Lùm xùm BOT Cai Lậy: Chuyên gia hiến kế

'Cần dành thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân, chuyên gia để đưa ra giải pháp cụ thể, hợp lý, lâu dài, được người dân chấp thuận'

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy, đồng thời yêu cầu các bộ ngành đề xuất phương án cho BOT Cai Lậy.

Thủ tướng nhấn mạnh, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.

Nên xin lỗi người dân

Trao đổi với Đất Việt sáng 5/12, ông Bùi Danh Liên - Chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ GTVT là đơn vị chủ trì đầu tư dự án này, do đó, nếu Bộ cảm thấy có sai sót thì nên xin lỗi người dân và các doanh nghiệp.

Lãnh đạo mà làm sai điều gì đó hoặc làm chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ thì nên xin lỗi người dân. Đây là động thái tích cực, phù hợp với đường lối, quan điểm của nhà nước.

Theo ông Liên, thời gian vừa qua, nhiều người có phát ngôn không đúng, hoặc làm sai cũng đã đưa ý kiến, xin lỗi người dân, xin lỗi cộng đồng xã hội, đó là việc thường xuyên phải làm.

"Việc xin lỗi không có gì là sai cả, người dân cũng đồng cảm bởi vì không ai tài giỏi đến mức không mắc lỗi. Không ai là thánh mà quyết định đúng tất cả mọi vấn đề được", ông Liên nhấn mạnh.

Tài xế phản ứng BOT Cai Lậy

Tài xế phản ứng BOT Cai Lậy

Theo vị chuyên gia giao thông, khi quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy trong vòng 1-2 tháng thì Thủ tướng và các bộ, ngành cũng đã tính tới mức độ phức tạp khi giải quyết BOT Cai Lậy. Bởi lẽ, trong trường hợp này, mỗi bên đều có cái lý riêng của mình.

"Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan đều khẳng định là làm đúng quy trình, làm đúng quy định, không làm sai. Vậy bây giờ mổ xẻ cái đúng đó ra xem có đúng thật hay không?

Việc này cho báo chí, các chuyên gia đầu ngành vào mổ xẻ để rút ra kinh nghiệm. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng là người nào sai thì phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, đầu tư BOT là một chủ trương rất lớn và phức tạp, nhiều đơn vị tham gia vào.

Vừa qua, phía tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến thừa nhận có phần trách nhiệm tại BOT Cai Lậy, tôi cho rằng như vậy là được", ông Liên nêu quan điểm.

Phương án trước mắt

Nhìn nhận một cách khách quan, ông Bùi Danh Liên nhận định, BOT Cai Lậy là vấn đề rất phức tạp, vì vậy cần có thời gian để giải quyết, khắc phục.

Theo ông, nếu như không di dời trạm thu phí thì trước mắt cần thực hiện hai giải pháp.

Thứ nhất là phân luồng giao thông, cấm xe tải có tải trọng lớn, xe trên 19 chỗ đi vào thị xã Cai Lậy.

Thứ hai là thực hiện giảm phí BOT, giá vé phải phù hợp với 12 cây số đường tránh thực hiện BOT.

Ngoài ra, dành thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân, chuyên gia để đưa ra giải pháp cụ thể, hợp lý, lâu dài, được người dân chấp thuận. Làm thế nào để không ảnh hưởng kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư sau này.

Một số ý kiến đề xuất nhà nước nên mua lại toàn bộ phần thảm nhựa trên QL 1A, sau đó dời vị trí BOT về tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên, rất khó để thực hiện phương án này.

"Do hạn chế về ngân sách nên nhà nước mới làm BOT, đến khi làm BOT rồi nhà nước lại bỏ tiền ra mua lại thì khác gì một sự thách đố.

Mặt khác, tiền ngân sách của các bộ, ngành đều được Quốc hội thông qua từ đầu năm, nếu muốn sử dụng ngân sách phải được Quốc hội thông qua, điều này không hề đơn giản", ông Liên phân tích.

Bài học lớn

Hội chứng Cai Lậy đang lây lan trên phạm vi cả nước, nếu không xử lý hợp lòng dân thì hậu quả rất khó lường. Ông Bùi Danh Liên cho rằng, hiệu ứng Cai Lậy lan sang 7 trạm BOT tương tự cũng là một khả năng.

Thế nhưng, theo ông Liên, trong tình hình hiện tại người dân, doanh nghiệp kể cả cơ quan báo chí nên chung tay giúp Nhà nước giải quyết vụ việc một cách êm thấm.

"Không để xảy ra trình trạng mất ổn định xã hội. Việt Nam được biết đến là đất nước an toàn nhất thì chúng ta phải giữ được điều đó.

Do vậy, vấn đề quan trọng hơn phải đặt lên hàng đầu, tập trung giải quyết vấn đề chung, sau đó những bất cập khác chúng ta xử lý dần dần.

Tôi cho rằng những việc trước đây đã được giải quyết ổn thỏa rồi thì nên duy trì để tạo sự đồng thuận. Còn những dự án lớn sắp tới như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành... chúng ta phải làm hết sức cẩn thận, minh bạch.

Tránh xảy ra tình trạng từ một hợp đồng kinh tế trở thành một vấn đề gây mất ổn định xã hội", ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lum-xum-bot-cai-lay-chuyen-gia-hien-ke-3348471/