Lùm xùm nước sạch sông Đà và nỗi lo nước đắng

Nếu xây dựng một sân golf nằm cạnh hồ Đồng Bài, an toàn nguồn nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi sự cố nước nhiễm dầu bẩn từ Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp cho khoảng 250.000 hộ gia đình vẫn chưa kịp lắng xuống để thành một kinh nghiệm cay đắng, triệu người dân Hà Nội lại phải đối diện với nỗi thấp thỏm, không yên. Một dự án sân golf gần hồ Đồng Bài, hồ chứa nước cung cấp cho Viwasupco đã được cho phép khảo sát.

Theo kế hoạch, sân golf này nằm tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn sử dụng 270 ha đất, trong đó có 3/4 diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của Dự án nước sông Đà. Rõ ràng, đây là một hiểm họa. Bởi lẽ, để chăm sóc cỏ phục vụ những ‘thượng đế’ thỏa sức so tài bằng môn thể thao quý tộc, hàng trăm tấn hóa chất và cả chục tấn thuốc trừ sâu được rải xuống diện tích sân golf mỗi năm. Câu chuyện không chỉ đơn giản là tồn dư hóa chất khiến các nguồn nước bị nhiễm độc. Một phần phân bón, thuốc trừ sâu rải xuống đất sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm và ảnh hưởng tới các nguồn nước sạch xung quanh.

Người dân phải mua nước sạch đóng chai để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt

Người dân phải mua nước sạch đóng chai để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt

Dễ tin, với hiểm họa sờ sờ trước mắt như vậy, khó có nhà quản lý nào muốn chấp nhận dự án này. Việc cho phép khảo sát xem ra chỉ là cách thể hiện thái độ khách quan nhất với các đề nghị của doanh nghiệp. Vả lại, chẳng có doanh nghiệp đàng hoàng nào chỉ vì muốn bán dịch vụ giá cao mà bất chấp sức khỏe của hàng triệu đồng loại. Thế nhưng, thực tế lại hơi khác những lập luân hai năm rõ mười nói trên.

Trong bản tin về dự án trên báo chí, một thông tin rất đáng chú ý đã được đưa ra. Theo đó, Cục Quy hoạch đất đai, thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ, “việc xây dựng khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn là không phù hợp, vi phạm phương án bảo vệ Nhà máy nước Sông Đà, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước, chất lượng nước thô đầu vào và kế hoạch cấp nước an toàn liên tục phục vụ nhân dân TP Hà Nội”.

Mặt khác, Hòa Bình đã nói thẳng về chủ trương muốn lấy lại hồ Đồng Bài. Để làm được như vậy, chính tỉnh này đã từng yêu cầu Viwasupco làm đường ống kín dẫn nước về nhà máy, thay vì sử dụng hồ Đồng Bài làm hồ chứa như hiện nay.

Những động thái liên tiếp này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có một sự ưu ái cho dự án đô thị sinh thái và sân golf nói trên? Ai cũng biết rằng, đầu tư sân golf vẫn đang có một sức hút mạnh với nhiều địa phương, bất chấp các hệ lụy về suy giảm diện tích đất lúa và nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Điều đáng nói, ngay cả cân nhắc nên hay không nên xây dựng sân golf vẫn chỉ là một vấn đề nhỏ, so với mối lo về an toàn và chất lượng nước sạch của Viwasupco. Đề cập tới ‘điểm nóng’ ngay tại nghị trường Quốc hội hiện nay, lại phải bắt đầu từ câu chuyện nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải.

Bỏ qua động cơ thật sự của hành vi đổ dầu thải vào nguồn nước dẫn vào Viwasupco, điều vẫn còn trong vòng nghi vấn, thì có thể dễ thấy ở đây, nguồn nước sạch phục vụ hàng triệu người dân Hà Nội dễ bị tổn thương đến thế nào. Hành vi của nhóm đổ dầu thải không bị phát hiện kịp thời. Cho tới khi hàng trăm ngàn hộ dân dùng nước của Viwasupco phải kêu giời vì… nước nhiễm dầu, vụ việc mới được điều tra. Kết quả bắt tội phạm rất nhanh, nhưng như một vị tư lệnh ngành đã nói: ông cũng đã phải dùng nước nhiễm bẩn đến 3 ngày! Trước thực tế này, không khó hiểu khi nhiều người vẽ ra viễn cảnh ảm đạm, một khi dự án sân golf được cấp phép và chẳng may xảy ra sự cố, những hệ lụy mà khách hàng dùng nước “sạch” từ Viwasupco sẽ còn lớn hơn nhiều lần.

Sự lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước đi vào nhà máy nước sạch lẽ ra phải được bù đắp bằng một công nghệ lọc tối tân và một bộ máy cảnh báo nhạy bén về chất lượng nguồn nước. Thế nhưng, điều này chưa xảy ra.

Viwasupco đã cung cấp nước bẩn cho hơn 1 triệu khách hàng của họ trong nhiều ngày. Sẽ là quy chụp nếu vội nói họ giấu giếm sự cố, nhưng nếu không phải vậy, buộc phải đặt nghi vấn về quy trình quản lý, giám sát của nhà máy nước sạch này. Đến đây, hoàn toàn hữu lý khi dư luận đặt cả dấu hỏi về công nghệ lọc nước mà Viwasupco đang sử dụng. Khi đã có những tuyên bố hùng hồn từ các nhà khoa học thuần Việt về việc có thể lọc nước sông Tô Lịch mà uống trực tiếp, người ta có quyền đòi hỏi ở một nhà máy nước sạch lớn công nghệ lọc còn tối tân hơn thế.

Nghi vấn càng được đẩy lên cao hơn khi một chung cư, trong nỗ lực khuếch trương thanh thế đã khẳng định, cư dân của họ không bị ảnh hưởng bởi sự cố nước nhiễm dầu dù họ vẫn dùng nước “sạch” của Viwasupco. Hệ thống lọc nước do chung cư trang bị thêm đã giải quyết nốt những vấn đề về chất lượng nước mà Viwasupco bó tay. Rõ ràng, câu hỏi này cần một câu trả lời minh bạch.

Lại một lỗ hổng khác bị phát hiện sau sự cố nước nhiễm dầu. Qua diễn biến vụ việc, có thể thấy, nước từ Viwasupco cung cấp cho các hộ tiêu dùng đã không được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, giám sát kịp thời. Trách nhiệm này, đáng ngạc nhiên, lại được thể hiện rất năng nổ ở giai đoạn cuối cùng của sự cố, khi nước sạch được cấp trở lại tới 250.000 hộ dân. Dường như, các công bộc Hà Nội đã quá tin tưởng doanh nghiệp, điều chỉ có thể chấp nhận khi chủ thể này vận hành trơn tru, ổn định.

Và điều tréo ngoe nhất là, người dân không có quyền lựa chọn nhà cung cấp nước cho mình. Không phải ngẫu nhiên, sự cố xảy ra ở Viwasupco đã khiến thị trường nước đóng chai những khu vực bị ảnh hưởng ‘sốt nóng’.

Những lổ hổng nói trên cần phải được bịt kín, trong ngắn hạn hoặc lâu dài tùy vào mức độ phức tạp của chúng. Tư duy theo cách này, không thể chấp nhận một sân golf nằm ngay đầu nguồn nước sông Đà hay những dự án gây họa tương tự cho nguồn nước. Quan trọng hơn, cần xây dựng một quy trình chuẩn để kiểm soát chất lượng nước đầu vào nhà máy và sản phẩm nước sau khi xử lý cung cấp cho các hộ dân.

Sẽ là không công bằng khi người dân phải sử dụng nước không an toàn khi họ đã phải trả tiền, một lần cho nhà máy nước, một lần cho việc quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước của các cơ quan chức năng. Lời thật thường có vị đắng nhưng không vì thế mà không được lắng nghe…

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/lum-xum-nuoc-sach-song-da-va-noi-lo-nuoc-dang-3390876/