Lùi lịch thi THPT quốc gia sẽ không xáo trộn lớn đến tuyển sinh

Việc điều chỉnh lịch thi THPT quốc gia đã nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận, tuy nhiên, việc điều chỉnh có gây xáo trộn lớn cho các trường đại học (ĐH) trong tuyển sinh hay không? Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quyết định kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được lùi thêm 1 tháng, từ cuối tháng 6 sang cuối tháng 7-2020 để các nhà trường có đủ điều kiện chuẩn bị dạy học, ôn tập tốt nhất. Việc điều chỉnh lịch thi THPT quốc gia đã nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận, tuy nhiên, việc điều chỉnh có gây xáo trộn lớn cho các trường đại học (ĐH) trong tuyển sinh hay không? Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

PV: Thưa bà Nguyễn Thị Kim Phụng, việc Bộ GD&ĐT lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia có gây xáo trộn kế hoạch tuyển sinh ĐH năm 2020 hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục ĐH, trường Cao đẳng (CĐ), Trung cấp sư phạm và UBND các tỉnh đã căn cứ vào khuyến cáo của Bộ Y tế và thực tế tại các địa phương để điều chỉnh lịch học. Hiện nay, Luật Giáo dục ĐH đã quy định cho khối giáo dục ĐH có quyền tự chủ rất lớn. Các trường có quyền quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khóa học…

Quy chế tuyển sinh cũng đã quy định các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm và công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh của trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký… Như vậy, việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPTQG chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, các trường cũng không bị động. Kế hoạch tuyển sinh của trường do từng trường xây dựng, ban hành.

Bộ GD&ĐT chỉ ban hành Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020. Trong điều kiện các trường có thể sử dụng quyền tuyển sinh nhiều đợt trong năm thì các trường càng chủ động tuyển sinh

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học

PV: Thời gian cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, thời gian quy định cho các đợt xét tuyển, thời điểm kết thúc tuyển sinh sẽ thay đổi như thế nào khi thời gian tổ chức thi THPTQG năm 2020 lùi hẳn 1 tháng, thưa bà?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định cho xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, “tịnh tiến” tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia.

Thực tế, nếu tính từ khi thí sinh đăng ký xét tuyển đến khi kết thúc xét tuyển đợt 1 thì lịch này được thực hiện trong khoảng 5 tháng; nếu tính từ thời gian thi THPT quốc gia thì sau khoảng gần 2 tháng sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1. Như vậy, nếu lịch thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9 sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 và còn hơn 3 tháng cho một số trường xét tuyển các đợt tiếp theo. Vì vậy, thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến sẽ thực hiện như các năm trước, kết thúc vào 31-12-2020.

Theo dõi qua các năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, và hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 hàng năm nên năm nay, kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường. Hiện nay, cả hệ thống đều thực hiện quy định về chỉ tiêu không chuyển sang năm sau nên sang năm 2021, các trường sẽ tính chỉ tiêu, xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh của năm 2021.

Các trường ĐH sẽ điều chỉnh lịch tuyển sinh phù hợp với lịch thi THPT quốc gia năm 2020

PV: Liệu các trường có phải điều chỉnh kế hoạch năm học tới do tuyển sinh muộn so với dự kiến không?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tùy theo từng trường và có khoảng 4-6 tuần dự phòng/năm học. Vì vậy, trong điều kiện các trường có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm và đào tạo theo tín chỉ thì kế hoạch nhập học, bắt đầu năm học có thể cần điều chỉnh nhưng kế hoạch tổng thể của năm học không nhất thiết phải thay đổi vì sử dụng thời gian dự phòng vẫn đảm bảo kế hoạch và chất lượng thực hiện chương trình đào tạo.

PV: Các cơ sở đào tạo cần phải làm gì để thích ứng với sự thay đổi này, thưa bà?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Phát huy điều kiện tự chủ đại học, hiện nay, hầu hết các trường đã rất chủ động trong việc cho sinh viên nghỉ học phù hợp với tình hình của địa phương; chủ động thay đổi lịch học và thông báo sinh viên đi học trở lại. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2020, các trường sẽ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh của trường cho phù hợp.

Như vậy, không thể nói là khối giáo dục ĐH không gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng những khó khăn hiện nay đều trong khả năng kiểm soát và khắc phục của các trường. Ngoài khó khăn về việc phải thực hiện trách nhiệm và các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là trong thời gian sinh viên nhập học trở lại, các trường phải thật chủ động trong công việc.

Đó là các trường nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo môi trường an toàn; tính toán thật kỹ các mốc thời gian khi xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch năm học vì không còn thời gian dự phòng; thực hiện đầy đủ kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và kết thúc năm học phù hợp với lịch thi THPT quốc gia mới được công bố

PV: Xin cảm ơn bà!

Thu Phương - Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/lui-lich-thi-thpt-quoc-gia-se-khong-xao-tron-lon-den-tuyen-sinh-583017/