Lục quân Mỹ gặp thách thức trên chiến trường điện tử

Ngày 7-5 vừa qua, Đại tá Scott Woodward, chỉ huy Trung đoàn Cơ giới số 11 của Lục quân Mỹ đã công bố trên mạng xã hội Twitter bức ảnh vệ tinh thể hiện rõ nét vị trí triển khai quân của một đơn vị cấp tiểu đoàn trong diễn tập tại Trung tâm huấn luyện quốc gia, thuộc căn cứ Irwin, bang California. Đơn vị này bị phát hiện do đã bộc lộ quá nhiều tín hiệu điện tử.

Ngụy trang thông thường trở nên vô hiệu

Đáng chú ý rằng, khi đó bài diễn tập diễn ra vào ban đêm, dưới một khu vực có rừng che phủ trong Trại Irwin. Với điều kiện như vậy, các phương pháp trinh sát quang học thông thường sẽ khó có thể phát hiện ra vị trí triển khai quân.

Tưởng chừng như đã ngụy trang kỹ lưỡng, tiểu đoàn nói trên đã vận dụng các thiết bị trinh sát điện tử chủ động để phát hiện dấu vết của trung đoàn 11. Chiến thuật này đã thành công khi trung đoàn 11 bị phát hiện từ khoảng cách 12km. Tuy nhiên, tín hiệu từ các thiết bị trinh sát lại làm lộ vị trí của đơn vị. Ngoài ra, binh sĩ và các thành phần hỗ trợ còn liên tục liên lạc với nhau và chia sẻ thông tin bằng sóng vô tuyến, dẫn đến việc trở nên “nổi bật” trên ảnh vệ tinh.

Đại tá Scott Woodward cho biết: “Ngụy trang có thể giúp tăng khả năng sống sót trong giao chiến ở khoảng cách gần. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng hơn là: Độ bộc lộ tín hiệu điện tử lớn như thế nào? Nếu tôi có thể nhìn thấy bức hình như vậy, thì mọi biện pháp ngụy trang thông thường đều vô dụng”.

 Ảnh chụp vệ tinh tiểu đoàn Mỹ bị phát hiện thông qua trinh sát điện tử.

Ảnh chụp vệ tinh tiểu đoàn Mỹ bị phát hiện thông qua trinh sát điện tử.

Trong các đợt diễn tập của quân đội Mỹ, trung đoàn Cơ giới số 11 có nhiệm vụ đóng vai một lực lượng đối địch (OPFOR) tương đồng về năng lực. Do đó, việc tiểu đoàn nói trên bị OPFOR phát hiện dễ dàng trong diễn tập đang làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng tác chiến của Mỹ trước những đối thủ có trình độ công nghệ cao.

“Chậm chân” hơn đối thủ

Với sự phát triển của công nghệ điện tử hiện nay, bất cứ thiết bị nào có thể phát sóng cũng có thể trở thành điểm yếu để đối thủ khai thác. Nguy cơ này ngày càng tăng khi quân đội Mỹ nói riêng và nhiều nước nói chung tăng cường dựa vào các thiết bị trên. Có thể lấy ví dụ, máy bay không người lái (UAV), hay radar trinh sát pháo binh tuy giúp tăng khả năng trinh sát, nhưng cũng khiến bên sử dụng dễ bị phát hiện hơn. Các loại bom, đạn có dẫn đường hay tên lửa hành trình có thể có độ chính xác cao khi được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), nhưng sẽ bị “mù” một khi bị gây nhiễu.

Đại tá Scott Woodward còn nhấn mạnh vào các hệ thống bảo vệ chủ động (APS) mà quân đội Mỹ đang rất quan tâm. Để chống lại tên lửa có điều khiển và các vũ khí chống thiết giáp khác nhắm vào xe, APS sử dụng nhiều loại cảm biến khác nhau, bao gồm radar cỡ nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc APS tạo ra tín hiệu điện tử đáng kể, làm lộ vị trí xe.

Mỹ và các nước phương Tây đã đạt được nhiều bước tiến dài trong việc “thông minh hóa” vũ khí và “số hóa” chiến trường. Tuy nhiên, lĩnh vực trinh sát, tác chiến điện tử lại không nhận được sự chú trọng tương tự, đặc biệt trong Lục quân Mỹ. Nhiều năm qua, Mỹ chỉ tập trung chiến đấu với các lực lượng có trình độ công nghệ thấp. Lục quân Mỹ đã giải thể đơn vị tác chiến điện tử của mình kể từ sau Chiến tranh Lạnh, phụ thuộc chủ yếu vào không quân và hải quân. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây tại Syria và nhiều nơi khác đang cho thấy, không quân và hải quân Mỹ cũng rất dễ bị tổn thương bởi tác chiến điện tử.

Trong khi đó, một trong những đối thủ tiềm tàng của Mỹ là Nga lại đặc biệt chú trọng vào chiến trường vô hình này. Kể từ khi bắt đầu hiện đại hóa quân đội vào năm 2008, tác chiến điện tử là thành phần không thể thiếu trong tất cả các binh chủng của Nga. Mỗi quân khu được bố trí một lữ đoàn tác chiến điện tử độc lập, trong đó quân khu phía Tây có hai lữ đoàn. Toàn bộ các sư đoàn lục quân và lữ đoàn đổ bộ đường không đều có các đại đội tác chiến điện tử phối thuộc.

Học thuyết quân sự mới của Nga nêu rõ: “Nhiệm vụ của tác chiến điện tử là tấn công cơ sở thông tin-liên lạc của đối thủ, bảo vệ cơ sở thông tin-liên lạc của quân ta, chống lại các biện pháp trinh sát của đối thủ đồng thời hỗ trợ thông tin-liên lạc cho các đơn vị trên chiến trường”.

Nga hiện đang sở hữu kho thiết bị trinh sát, tác chiến điện tử đa dạng nhất, với hàng chục khí tài chuyên biệt cho từng loại đối tượng, từ gây nhiễu vệ tinh, radar hàng không đến chế áp sóng điện thoại di động.

Một số khí tài tác chiến điện tử trong biên chế quân đội Nga .Ảnh: TASS.

Phải đến sau năm 2014, lục quân Mỹ mới tiến hành xây dựng lại kho khí tài trinh sát, tác chiến điện tử của mình. Gần đây, lực lượng này tuyên bố sẽ triển khai các trung đội tác chiến điện tử với khí tài mới cho 31 lữ đoàn thiết giáp và bộ binh.

Năm 2018, sư đoàn Kỵ binh số 1 của lục quân Mỹ đưa vào thử nghiệm nguyên mẫu “Xe tác chiến điện tử chiến thuật” (EWTV). Được phát triển từ thiết bị phá sóng bộ phận kích nổ bom tự chế, khí tài trên EWTV có thể phát hiện, theo dõi hoặc gây nhiễu nguồn phát tín hiệu liên lạc của đối thủ. Các phương tiện trinh sát trên không như UAV cũng đang trong quá trình hiện đại hóa khả năng trinh sát điện tử hoặc bổ sung khí tài tác chiến điện tử mới.

Bộ khí tài trinh sát điện tử treo dưới cánh UAV MQ-1C trong biên chế lục quân Mỹ (Ảnh: US Army)

Quay về những biện pháp cũ mà hiệu quả

Giới bình luận quân sự Mỹ đang bày tỏ lo ngại rằng, nếu không gấp rút tăng cường năng lực tác chiến điện tử, lợi thế lớn nhất của Mỹ sẽ biến mất một khi xung đột với những đối thủ tiềm tàng xảy ra. Mặc dù đã có những nỗ lực phát triển công nghệ mới, phải đến năm 2023 lục quân Mỹ mới triển khai được một khí tài trinh sát, tác chiến điện tử hiệu quả. Bên cạnh việc gấp rút phát triển khí tài, vấn đề dễ bị tổn thương của hệ thống thông tin-liên lạc và định vị vệ tinh vẫn đang là một trong những thách thức lớn đối với quân đội Mỹ.

Trên thực tế, giải pháp cho vấn đề trên vốn đã có sẵn từ trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong cẩm nang chiến trường (FM) 24-33, xuất bản bởi Bộ lục quân Mỹ năm 1990, nhiều hướng dẫn về cách thức chống tác chiến điện tử đã được trình bày chi tiết. Đa số những phương pháp trên hoàn toàn có thể được ứng dụng trong điều kiện chiến tranh hiện đại ngày nay, do về cơ bản, cách thức truyền tín hiệu vẫn không có thay đổi nào đột phá. FM 24-33 chỉ rõ, chìa khóa để phòng ngừa đối thủ phát hiện hoặc vô hiệu hóa hệ thống điện tử nằm ở trạng thái “giảm phát sóng” (EMCON).

Ở trạng thái này, các thiết bị phát sóng phải được tắt toàn bộ, chỉ hoạt động khi thực sự cần thiết. Liên lạc vô tuyến được giữ ở mức tối thiểu. Cho đến hiện nay, EMCON vẫn là cách “ẩn náu” trong môi trường tác chiến điện tử đơn giản và hiệu quả nhất.

Những biện pháp trinh sát, truyền tin không sử dụng sóng vô tuyến cũng rất hữu dụng. Các loại điện đài hữu tuyến đảm bảo bí mật tốt do không phát tín hiệu lên không gian. Các cách thức trinh sát như dùng ảnh nhiệt, hồng ngoại thụ động… hoàn toàn không bộc lộ tín hiệu, giảm khả năng đối thủ phát hiện mình bị theo dõi.

ĐĂNG SƠN (tổng hợp theo The Drive, Forbes, fas.org…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/luc-quan-my-gap-thach-thuc-tren-chien-truong-dien-tu-618157