Lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới: Cần có thời gian bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

Chính phủ vừa chính thức trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 của Quốc hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn, khó khăn vướng mắc vẫn còn nhiều, mà thời gian 1 năm rất khó khắc phục.

Giáo viên và học sinh trường miền núi PTCS Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Quang Đại

Nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất

Trước đó, đã có một số địa phương đề nghị Bộ GDĐT cho lùi thời gian thực hiện, bởi vì “chưa yên tâm về chất lượng”, như ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Từ băn khoăn nói trên, phóng viên đã làm việc với Sở GDĐT Nghệ An, ghi nhận ý kiến của ngành giáo dục địa phương về thực hiện chương trình - SGK mới.
Ông Võ Văn Mai - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Nghệ An - trao đổi: Cái mới của chương trình phổ thông tổng thể là mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của người học, thay đổi phương thức kiểm tra, đánh giá. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, gồm nhiều bộ SGK, các trường được chủ động lựa chọn, sắp xếp phân phối chương trình dạy học phù hợp.

Tuy nhiên, cũng chính từ đặc điểm nói trên, mà nếu áp dụng chương trình mới, sẽ gặp khó khăn ngay từ đội ngũ cán bộ quản lý. Trước yêu cầu tự chủ về nội dung, nhân sự, tài chính, yêu cầu đối với năng lực của cán bộ quản lý các trường phải cao hơn, mà hiện nay, số đáp ứng được, không phải là đa số.

Về đội ngũ giáo viên, hiện nay, tại Nghệ An, 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, tuy nhiên, đối với một số môn tích hợp cần được bồi dưỡng thêm. Một bộ phận giáo viên vẫn còn những rào cản trong đổi mới phương pháp dạy học- đánh giá, cập nhật, trang bị kiến thức do bản thân chưa thực sự nỗ lực, do phương thức quản lý… Cơ sở vật chất nhà trường, nếu áp dụng chương trình mới, đòi hỏi trang bị nhiều hơn. Việc triển khai các môn tự chọn, nếu không có cơ chế phù hợp, các trường sẽ gặp khó khăn.

Về sự phối hợp, vào cuộc của phụ huynh, cũng còn nhiều bất cập, do một bộ phận còn có tâm lý phó mặc cho nhà trường. Tại Nghệ An, do đặc thù vùng miền, tại các vùng miền núi, các khó khăn càng lớn.

Cần có lộ trình cụ thể

Bà Nguyễn Thị Kim Chi- Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - cho biết: “Chúng tôi xác định việc chuẩn bị tiếp cận chương trình mới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng”. Ngay trong các văn bản chỉ đạo nhiệm vụ năm học 2017-2018, Sở GDĐT Nghệ An đã yêu cầu các trường tiếp cận theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Từ nhiều năm qua, tại Nghệ An đã thực hiện việc các trường chủ động xây dựng phân phối chương trình trên yêu cầu đảm bảo chuẩn kiến chức, kỹ năng. Đối với các nội dung dạy học không phù hợp, các trường có thể chủ động thay đổi. Chủ trương dạy học theo đối tượng đã được quán triệt. Công tác hướng nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Sinh hoạt tổ chuyên môn triển khai theo hướng nghiên cứu bài dạy, chủ đề. Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đã thực hiện nhiều năm qua.

Theo ông Võ Văn Mai - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Nghệ An - Bộ GDĐT đã nắm bắt được điều đó, nên bên cạnh việc lùi thời gian, là việc thực hiện theo lộ trình từng năm một, không làm ồ ạt, không lấy học sinh ra làm thí nghiệm.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/lui-thoi-gian-thuc-hien-chuong-trinh-pho-thong-moi-can-co-thoi-gian-boi-duong-doi-ngu-giao-vien-576779.ldo