Lùm xùm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018: Bắt đúng bệnh

'Điều đầu tiên ngành Giáo dục cần làm là nghiên cứu, phân tích lại điểm thi trắc nghiệm để đánh giá lại việc ra đề, tổ chức thi có...đúng thực tế không'.

Gần 98% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 2018, một tỉ lệ rất cao so với phổ điểm trung bình các bài thi được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) công bố.

Đáng lý, đây phải là điều đáng vui mừng đối với nền giáo dục chung của cả nước, tuy nhiên thay vì niềm vui chung lại là những lo lắng, những bất an về một nền giáo dục đã nhiều lần được cải cách, đổi mới.

Đặc biệt, kết quả thi tại Hà Giang đã cho thấy yếu tố con người vẫn "chui qua" mọi sự kiểm soát, phần mềm và cao nhất là quy chế để đưa địa phương này chiếm gần như tuyệt đối về tỉ lệ điểm số cao khiến dư luận cả nước phải hoang mang.

Nhận định về thực trạng trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng như thầy Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, đều cho rằng kỹ thuật ra đề đang tồn tại quá nhiều vấn đề bất hợp lý.

Kẽ hở tiêu cực

PV: Ngày 12/7, Bộ GD-ĐT đã công bố tỉ lệ tốt nghiệp kỳ thi THPT 2018 trên toàn quốc đạt 97,57%. Kết quả trên gây bất ngờ vì đề thi năm nay được nhận định là khó và ít có điểm 10 hơn. Theo các ông, mâu thuẫn trên đang phản ánh điều gì?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Thực tế không có gì mâu thuẫn ở đây. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi nhằm đạt được 2 mục tiêu trong 1 bài thi, được gộp bởi 2 kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng. Kỳ thi được thực hiện với mục tiêu lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Vì thế, đề thi sẽ được tách làm hai phần, phần nâng cao, mang tính phân hóa để sàng lọc học sinh, tuyển chọn vào các trường đại học. Phần cơ bản, chiếm khoảng 60% kiến thức cơ bản, bảo đảm cho một tỉ lệ học sinh đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay lên tới 97,57%, một tỉ lệ rất cao, cao hơn rất nhiều so với kết quả thi tuyển. Nếu chỉ tính điểm thi trên trung bình thì tỷ lệ này khá thấp. Tỷ lệ tốt nghiệp cao năm nay được nhiều người gọi là nhờ vào "phao cứu sinh" tức là điểm học lực trung bình ba năm học ở THPT nên thành tích tốt nghiệp cao.

Thế nhưng, lúc này lại xảy ra điều bất thường là sự vênh nhau về học lực ghi trong học bạ và điểm thi THPT quốc gia. Có em điểm học bạ 8.0 khi đi thi chỉ cần 2.0 điểm là đậu tốt nghiệp. Đành rằng có chuyện "học tài thi phận" nhưng rõ ràng đang có một xu hướng không tốt là các trường nâng điểm học lực cho học sinh của mình.

Trong khi chưa thể kiểm soát được điểm số, thì việc tính điểm trung bình học bạ để xét tốt nghiệp THPT sẽ gây ra hệ lụy lớn và việc đánh giá quá trình làm cơ sở giúp cho việc cải thiện nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng dễ trở nên thiếu ý nghĩa.

Và sự gian dối trong việc đánh giá học sinh ở nhà trường phổ thông sẽ ngày càng tăng lên nếu các địa phương muốn giữ tỉ lệ tốt nghiệp cao để lấy thành tích.

Ông Đào Tuấn Đạt: Để tốt nghiệp cần tổng điểm (4 bài thi + tổng điểm khuyến khích chia 4 + điểm trung bình cả năm lớp 12) chia 2 + điểm ưu tiên lớn hơn hoặc bằng 5.

Cho dễ hiểu hơn cần tổng điểm trung bình lớp 12 + điểm trung bình các bài thi (bỏ qua điểm cộng thêm do ưu tiên, nghề) đạt 10 điểm là đỗ. Ví dụ nếu một bạn học sinh có điểm trung bình lớp 12 là 8 điểm thì đi thi bạn đó chỉ cần trung bình 2 điểm một môn là đỗ tốt nghiệp.

Với các bài thi trắc nghiệm đánh rùa cũng có thể đạt tới 2,5 điểm rồi. Mà ngoài Văn thì hiện nay 8 môn còn lại đều thi trắc nghiệm hết.

Với cách xét điểm tốt nghiệp như vậy thì chúng ta có thể dự đoán điểm trung bình lớp 12 tăng cao. Học bạ lớp 12 chính là phao cứu sinh cho kết quả tốt nghiệp, không phản ánh chất lượng của học sinh, đề dù khó, điểm thi có thấp, thì kết quả tốt nghiệp vẫn không thể thấp được.

PV: Một số nhà chuyên môn đã đưa ra nhận định rằng, đề thi tốt nghiệp THPT 2018, với số lượng điểm 10 ít, số lượng điểm 7, 8 tăng lên, đã làm tốt nhiệm vụ phân hóa học sinh, đồng thời phản ánh chính xác chất lượng giáo dục Việt Nam. Các ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ông Đào Tuấn Đạt: Chắc chắn kết quả thi năm nay sẽ ít điểm 10 và nhiều điểm 7, 8 hơn. Nhiều người nói rằng do đề thi năm nay khó, có tính phân hóa cao, nhưng không phải khó thì đồng nghĩa với việc phân hóa.

Vài hôm nữa khi các trường đại học “quét các nguyện vọng” mới biết tình huống nào xảy ra. Hy vọng không như năm ngoái khi quá nhiều thí sinh có điểm sít nhau ở vùng điểm cao dẫn tới việc đỗ hay trượt là do may rủi tới một phần mười điểm.

Việc phổ điểm năm nay thấp, ít điểm 10, nhiều điểm 7, 8 chỉ là do kết quả của việc thay đổi đề thi, chứ không phải chất lượng giáo dục thay đổi. Qua vụ điểm cao ở Hà Giang thì thấy có quá nhiều mâu thuẫn giữa thi thử, thi thật và điểm số. Giáo dục là một quá trình chứ không thể lớn nhanh như truyền thuyết Thánh Gióng được.

Thầy Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.

TS Hoàng Ngọc Vinh: Nhìn vào phổ điểm trung bình trong kỳ thi năm nay ở một vài môn, tính phân hóa phần nào đã được thể hiện. Tuy nhiên, một số môn lại có điểm thấp bất thường, ví dụ như các môn Sử và Tiếng Anh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/lum-xum-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2018-bat-dung-benh-3362113/