẩm, Nam Làng Cẩm và Cánh Chìm) vào các năm 2012, 2014, 2015, 2017, 2018 và 2019. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, TISCO vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định; chưa hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản mỏ than Phấn Mễ.

“Việc chậm trễ hoàn thiện nghĩa vụ tài chính (hoàn trả chi phí điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản bằng ngân sách Nhà nước) theo quy định và hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở để Tổng cục tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác, gây khó khăn trong công tác quản lý,” văn bản số 729/ĐCKS-KSMB nhấn mạnh.

Từ thực tế nêu trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiên quyết yêu cầu TISCO, mỏ than Phấn Mễ khẩn trương hoàn thiện nội dung Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản khai thác lộ thiên khu vực Bắc Làng Cẩm và các nội dung khác có liên quan gửi về Tổng cục trước ngày 31/3/2021 để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Cùng với đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng yêu cầu TISCO rà soát, hoàn thiện và nộp hồ sơ tại khu vực Nam Làng Cẩm, Cánh Chìm trước ngày 30/4/2021 để thẩm định, trình Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Hoạt động khai thác tại mỏ Phấn Mễ phải thực hiện đúng theo Bản đăng ký nhà nước ngày 7/11/1991 của Công ty đã được Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản nhà nước trước đây xác nhận.

Đường đi vào mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngoài ra, TISCO phải tổng hợp báo cáo đầy đủ, chi tiết, căn cứ pháp lý trong việc lập, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác than tại Nam Làng Cẩm, khu Bắc Làng Cẩm và khu Nam Cánh Chìm thuộc mỏ than Phấn Mễ gửi về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước ngày 10/4/2021 để kiểm tra, rà soát, hướng dẫn TISCO thực hiện và xử lý theo quy định.

“Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu công ty khẩn trương tổ chức thực hiện. Sau thời hạn nêu trên, nếu công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Tổng cục sẽ xử lý hoặc kiến nghị cấp có thảm quyền xử lý theo quy định,” văn bản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh.

Về phía địa phương, trao đổi với phóng Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên - người được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên giao tham mưu biện pháp xử lý, cũng cho biết đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về việc kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm với mỏ than Phấn Mễ.

“Trong vụ việc mỏ than Phấn Mễ, quan điểm của tỉnh là phải xử lý nghiêm,” ông Tuấn nói.

TISCO cam kết tuân thủ, hoàn thiện đề án đóng cửa mỏ

Trong diễn biến liên quan, ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên-TISCO cũng đã thẳng thắn thừa nhận các thông tin Báo Điện tử VietnamPlus đã phản ánh trong các bài báo gần đây là đúng thực tế đồng thời cam kết sẽ khắc phục các vi phạm, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo chia sẻ của ông Hạnh, ông mới về tiếp quản TISCO được gần 1 năm và đã quyết liệt trong khâu quản trị, quản lý tài nguyên khoáng sản, cũng như khắc phục các sai phạm do “quá khứ” để lại. Đơn cử, trước đây, xung quanh mỏ có rất nhiều “doanh nghiệp vệ tinh” (bãi tập kết tuyển than tư nhân xung quanh mỏ) dẫn tới xảy ra tình trạng trộm cắp khoáng sản, nhưng từ quý 2/2020 đến nay, cơ bản đã được dẹp bỏ.

Đặc biệt, ngay sau khi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu khắc phục các vi phạm, TISCO đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; trích kinh phí để nộp tiền cấp tài liệu. Thậm chí, mặc dù Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chưa có tính toán cụ thể về tiền cấp quyền khai thác, nhưng TISCO cũng đã trích kinh phí để nộp trước với quan điểm "thừa thiếu tính sau, thiếu thì TISCO nộp tiếp, thừa thì chuyển sang đợt sau."

Cụ thể, đến nay TISCO đã nộp gần 164 tỷ đồng. Trong đó, gần 70 tỷ đồng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (2 đợt); hơn 94 tỷ đồng nộp tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước.

Ngoài ra, Tổng giám đốc TISCO cũng cam kết sẽ hoàn thiện đề án đóng cửa mỏ để thực hiện theo đúng Quyết định 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về viêc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030; trong đó có nội dung về việc chuyển đổi từ “khai thác lộ thiên” sang “khai thác hầm lò;” xây dựng dự án quy hoạch khai thác hầm lò để báo cáo với Bộ Tài nguyên-Môi trường và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

“Vấn đề này tôi cũng đã báo cáo với lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và ‘hứa’ sẽ cố gắng hoàn thiện đề án đóng cửa mỏ vào đầu tháng 4/2021 để Tổng cục xem xét. Còn dự án về khai thác từ lộ thiên sang hầm lò, dự kiến sẽ xây dựng xong trong tháng 4, đầu tháng 5/2021 để nộp Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau đó báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để Bộ phê duyệt, cấp giấy phép để được khai thác,” ông Hạnh nói./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/sau-loat-bai-cua-vietnamplus-tisco-cam-ket-se-tuan-thu-phap-luat/702115.vnp