Lục Ngạn chủ động phương án tiêu thụ vải thiều

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ thương nhân và các doanh nghiệp xuất khẩu vải ra nước ngoài, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân chuẩn bị các điều kiện chế biến tại chỗ.

Gấp rút xây lò sấy vải

Mưa vừa ngớt, ông Nguyễn Văn Tịnh, thôn Đông Mai, xã Mỹ An đã giục vợ ra trộn vữa để sớm hoàn thiện công trình lò sấy vải của gia đình. Ngưng tay trát vữa, ông Tịnh chia sẻ, năm ngoái gia đình cũng có một lò sấy vải nhưng công suất chỉ đạt 1 tấn/mẻ (thời gian sấy khoảng 3 ngày/mẻ).

 Người dân thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An thu hoạch vải thiều sớm.

Người dân thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An thu hoạch vải thiều sớm.

“Nhận thấy khả năng năm nay vải thiều sẽ khó tiêu thụ nên tôi đã đầu tư 20 triệu đồng xây lại lò sấy, nâng công suất lên 5 tấn vải tươi/mẻ. Dự kiến năm nay tôi sẽ sấy khoảng 20 tấn vải tươi, gấp 4 lần năm ngoái. Vụ này, gia đình ước thu 16 tấn vải, nếu giá bán thấp tôi sẽ để tất cả sấy khô”, ông Tịnh cho hay.

Thời điểm này, hộ anh Hoàng Văn Nam, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn cũng đang gấp rút hoàn thiện hệ thống lò sấy mới để kịp vụ thu hoạch vải. Anh Nam cho biết, gia đình làm nghề sấy vải đã hơn 10 năm. Sản phẩm là vải sấy ướt (tương ứng với 3,2 kg vải tươi được 1 kg vải sấy ướt; trong khi 1 kg vải sấy khô cần 3,6 kg vải tươi). Toàn bộ sản phẩm được các thương nhân thu mua xuất sang Trung Quốc.

Lường trước sẽ khó tiêu thụ, trong khi vải được mùa nên gia đình đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây lại lò cũ có diện tích 80 m2 và xây thêm lò mới diện tích hơn 70 m2, tổng sàn sấy 2 lò đạt hơn 400 m2. Dự kiến vụ này anh Nam sẽ sản xuất khoảng 150 tấn vải sấy ướt, tương đương 480 tấn vải tươi. “Vừa rồi gia đình tôi được UBND huyện hỗ trợ 6 triệu đồng xây lò. Đây là động lực để các chủ lò tham gia tiêu thụ vải cho nông dân”, anh Nam chia sẻ”.

Hỗ trợ chế biến tại chỗ, bảo đảm an toàn dịch bệnh

Chỉ còn ít ngày nữa huyện Lục Ngạn sẽ thu hoạch vải thiều chính vụ, ước sản lượng vải thiều toàn huyện hơn 120 nghìn tấn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều. Trong đó, huyện khuyến khích và hỗ trợ người dân xây dựng lò sấy vải quy mô hộ gia đình và nhóm hộ gia đình. UBND huyện đã trích gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ (đợt 1) cho các hộ đăng ký xây mới, với các mức từ 1-4 triệu đồng/lò, tùy diện tích.

Vợ chồng ông Tịnh khẩn trương xây dựng lò sấy vải.

Thời điểm này, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã phân bổ kinh phí tới UBND các xã, thị trấn trong huyện để kịp thời hỗ trợ nhân dân xây dựng 729 lò đăng ký xây mới. Nhiều xã có số hộ đăng ký xây mới nhiều, như: Kiên Lao 95 lò; Nam Dương 72 lò; xã Tân Lập trước đây không có, năm nay cũng đăng ký xây 50 lò. Thực hiện hỗ trợ đợt 2, đến nay đã có 69 hộ đăng ký.

Hiện Lục Ngạn có 1.583 lò sấy vải. Trong đó có 854 lò cũ và 729 lò xây mới (đợt 1). Địa phương có số lò sấy vải nhiều nhất là xã Kiên Lao với 237 lò. Dự kiến năm nay, toàn huyện sấy khô khoảng 30 nghìn tấn vải tươi.

Cùng với xây lò sấy vải, năm nay các doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm G.O.C, Công ty TNHH MTV Dũng Sỹ, Công ty cổ phần Quốc tế Tiến Bộ AIC, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu dự kiến chế biến đóng hộp, sản xuất nước ngọt khoảng 3 nghìn tấn vải tươi.

Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết, vụ này doanh nghiệp sẽ chế biến 1 nghìn tấn vải tươi, tăng gấp 3 lần năm 2020. “Cùng với sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, hiện Công ty đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chế biến tại chỗ”, ông Phương nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam, vụ này tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều. Trong đó dự kiến tình huống xấu nhất khi dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi đó tỉnh sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước lên đến 80 nghìn tấn. Dự kiến sẽ có 20 nghìn tấn vải được sấy khô…

Nhưng với tình hình hiện nay, Lục Ngạn đã khuyến khích, hỗ trợ các hộ xây thêm lò để lượng vải sấy khô tăng lên 30 nghìn tấn. Để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho các lò sấy vải trên địa bàn, UBND huyện đã liên kết với các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh cung ứng than, củi làm nguyên liệu, bảo đảm chất lượng đưa đến tận hộ có nhu cầu.

Ông Nam nhấn mạnh: “Điều quan trọng giúp cho vải Lục Ngạn có cơ hội tiêu thụ thuận lợi, đó là phải dập dịch Covid-19. Hiện các lực lượng tuyến đầu: Y tế, Công an, Quân sự cùng các cấp lãnh đạo và nhân dân trong huyện đang ngày đêm thực hiện phát hiện nhanh, truy vết, khoanh vùng kịp thời để dập dịch. Lục Ngạn đã thành lập hơn 100 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các thôn, tổ dân phố và 7 chốt chính đường vào huyện để ngăn cản dịch bệnh vào huyện, tạo ra vùng vải an toàn trước Covid-19”.

Lục Ngạn đang thu hoạch vải sớm và tiêu thụ thuận lợi. Sở Công Thương đã thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Các tổ sẽ nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải. Cùng với xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, việc chuẩn bị tốt các điều kiện chế biến tại chỗ sẽ giúp nông dân Lục Ngạn vơi nỗi lo tiêu thụ vải thiều.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/359994/luc-ngan-chu-dong-phuong-an-tieu-thu-vai-thieu.html