Lục quân Israel: Sức mạnh khủng khiếp không ai muốn đối đầu

Điểm then chốt trong sức mạnh của Lục quân Israel là họ có truyền thống tập trung vào các vũ khí hỏa lực mạnh, công nghệ tiên tiến.

Giống như lực lượng không quân, Lục quân Israel cũng sở hữu những vũ khí hàng đầu thế giới. Lực lượng mặt đất của Israel có nguồn gốc từ Haganah, một lực lượng bán quân sự của người Do Thái được thành lập vào đầu những năm 1920 để bảo vệ lợi ích của tộc người mình.

Haganah hợp tác với chính quyền Anh, nhưng đã trở nên thù địch vào năm 1944 khi phe Trục (Đức, Ý, Nhật) gần thất bại và nhu cầu về việc thành lập một nhà nước Do Thái ngày càng rõ ràng. Năm 1947, Haganah được tổ chức lại thành các đơn vị quân đội chính quy và đổi tên thành Quân đội Israel hai tuần sau khi thành lập Nhà nước Israel.

Kể từ khi thành lập, lực lượng mặt đất Israel đã chiến đấu liên tục trong hàng thập kỷ, giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ lãnh thổ Israel và bắt đầu nhiều cuộc hành quân trừng phạt vào các khu vực Sinai (Ai Cập), Lebanon, dải Gaza và khu Bờ Tây sông Jordan (Palestines).

Vào năm 1947, dân số Israel ít nhưng trình độ học vấn cao đồng nghĩa với việc công dân của họ có thể nhanh chóng được huấn luyện và tổ chức thành một đội quân quốc gia tuy ít nhưng tinh nhuệ, vũ khí hiện đại.

Hạn chế về nhân lực đã khiến Quân đội Israel có xu hướng đi theo con đường phát triển công nghệ tiên tiến, vũ khí hỏa lực mạnh và trở nên thiện chiến hơn so với các nước láng giềng. Từ đó đến nay, lực lượng mặt đất Israel đã trở thành một đội quân mạnh nhất Trung Đông.

Theo bài viết của chuyên gia Kyle Mizokami (cũng tham gia bình luận cho The Diplomat, Foreign Policy, War is Bored và The Daily Beast) trên Tạp chí Mỹ The National Interest, Lục quân Israel sở hữu năm vũ khí chiến tranh rất hiện đại, khiến không lực lượng quân sự nào muốn đối đầu với họ trong một cuộc chiến.

1. Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava

Merkava là sản phẩm trí tuệ của viên tướng chỉ huy của Lực lượng Thiết giáp Israel là ông Israel Tal. Cho đến nay, Merkava là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) đầu tiên và duy nhất của người Israel.

Chiếc xe tăng được thiết kế đặc biệt cho học thuyết xe tăng của Israel: Chiều cao thấp so với mặt đất; hỏa lực mạnh mẽ. Việc thiết kế động cơ đặt ở phía trước xe tăng để bảo vệ cho kíp chiến đấu, kết hợp với vỏ giáp composite có độ dốc lớn, đã tạo ra một chiếc xe tăng có khả năng phòng thủ thụ động xuất sắc, rất phù hợp để phòng thủ chống lại đội hình xe bọc thép của Ai Cập trên bán đảo Sinai hoặc của Syria trên Cao nguyên Golan.

Các phiên bản đầu tiên của Merkava có pháo chính 105 mm do Anh thiết kế giống như các phiên bản ban đầu của M1 Abrams của Mỹ, các phiên bản mới hơn được trang bị pháo nòng trơn 120 mm do các kỹ sư Israel sản xuất.

Pháo chính của Merkava có độ chính xác ở phạm vi bắn tối thiểu 2.000 mét với đạn chống tăng nổ lõm (HEAT) và đạn xuyên giáp (AP). Ngoài ra, nó còn được bổ sung hỏa lực bằng tên lửa LAHAT; có khả năng bắn ra từ nòng pháo chính. LAHAT được dẫn đường bằng laser có thể bắn trúng mục tiêu xa tới 9.000 mét.

Xe tăng Merkava của Israel là phương tiện bọc thép đầu tiên được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động (Trophy) chống lại tên lửa dẫn đường. Tính đến nay, Israel đã chế tạo được hơn 2.000 Merkava trong tất cả các phiên bản, với 660 chiếc Mark IV mới nhất được chế tạo.

Hệ thống tên lửa Spike

Tên lửa Spike là hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) thiết kế trên nhiều nền tảng phóng của Israel. Spike có một đầu dò quang điện/hồng ngoại, đầu đạn 2 liều nổ lõm nối tiếp nhau (Tandem) để đánh bại giáp phản ứng nổ, với tầm bắn 800 mét.

Spike được gắn trên mọi loại trang bị, vũ khí; từ phương tiện phóng mặt đất đến máy bay trực thăng Seraph (phiên bản Israel của AH-64 Apache – Mỹ) của lục quân; từ tàu nổi của hải quân đến các loại máy bay không người lái khác nhau của không quân. Nó có thể được sử dụng để chống lại xe tăng và xe bọc thép, tàu nổi, máy bay và thậm chí là các mục tiêu khủng bố cá nhân có giá trị cao.

Lục quân Israel mặc dù quân số ít nhưng có hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại

Lục quân Israel mặc dù quân số ít nhưng có hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại

Hệ thống tên lửa chống tăng Spike đầu tiên là phiên bản tầm ngắn Spike SR (Short Range), là một hệ thống tên lửa dùng một lần, giống như LAW cũ của Mỹ. Các phiên bản đời sau của Spike về cơ bản là cùng một tên lửa, được tăng tầm phóng, bao gồm:

- Tên lửa chống tăng tầm trung Spike MR (medium-range version), tương tự như tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin của Mỹ, có tầm bắn 2.500 mét.

- Tên lửa chống tăng tầm xa Spike LR (long-range version), tương tự TOW-IIB của Mỹ, có tầm bắn xa hơn một chút ở mức 4.000 mét.

- Tên lửa chống tăng tầm rất xa Spike ER (Extended range or extra-long range version version) có đặc điểm tương tự như tên lửa Hellfire của Mỹ, với tầm phóng xa tới 8000m.

- Một phiên bản ngoài tầm nhìn của Spike là tên lửa tấn công đa nhiệm, đa nền tảng Spike NLOS. Dòng tên lửa này sử dụng đầu dẫn quang truyền hình sẽ có một camera kỹ thuật số hoặc đầu dẫn hồng ngoại, truyền trực tiếp hình ảnh về bệ phóng thông qua một sợi cáp quang kéo theo, cho phép người điều khiển tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi xa tới 25 km, với xác suất trúng đích cực cao.

Xe bọc thép Namer

Hầu hết các phương tiện chiến đấu của lục quân trên thế giới đều không đáp ứng được những gì lực lượng bộ binh có thể mong đợi.

Các phương tiện chiến đấu bộ binh nổi tiếng của Mỹ, Nga, Anh như M2 Bradley, BMP-3 và Warrior không được bọc thép đặc biệt chống lại đạn xe tăng và tên lửa chống tăng hiện đại, trong khi chúng cũng phải chiến đấu bên cạnh các xe tăng bọc thép hạng nặng hơn nhiều, trong cơn mưa hỏa lực của các tên lửa chống tăng cá nhân và những phương tiện cùng loại của đối thủ.

Nhưng xe chiến đấu bộ binh Namer là sự khác biệt, trong thực tế, chúng được cải tạo từ các xe tăng cũ của Israel.

Những chiếc Namer được cải tạo từ một chiếc xe tăng Merkava Mk.4 với tháp pháo và pháo chính được gỡ bỏ, cùng với việc lắp ráp thêm một lượng lớn giáp được phía trước, hai bên và riềm bên sườn.

Với trang bị như vậy, một xe chiến đấu bộ binh Namer nặng gần bằng một Merkava trước khi sửa đổi (khoảng 60 tấn), một minh chứng cho số lượng áo giáp đã được thêm vào.

Namer có một kíp xe gồm ba người, bao gồm lái xe, người điều khiển trạm vũ khí từ xa và chỉ huy. Nó có thể mang theo chín lính bộ binh.

Cho đến nay, khoảng 120 chiếc Merkava đã được chuyển đổi thành Namer, đủ để trang bị cho khoảng ba tiểu đoàn, trong tương lai sẽ là khoảng hơn 500 xe nữa.

Súng trường tấn công Tavor

Súng trường bản địa thế hệ thứ hai của Israel Tavor là vũ khí bộ binh tiêu chuẩn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), được ca ngợi là một khẩu súng trường có thiết kế tương lai. Mặc dù Tavor là một khẩu súng trường của thế kỷ 21, nhưng gốc rễ của nó là thế kỷ 20, với cảm hứng thiết kế kết hợp những ưu điểm của AK-47 và M-1 Garand

Thiết kế bullpup của Tavor (TAR-21), trong đó hộp tiếp đạn được đặt ở phía sau cò, tạo ra một thiết kế nhỏ gọn (chiều dài súng 28 inch, tương đương 720 mm) trong khi vẫn giữ được một nòng súng dài 18 inch (460 mm).

Tavor được sử dụng đạn 5.56x45mm chuẩn NATO, tốc độ 750-900 phát/phút, sơ tốc đầu đạn 910 m/giây (2,986 FPS), tầm bắn 550 m.

Điểm khác biệt của loại súng này với nhiều loại súng khác là TAR-21 được thiết kế không có đầu ruồi (đầu ngắm) xạ thủ dựa vào hệ thống ngắm tiên tiến như hệ thống ngắm laser hay hệ thống ngắm điểm đỏ (red dot). Thiết kế này giúp TAR-21 hiện đại hơn M-16 của Mỹ rất nhiều, uy lực của nó cũng không hề kém. Những đặc điểm này đảm bảo cho TAR-21 phù hợp với tác chiến trong đô thị và bảo vệ sự sống còn cho người lính

Hệ thống MLRS Smasher

Israel có xu hướng đổi tên các hệ thống vũ khí (nguyên bản) của Mỹ hoặc là sửa đổi, thêm bớt hoặc nâng cấp tính năng của các vũ khí Mỹ. Smasher là một trong những trường hợp đó, tên mới của Israel khác rất xa so với tên cũ của Mỹ.

Bệ phóng tên lửa của Smasher trên thực tế là M270 MRLS của Mỹ, vũ khí chủ lực của lực lượng pháo binh Lục quân Hoa Kỳ, M270 được phát triển vào những năm 1970 như là một phần của chương trình phát triển các hệ thống vũ khí của “Big 5”, với mục tiêu là cải biến sức nabhj của lục quân Hoa Kỳ.

Dựa trên khung gầm xe thiết giáp M2 Bradley đã được sửa đổi, mỗi hệ thống Smasher mang mười hai quả rocket có điều khiển cỡ 227 mm. Một tổ hợp ba xe có thể phóng ra một con mưa hỏa lực, với 23.184 quả đạn chùm bao phủ mục tiêu trong một phút, tiêu diệt sạch các mục tiêu trong bán kính một km.

Israel có 48 hệ thống Smasher. Hiện tại, Israel chỉ giới hạn ở các loại đạn có tầm bắn 40 km, nhưng tên lửa tầm bắn 150 km mới đang được chế tạo. Những tên lửa như vậy sẽ được biên chế cho lực lượng pháo binh lục quân Israel, được bố trí ở Haifa, có khả năng tấn công tới tận thủ đô Damascus của Syria.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/luc-quan-israel-suc-manh-khung-khiep-khong-ai-muon-doi-dau-3391581/