Lục Nam: Khuyến khích người dân tự lực thoát nghèo

Hỗ trợ theo địa chỉ, phù hợp với nhu cầu, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo là những giải pháp đang được cấp ủy, chính quyền huyện Lục Nam (Bắc Giang) triển khai hiệu quả. Huyện phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,91%.

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Với phương châm "Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau", các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Lục Nam chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho hội viên để giảm nghèo bền vững. Nhiều năm trước, chị Tạ Thị Định (SN 1972), ở thị tứ Bảo Sơn, xã Bảo Sơn chật vật mưu sinh song vẫn không thoát nghèo.

Cuộc sống của gia đình chị Tạ Thị Định (bên trái) vơi bớt khó khăn nhờ có việc làm tại nhà.

Cuộc sống của gia đình chị Tạ Thị Định (bên trái) vơi bớt khó khăn nhờ có việc làm tại nhà.

Là phụ nữ đơn thân, chị phải lo gánh vác toàn bộ chi phí sinh hoạt gia đình, chăm sóc mẹ già thường xuyên đau ốm, việc học tập của con nhỏ. Nhiều lần đi xin việc nhưng vì đã có tuổi, chưa qua đào tạo nghề nên chị bị từ chối.

Sau khi tìm hiểu, thấy được nguyện vọng chính đáng của chị Định và nhiều chị em trung tuổi ở địa phương, đầu năm 2019, chị Lê Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã trực tiếp làm việc với ban lãnh đạo Công ty TNHH Việt - Hàn - doanh nghiệp may mặc tư nhân đứng chân ở địa bàn xã - để nhận nguyên liệu về cho chị em làm tại nhà.

Những ngày đầu bỡ ngỡ, cán bộ phụ nữ xã cùng đại diện doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn các chị về kỹ thuật. Khi công việc đi vào nền nếp, định kỳ hằng tháng, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, thu nhận sản phẩm và trả công đầy đủ.

Chị Định cho hay: “Được làm tại nhà nên tôi không bị gò bó thời gian hành chính, chủ động lo cho gia đình, nhiều hôm làm đến 22 giờ đêm miễn sao sản phẩm bảo đảm chất lượng, quy cách. Từ khi có việc làm, mỗi tháng tôi có thu nhập từ 6-7 triệu đồng”.

Có việc làm đồng nghĩa với khó khăn trong cuộc sống vơi bớt, cuối năm 2019, gia đình chị Định thoát nghèo. Được biết mô hình cầu nối tìm việc làm ở xã Bảo Sơn đã giúp 21 chị tuổi từ 42-52 tuổi có việc làm thêm tại nhà, thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng/người.

Cũng hướng về người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Nam thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí, tổ chức chính trị xã hội cấp xã nắm bắt kịp thời hoàn cảnh gia đình yếu thế, khó khăn để hỗ trợ đột xuất.

Tháng 9 vừa qua, khi tiếp nhận thông tin cháu Vũ Huy Hoàng, 20 tháng tuổi ở thôn Đình Gàng, xã Vô Tranh bị bỏng nước 66% phải điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Báo Dân trí vận động các nguồn lực hỗ trợ gia đình hơn 600 triệu đồng.

Em Dương Thị Kim Ngân (SN 2005), ở thôn Giáp Xá, xã Vũ Xá mồ côi cha mẹ có nguy cơ phải nghỉ học, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến xã tập trung giúp đỡ. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ hơn 90 triệu đồng được Hội LHPN xã lập sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, hằng tháng sử dụng tiền lãi lo chi phí ăn học cho Ngân.

Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh huyện giúp cháu mỗi tháng 200 nghìn đồng; Hội LHPN xã hỗ trợ 10 kg gạo. Nhờ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, Kim Ngân không còn cảm thấy đơn độc trong cuộc sống, hiện em theo học Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp tại Bắc Giang.

Bảo đảm an sinh lâu dài

Những năm qua, phong trào vì người nghèo trên địa bàn huyện Lục Nam được phát động, triển khai sâu rộng, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị xã hội.

Bà Giáp Thị Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lục Nam cho biết: “Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm lựa chọn hoạt động hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của người nghèo, hướng tới mục tiêu bảo đảm an sinh lâu dài, chống tái nghèo.

Hình thức hỗ trợ đa dạng bằng kinh phí, hiện vật, đào tạo nghề, tư vấn việc làm, xây nhà... lồng ghép với nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức chính trị xã hội, địa phương và mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023".

Không chỉ được hưởng đầy đủ chính sách về tín dụng, y tế, giáo dục, tiền điện sinh hoạt, người nghèo, cận nghèo các xã, thị trấn còn được MTTQ và các tổ chức thành viên quan tâm hỗ trợ an cư, trao sinh kế sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Riêng về xây nhà, có thể kể đến nhiều chương trình thiết thực như: MTTQ hỗ trợ xây Nhà đại đoàn kết; Liên đoàn Lao động kêu gọi xây nhà "Mái ấm công đoàn"; các cấp hội phụ nữ xây Mái ấm tình thương; Hội Cựu chiến binh có phong trào xây Nhà Đồng đội; Hội Chữ thập đỏ xây Nhà nhân ái.

Từ nền móng hỗ trợ ban đầu của các tổ chức chính trị - xã hội cùng với sự trợ giúp của người thân, làng xóm, hầu hết những ngôi nhà xây mới có giá trị từ hơn 100 triệu đồng, có căn nhà trị giá 450 triệu đồng.

Chỉ tính trong năm qua (từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022), MTTQ huyện đã huy động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo với tổng kinh phí và hiện vật quy đổi là hơn 6 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 65 gia đình xây Nhà đại đoàn kết (mức hỗ trợ 30-50 triệu đồng/nhà). Các hoạt động hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cũng được nhiều đơn vị triển khai chặt chẽ, bài bản, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối giúp hội viên thoát nghèo.

Huyện phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 1% hộ nghèo, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,91%.

Hiện Lục Nam không còn gia đình nghèo là người có công với cách mạng. Toàn huyện còn hơn 3,4 nghìn hộ nghèo, chiếm 5,6% và 2,5 nghìn hộ cận nghèo (4,2%).

Theo ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện, để đạt mục tiêu mỗi năm giảm 1% hộ nghèo, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,91% (tương đương giảm khoảng 3,5 nghìn hộ nghèo, cận nghèo), UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị xã hội thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 187/KH-UBND của UBND huyện về triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Trong đó tiếp tục xác định rõ giải pháp chủ yếu, trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp nhằm tạo việc làm, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu 80% hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động được giới thiệu việc làm phù hợp, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Tiếp tục phổ biến đến các gia đình về chủ trương đổi mới cơ chế, phương thức hỗ trợ, chuyển từ “cho không” sang hỗ trợ một phần, có đối ứng, khuyến khích người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách. Huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo theo địa chỉ; tổ chức các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu, khả năng lao động cho người dân, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn.

Trước mắt, trong Tháng cao điểm hành động vì người nghèo năm 2022 và Chương trình an sinh xã hội năm 2023, huyện phấn đấu huy động hơn 4 tỷ đồng. Huyện sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ 50 gia đình xây nhà; còn lại tặng quà dịp Tết nguyên đán Quý Mão, hỗ trợ đột xuất những trường hợp khó khăn.

Bài, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/393624/luc-nam-khuyen-khich-nguoi-dan-tu-luc-thoat-ngheo.html