Lùi thời khóa biểu sau nghỉ lễ, phụ huynh, giáo viên, học trò đều mệt

Có phụ huynh bực tức nói rằng: 'Cứ bỏ hết sách vở vào cặp mang đi là chắc ăn nhất'. Thế là cái cặp của các bé lại căng phồng, nặng trĩu.

Cứ sau một đợt nghỉ lễ nào đó, tất cả các trường học trong tỉnh Bình Thuận lại thực hiện việc lùi thời khóa biểu trong tuần gây nên sự xáo trộn cho học sinh khi soạn thời khóa biểu.

Ngày nào thầy cô cũng phải ghi bảng thế này nhưng nhiều học sinh vẫn soạn sai sách vở đi học (Ảnh tác giả)

Ngày nào thầy cô cũng phải ghi bảng thế này nhưng nhiều học sinh vẫn soạn sai sách vở đi học (Ảnh tác giả)

Đồng thời cũng làm một số giáo viên nhầm lẫn khi quên mất tiết dạy của mình.

Khốn khổ khi phải nghỉ lễ

Đơn cử, học sinh tại tỉnh Bình Thuận vào học chính thức từ ngày 26/8.

Thế nên Tuần 1 bắt đầu từ ngày 26/8 đến ngày 30/8.

Tuần 2 do nghỉ bù lễ Quốc khánh ngày 2/9 nên thứ Ba học sinh đi học phải soạn thời khóa biểu thứ Hai.

Thứ Tư soạn thời khóa biểu thứ Ba. Thứ Năm làm lễ khai giảng nên học sinh được nghỉ.

Thời khóa biểu tiếp tục được lùi, thứ Sáu học thời khóa biểu của thứ Tư.

Thứ Hai ngày 12/9 học sinh sẽ học thời khóa biểu của thứ Năm và thứ ba sẽ học thời khóa biểu thứ Sáu. Lúc này, chương trình học tuần 2 mới hết.

Thứ Tư ngày 14/9 soạn thời khóa biểu của thứ Tư và bắt đầu qua chương trình của Tuần 3.

Thế là ngày đầu tuần thay vì thứ Hai như thường tình thì nay bắt đầu sẽ là ngày thứ Tư.

Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên cùng khổ

Do việc lùi thời khóa rắc rối như vậy nên nhà trường, thầy cô đều nhắc nhở các em không ít lần.

Nhiều thầy cô còn ghi trên bảng từng ngày.

Thế nhưng do các bé còn quá nhỏ, có em mới 6, 7 tuổi nên nhớ đó rồi lại quên đó.

Phụ huynh quan tâm đến con cũng phải gọi điện hỏi người này người kia hoặc gọi hỏi trực tiếp thầy cô còn đỡ.

Có phụ huynh bực tức nói rằng: “Cứ bỏ hết sách vở vào cặp mang đi là chắc ăn nhất”.

Thế là cái cặp của các bé lại căng phồng, nặng trĩu.

Có gia đình, học sinh tự soạn sách vở nên có em chẳng biết đâu mà lần.

Vì thế vào tiết học, tình trạng quên mang sách vở khá phổ biến, điều này đã gây khó khăn cho thầy cô khi dạy các em.

Quên sách vở đương nhiên quên cả mặc đồng phục khi lớp có giờ thể dục.

Thế là cờ đỏ bắt và ghi vào sổ những em mặc đồng phục sai.

Lớp bị trừ điểm, tụt hạng, có thầy cô lo cho thành tích của lớp lại trút những cơn mưa chửi lên đầu học sinh.

Đâu chỉ mình phụ huynh, học sinh gặp rắc rối, một số thầy cô giáo cũng gặp khó khăn vì việc lùi thời khóa biểu thế này.

Có cô cứ nghĩ thứ Hai dạy thời khóa biểu thứ Hai nên lên lớp dạy, có thầy ngỡ hôm nay mình được nghỉ tiết đó nên không lên trường.

Thế là có khi 2 giáo viên vào dạy cùng lúc, lại có khi chẳng có giáo viên nào vào dạy. Vậy là hôm ấy, có lớp bị mất tiết, mất bài học.

Có cần thiết phải lùi thời khóa biểu như thế không?

Do học sinh học sớm nên cuối mỗi học kỳ vẫn còn dư từ 1-2 tuần mới đến thời gian kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học.

Vì thế, thời gian này, giáo viên sẽ dạy bù những kiến thức học chưa kịp do nghỉ những ngày lễ là phù hợp nhất.

Điều này, vừa không gây rối cho phụ huynh, cho học sinh khi thứ này phải học thời khóa biểu thứ kia, vừa hạn chế được cảnh học xong chương trình nhưng học sinh chỉ lên trường để chơi.

Và cũng giúp giáo viên không bị quên tiết dạy khiến học trò bị mất bài học.

Điều mà chúng tôi thắc mắc nhưng chưa bao giờ có câu trả lời:

“Trong một tỉnh nhưng tại sao chỉ áp dụng việc lùi thời khá biểu cho bậc tiểu học, còn bậc trung học thì thực hiện việc dạy bù vào cuối mỗi học kỳ hoặc cuối năm?”

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lui-thoi-khoa-bieu-sau-nghi-le-phu-huynh-giao-vien-hoc-tro-deu-met-post202262.gd