Lục tìm trong Minh Thực Lục - Kỳ II: Giấc mộng của ông già người Nam

Cam phận làm Thượng thư bộ Công nhà Minh nhưng không vào luồn ra cúi, Hồ Nguyên Trừng đã ghi danh hậu thế, là tác giả của nhiều súng ống, được binh lính tế cả khi sống lẫn khi chết!

 Bộ sách "Minh Thực Lục"

Bộ sách "Minh Thực Lục"

LTG: Một cố gắng lớn của NXB Hà Nội cùng một số đối tác mới đây đã khiến sự đọc nước nhà thêm phần xôm tụ. Đó là bộ Minh thực lục (MTTL) được xuất bản với hơn ba ngàn trang in khổ 16x24cm. Sách được chuyển ngữ và chú thích bởi dịch giả nổi tiếng Hồ Bạch Thảo. Lại có phần chăm sóc hiệu đính, bổ chú của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

MTL là bộ biên niên sử viết về triều Minh Trung Quốc. Bộ sử ghi lại các sự kiện bắt đầu từ thời Minh Thái tổ tới Minh Hy Tông, tổng cộng là 13 triều vua.

Trước nay, MTL từng được những nhà làm sử Việt từ thời Hậu Lê, Lê Trịnh, thời Nguyễn, thời Pháp và gần đây là các học giả Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp… cần mẫn tiếp cận được văn bản gốc. Và bây giờ bạn đọc, những ai lưu tâm tới sử nước nhà, đặc biệt là thời hậu Lê giai đoạn cuộc kháng chiến chống quân Minh của Bình Định Vương Lê Lợi có thể bỏ ra số tiền khoảng 1,5 triệu đồng để có 3 tập MTL!

Đã đành MTL đã và đang đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu nhiều lĩnh vực như sử, văn , khảo cổ, dư địa chí… Và khi tiếp cận với MTL, bạn đọc có thể đối chiếu so sánh với chính sử nước nhà như "Toàn thư" để thấy những hạt sạn và sự không toàn bích của bộ cổ sử Trung Hoa mang tên MTL này.

Rất mong những kiềm chế, bình tĩnh trước những ghi chép cùng nhận xét chưa được khách quan thỏa đáng thậm chí sai lệch trong MTL mà người chú thích lẫn hiệu đính trong lần xuất bản này đã công phu chỉ ra.

Xin nhường lời cho các nhà nghiên cứu. Người viết bài này chỉ mạo muội khi lục tìm trong MTL vài chuyện mà trước nay chưa thấy và chép thiếu lẫn sai lệch trong chính sử Việt.

Kỳ II: Giấc mộng của ông già người Nam

Trong MTL, tiếc thay và cũng xót thay, hậu thế Đại Việt như đụng phải một bức tường khi chỉ loáng thoáng những dòng về vị Thượng thư Bộ Công tài năng và ít nhiều tiết tháo ấy? Lại nữa, về những năm tháng khó khăn cùng vô số những vinh hiển nhưng chả ít những nhọc nhằn giằng xé?

Thành Hóa… ( ngày 21 tháng 5 năm 1469). Lấy con của viên Công bộ hữu thị lang Lê Thúc Lâm là Thế Vinh làm Trung thư xá nhân. Thúc Lâm là người Giao Chỉ, cha tên Trừng, là em của con (Lê) Quý Ly là (Lê) Thương, vốn là tù binh bị bắt về (Trung Quốc).

Thái Tông Văn Hoàng Đế tha tội cho y (Trừng) và dùng làm quan, chuyên coi sóc việc chế tạo súng, đạn, thuốc nổ tại Binh trượng cục, cuối cùng làm đến Công bộ Thượng thư. Thúc Lâm kế nghiệ̣p cha, tiếp tục giám đốc việc chế tạo quân khí. Đến nay (Lê Thúc Lâm) xin cho con của y là Thế Vinh làm quan tại kinh đô để tiện cho việc chăm sóc. Hoàng đế nghĩ đến hoàn cảnh người từ phương xa đến, nên rủ lòng chấp thuận đề nghị ấy.

Lê Trừng, Lê Thúc Lâm, Lê Kế Lâm đều được an táng tại thôn Nam An Hà.

(MTL, Tập III trang 84 NXB Hà Nội 2019).

Nhiều người hẳn nhớ Hồ Nguyên Trừng, Tổng chỉ huy quân đội nhà Hồ từng là Tả tướng quốc Đại Việt bản lĩnh đã nổi trội từ nhỏ. Trong Đại việt sử ký toàn thư từng chép việc Hồ Quý Ly muốn biết Hồ Nguyên Trừng có khẩu khí làm vua hay không, bèn ra câu đối.

Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân (Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân).

Trừng đáp lại: Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc (Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường làm cột để chống nâng xã tắc)

Nghe hai từ lương đống (rường cột) biểu tượng cho chức quan, Hồ Quý Ly giật mình nghĩ xa đến việc ông con này có mộng đồ vương bá nên không đưa Trừng lên làm vua nhưng vẫn được Hồ Quý Ly ban quyền Tổng chỉ huy quân đội.

Số phận đưa đẩy, cam phận làm Thượng thư bộ Công nhà Minh nhưng không mờ nhòe thân phận cúc cung vào luồn ra cúi, Hồ Nguyên Trừng đã ghi danh hậu thế cho cả nhà Minh, cho cả Đại Việt, là Tổng công trình sư của những súng, đạn, thuốc nổ tại Binh Trượng cục được binh lính tế cả khi sống lẫn khi chết!

Và Hồ Nguyên Trừng còn là một nhà văn!

"Nam ông mộng lục", NXB Văn học.

Cuốn Nam ông mộng lục( ghi lại giấc mơ của ông lão người Nam) là một bằng cớ về nỗi u hoài về cố quốc?

Mặc dù cuốn Nam ông mộng lục được xuất bản hẳn hoi dưới triều Minh (khắc in) nhưng trong MTL không hề có một dòng nào nhắc đến sự kiện ấy! Nhưng không sao! Trước tác của Hồ Nguyên Trừng đã được các nhà văn hóa tầm cỡ Trung Hoa thời Minh ấy tấm tắc. Như Hồ Huỳnh, Thượng thư bộ Lễ triều Minh từng đề từ năm 1440 cho trước tác của Hồ Nguyên Trừng. Lại nữa, những tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng đã được cộng đồng người Việt khá đông thời ấy cư trú ở Bắc Kinh và những vùng lân cận đón đọc. Ta hãy tưởng tượng sau thời điểm bình định Giao Chỉ, 17.000 quan và dân Đại Việt đã bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc!

Trở lại tác phẩm Nam ông mộng lục. Độc đáo thay hai chữ mộng lục… Hồ Nguyên Trừng có kể lại trong sách ấy đại loại rằng:

Khi viết sách có người hỏi sao lại dùng chữ mộng? Trừng cười chua chát mà rằng bởi sách chép về những chuyện của nước Nam mà những nhân vật, khung cảnh ấy, đất nước cố quốc ấy bỗng chốc vời xa thăm thẳm không thể trở về được! Vậy không phải là giấc mộng là gì?

Dường như những phút xao lòng với thân phận lưu vong nới đất Bắc, Hồ Nguyên Trừng đã phải vịn vào những tấm gương tiết liệt trung dũng và nghĩa khí của Đại Việt? Có lẽ Hồ Nguyên Trừng là nhà viết văn, sử đầu tiên của Đại Việt viết về Chu Văn An, Lê Phụng Hiểu, Trần Nhân Tông, Khổng Minh Không… Viết và bàn về danh nhân Đại Việt một cách bình tĩnh và tương đối khách quan trong Nam ông mộng lụccũng là một cách vị Thượng thư triều Minh ấy thêm chút sinh khí để gượng tiếp những ngày sống tàn nơi đất khách, quê người?

Thử ngoái lại một chút Nam ông mộng lục.

Trước tác của Hồ Nguyên Trừng gồm 31 phần, do Hồ Huỳnh, Thượng thư bộ Lễ triều Minh đề từ năm 1440, có cả hậu tự năm 1442 của Tống Chương. Ở lời nói đầu, Hồ Nguyên Trừng viết:

Trong xóm mười nhà thể nào cũng có người tín nghĩa như Khổng Tử, huống hồ nhân vật nước Nam không kể hết.

Qua Nam ông mộng lục người ta phần nào hình dung được đất nước con người Việt Nam cách đây hơn 600 năm. Các mảng đời sống, tín ngưỡng, phong tục, lề thói… rất sinh động và chân thật. Hồ Huỳnh nhận định:

Văn họ Hồ ngắn gọn mà nghiêm trang, cẩn mật, cao nhã mà uyên bác, theo tình kể lại, theo nghĩa đặt lời… Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể uốn nắn phong tục, biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính tình…

Có điều lạ, độc đáo là hai triều Nguyên , Minh nối nhau ở Trung Hoa có hai nhà văn An Nam lưu vong ở xứ ấy là Lê Tắc và Hồ Nguyên Trừng. Mỗi người thân phận và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng đều gặp nhau và giá trị để lại cho hậu thế là nỗi niềm cố quốc. An Nam chí lược (những điều lược ghi về An Nam) là một bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Hán do Lê Tắc (1263 – 1342) biên soạn khi sống lưu vong tại Trung Quốc ở khoảng nửa đầu thế kỷ 14.

"Minh thực lục".

Nội dung sách ghi chép hỗn hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, v.v... của An Nam từ ban đầu đến cuối đời Trần. Nguyên bản có 20 quyển, nhưng hiện tại chỉ còn 19 quyển. Có lẽ đây là một công trình khảo cứu về Việt Nam lâu đời nhất còn lại, do một người Việt viết. Lê Tắc đã ghi lại được khá nhiều tư liệu hiếm hoi liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Phần thư tín ngoại giao giữa hai nước cũng cung cấp được ít nhiều tác phẩm văn học thuộc loại hình văn xuôi luận chiến vốn có truyền thống rất sớm ở nước ta. Nam Ông Mộng Lục, được coi là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về "người thực, việc thực" trong văn xuôi tự sự nước Việt ( Dẫn theo Nguyễn Huệ Chi).

Có lẽ rồi đây giới văn bút sẽ minh định một cách công tâm và khách quan những trước tác của hai nhà văn lưu vong ấy từng sáng tác viết lách trong hoàn cảnh ngặt nghèo?

Bao nhiêu là những phân vân khi ngó lại những dòng sau đây của Minh sử.

Lê Trừng, Lê Thúc Lâm, Lê Thế Vinh đều được an táng tại thôn Nam An Hà.

Như vậy cả ba đời, ông cha, con Lê Trừng (Hồ Nguyên Trừng) đều an táng trên đất Trung Hoa. Mà mộ chí đều ở thôn Nam An Hà!

Nam An Hà là ở đâu trên đất Trung Hoa mênh mông? May thay mới đây, nhà nghiên cứu sử Trương Thái Du trong công trình nghiên cứu về Hồ Quý Ly có chú cụ thể thôn Nam An Hà thuộc xã Bắc An Hà, khu Hải Điện, TP Bắc Kinh.

Thiết tưởng cũng chả phải là mịt mù bóng chim tăm cá gì lắm, nếu địa chỉ trên đây là đúng? Nhất là việc truy, tìm đến cùng địa danh đó ở thời Minh với địa đồ cùng tên đất của Trung Hoa hiện đại bây giờ? Lê Trừng, Lê Thúc Lâm, Lê Thế Vinh, ba đời ông, cha, con là cái tên đâu phải vô danh tiểu tốt hay bạch đinh mà là đều quan chức có hạng thời Minh. Lại nữa, sau đời Lê Thế Vinh ( cháu nội Lê Trừng) nếu không có thiên tai dịch bệnh hay giặc giã, chắc chắn dòng họ Lê Trừng, con cháu chút chít phải nối dõi dài dài đến thời hiện tại dưới thời… Tập Cận Bình này chưa biết chừng?!

Tượng Lê Lợi.

Thiển nghĩ, dám chắc đám hậu sinh họ Lê ( Hồ) ấy phải biết phần mộ của cao tằng tổ tỷ, mộ của Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng… ở đâu chứ nhỉ? Nghĩ đến những năm tao bảy tiết, những gian nan nhiêu khê việc tìm mộ Hồ Quý Ly rồi Hồ Nguyên Trừng diễn ra những năm cuối 50 đầu 60 của thế kỷ trước bao nhiêu tất tả mà vẫn mịt mù, trộm nghĩ việc tìm mộ các danh nhân lịch sử ấy không thể dựa vào lòng hăng hái sự tích cực của một vài cá nhân được? Dẫu sốt mến với lịch sử, với tiền nhân cách mấy nhưng không có sự hợp tác phối hợp của tầm cỡ quốc gia, của các nhà chức việc lãnh đạo chính quyền hoặc ngành sử học của hai nhà nước Việt Trung thì khó mà có kết quả?

Lại lẩn mẩn nghĩ thêm đến bức hoành tại nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Lưu nhất bản năng song cán ( một cây mà tốt cả hai cành) chỉ hai chi họ Hồ lớn nhất Việt Nam. Một, ở đất Quỳnh Lưu thổ đôi trang tức là làng Quỳnh Đôi ( Nghệ An). Hai, là chi họ Hồ tại Thanh Hóa ở Đại Lại ( Hà Trung) sinh ra Hồ Quý Ly sau này. Mà nghe đâu cái ông chủ Hãng xe Mai Linh giàu có và nổi tiếng là Hồ Huy, hậu duệ của một trong hai chi họ Hồ ấy?

Đang nghĩ đến một ngày đẹp giời hay thời khắc hanh thông nào đó, doanh nhân Hồ Huy động lòng trắc ẩn trước tiền nhân, chủ động làm cú hích cái việc phối kết hợp với các nhà chức việc của ngành sử, khảo cổ Việt tìm sang đất Trung Hoa để tìm về cái địa danh thôn Nam An hà có từ thời Minh ấy… Bởi chỉ có sự hằng tâm lẫn hằng sản cộng với phương thức truy tìm khoa học thì mới dẫn đến cái kết đẹp? Có lẽ trước động cơ thành tâm và lòng sốt mến ấy, giới sử học cùng các nhà chức việc Trung Hoa chẳng thể viện lý do gì để từ chối?

(Đón đọc Kỳ 3: Thời khắc bi thương của Đại Việt)

Xuân Ba

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/luc-tim-trong-minh-thuc-luc-ky-ii-giac-mong-cua-ong-gia-nguoi-nam-post142612.html