Lùi thời hạn chót: 'Trái bóng Brexit' lại về sân Anh

Vào cuối một ngày họp đầy kịch tính tổ chức ở Brussels trong tuần này, Thủ tướng Anh Theresa May được Liên minh châu Âu (EU) giao cho một sự nhượng bộ được xem như 'chiếc dây cứu sinh' cuối cùng của bà trong việc thực hiện tiến trình 'ly hôn' giữa Anh và EU.

Dù đạt thỏa thuận mới, Brexit vẫn hết sức rắc rối và khó đoán. (Nguồn: Reuters).

Dù đạt thỏa thuận mới, Brexit vẫn hết sức rắc rối và khó đoán. (Nguồn: Reuters).

Tạm hoãn “ly hôn”

Vào lúc 11h20 tối hôm 21/3 (giờ Brussels, Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk cuối cùng đã công bố rằng 27 lãnh đạo các nước thành viên EU đã đồng loạt nhất trí trước đề nghị tạm hoãn Brexit và tránh một cuộc “ly hôn” đầy hỗn loạn vào ngày 29/3. Ngạc nhiên hơn nữa, EU đưa ra 2 kịch bản hẹp cho nước Anh.

Kịch bản đầu tiên là tạm hoãn trong thời gian ngắn, trong đó trao cho nước Anh khoảng thời gian từ nay đến ngày 22/5 để vãn hồi trật tự trước khi rời khỏi EU. Nhưng lựa chọn này chỉ khả thi nếu như các nhà lập pháp tại Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với EU hồi tháng 11 năm ngoái trong cuộc bỏ phiếu tổ chức vào tuần tới.

Kịch bản thứ hai được kích hoạt nếu như bà May tiếp tục hứng chịu thất bại lần thứ ba liên tiếp trong việc thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Trong trường hợp này, Anh sẽ phải ở lại EU cho tới ngày 12/4, và vào thời điểm đó họ cần phải đưa ra lựa chọn: Một là tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5, tìm cách gia hạn thêm hạn chót Brexit, hai là không làm như vậy.

Đề xuất của EU đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy quan điểm của họ đã mềm dẻo hơn. Nhiều lãnh đạo EU - trước đây luôn khẳng định rằng nếu Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận vào tuần tới thì Anh sẽ ra đi “không thỏa thuận” vào ngày 29/3, đồng nghĩa với việc quay trở lại kiểm soát biên giới và hàng rào thuế quan - thì đến nay đã đổi ý, “bật đèn xanh” cho việc gia hạn Brexit. Mục tiêu của các đề xuất đưa ra là tạo ra tối đa các khả năng để “thỏa thuận ly hôn” mà hai bên nhất trí hồi tháng 11 năm ngoái được phê chuẩn và cho phép nước Anh rời khỏi EU trong trật tự.

Sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “EU đã đưa ra một biện pháp bảo vệ các lợi ích của mình và cho phép EU tiếp tục hoạt động”. Phía EU thì đã rõ ràng, vấn đề giờ là người Anh loại bỏ sự mơ hồ về phía họ.

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị EU lui thời điểm “ly hôn” cho tới ngày 30/6. Mục tiêu của việc gia hạn là tận dụng thời gian để buộc các nghị sĩ Anh hoàn thành việc bỏ phiếu cho thỏa thuận với EU.

Đơn giản mà phức tạp

Những kịch bản này nhìn thì có vẻ rất đơn giản. Nhưng rất khó để mô tả về sự căng thẳng mà EU và Anh giấu giếm sau Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua, trong đó Brexit là tâm điểm.

Đáng lẽ ra, một cuộc họp báo được tổ chức vào lúc 6h00 chiều 21/3, nhưng đã bị hủy. Điều này khiến nhiều người tỏ rõ quan ngại về sự phức tạp của tiến trình Brexit trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch Donald Tusk đã đặt lên bàn làm việc một bản kế hoạch gia hạn tiến trình Brexit trong khoảng thời gian ngắn - tức cho đến ngày 22/5, nhằm tạo điều kiện cho Hạ viện Anh có thời gian thông qua thỏa thuận Brexit.

Tại các vòng họp ở Brussels trong tuần, bầu không khí khá ảm đạm. Không có ai ngoài những người thân cận với Thủ tướng Theresa May lại tin rằng thỏa thuận Brexit sẽ có viễn cảnh tốt hơn, được thông qua tại Hạ viện trong thời gian tới đây. Trong con mắt của giới quan sát, dù hai bên đã nhất trí về việc lùi thời hạn chót Brexit, nhưng thực chất là viễn cảnh Brexit không thỏa thuận ngày càng rõ rệt hơn.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU, giới chức của khối liên minh này công khai thảo luận về điều có thể xảy ra trong trường hợp thỏa thuận Brexit của bà May một lần nữa bị Hạ viện Anh bác bỏ. Một số người còn đề xuất mời các nhà lập pháp Anh - vốn đang chia rẽ sâu sắc - tới Brussels để bàn về hướng đi sắp tới. Thậm chí nhiều quan chức còn bàn về khả năng kéo dài thêm thời hạn chót của Brexit trong trường hợp Anh tổ chức tổng tuyển cử hoặc tệ hơn là một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Điều rõ ràng nhất mà ai cũng hiểu là: Không có điều gì chắc chắn trong các kịch bản này.

Trở lại vị trí ban đầu

Tất cả các lựa chọn Brexit hiện tại đều nhằm một đích đến duy nhất: Ngăn chặn viễn cảnh Brexit không thỏa thuận vào ngày 29/3, thời hạn chót mà Anh và EU đã nhất trí cách đây 2 năm khi Anh chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - bắt đầu tiến trình “ly hôn”.

Và quyết định đầy bất ngờ mà hai bên công bố vào tối hôm thứ Năm vừa qua về một thời gian biểu gồm 2 phần cũng là nhằm giảm mối quan ngại về viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Ngoài ra, kịch bản này không có gì mới ngoài việc nhắc lại cho các nước thành viên EU về cam kết tránh Brexit không thỏa thuận của họ. Trong suốt nhiều tháng liền, giới lãnh đạo EU đã nhấn mạnh rõ rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm gì nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra.

Tuy nhiên, EU có cam kết về một điều khác: Không can dự vào chính trường của một quốc gia có chủ quyền. Đặc biệt là một nước đang cố gắng rời khỏi khối này.

Trở lại với 2 kịch bản hẹp mà EU trao cho nước Anh. Trong tuần tới, giới lập pháp Anh trong trường hợp hãn hữu có thể đồng lòng ủng hộ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May - lựa chọn mà EU mong muốn - và tiến trình sẽ đi đến giai đoạn tiếp theo là đàm phán về mối quan hệ Anh - EU trong tương lai.

Trong trường hợp ngược lại, các nghị sĩ Anh sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit. Lúc đó, Anh sẽ buộc phải tìm ra giải pháp và đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia vào bầu cử Nghị viện châu Âu (vào ngày 23/5) hay không trước ngày 12/4. Trong trường hợp không tham gia vào các cuộc bầu cử này, Anh thực chất không còn là thành viên của EU. Nếu thỏa thuận Brexit không được thông qua, ngày 22/5 sẽ trở thành hạn chót thay thế cho ngày 29/3. Nhưng nếu Anh quyết định tham gia vào bầu cử Nghị viện châu Âu và tìm cách gia hạn thêm tiến trình Brexit, giới quan sát cho rằng mọi chuyện sẽ trở nên rất hỗn loạn. Những người ủng hộ Brexit ở nước Anh sẽ cho rằng đây là lời biện hộ để Chính phủ không thực hiện Brexit nữa. Viễn cảnh Anh ở lại EU sẽ trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, và một lần nữa chính trường Anh chia rẽ sâu sắc.

Những viễn cảnh trên hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trên thực tế Chủ tịch Donald Tusk trong buổi phỏng vấn mới đây đã nói rằng khả năng gia hạn thêm Brexit là “rất có thể xảy ra”. Thêm nữa, Hạ viện Anh đa phần là có tư tưởng thân EU hơn là hoài nghi EU. Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May có được phê chuẩn trong cuộc bỏ phiếu tuần tới hay không. Cuối cùng là cũng trong ngày mà tuyên bố lùi thời hạn chót Brexit được đưa ra, có hơn 2 triệu cử tri Anh ký vào một thỉnh cầu thư trực tuyến trên website Chính phủ yêu cầu rút lại Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - tức ngừng cuộc “ly hôn”.

Tất cả những diễn biến vừa qua đều cho thấy một thực tế rằng: Gần như ngay sau khi nhượng bộ nước Anh, giới lãnh đạo EU lại ném “trái bóng Brexit” về chính tay của người Anh.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/lui-thoi-han-chot-trai-bong-brexit-lai-ve-san-anh-tintuc432821