Lực lượng vũ trang Đài Loan-thực trạng và triển vọng phát triển

Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số thông tin về Các lực lượng vũ trang Đài Loan qua bài viết của chuyên gia quân sự Nga, Thiếu tá V.Bakhrushin

Bài viết với tiêu đề trên để tham khảo. Bài đăng trên “Bình luận quân sự nước ngoài” (Nga) 2016, №10) nên một số số liệu có thể chưa được cập nhật. Mong bạn đọc thông cảm.Chúng tôi có bổ sung một số thông tin.

Đài Loan với tư cách là một chủ thể trong các mối quan hệ quốc tế được Tưởng Giới Thạch và những người ủng hộ ông thành lập năm 1949 sau khi Quốc Dân Đảng thua trong cuộc nội chiến và rút chạy từ Trung Hoa lục địa sang đảo Đài Loan.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH- Trung Hoa đại lục) coi Đài Loan là một tỉnh của mình và nhất quán theo đuổi chính sách khôi phục quyền tài phán của mình đối với đảo Đài Loan.

Ảnh – bản đồ Đài Loan (tiếng Nga) và biểu tượng của Các lực lượng vũ trang Đài Loan

Những nỗ lực chủ yếu hiện nay của Đài Bắc (Đài Loan) trong lĩnh vực quân sự là duy trì tình trạng cân bằng chiến lược ven bờ eo Biển Đài Loan để giữ nguyên hiện trạng (Staus-quo). Quan điểm chỉ đạo là xây dựng Các lực lượng vũ trang có quân số không đông nhưng có thành phần biên chế cân bằng tối ưu giữa các quân binh chủng và có khả năng tác chiến cao.

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trong các vấn đề sau đây: soạn thảo và hiện thực hóa các chính sách và chiến lược quốc phòng; soạn thảo các kế hoạch cụ thể xây dựng các lực lượng vũ trang; phát triển khoa học quân sự; chế tạo các mẫu vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự mới; tổ chức huấn luyện lực lượng dự bị;

thực hiện chính sách cán bộ; tổ chức tiến hành công tác chính trị trong các đơn vị và các hoạt động tuyên truyền- giáo dục ; xây dựng các kế hoạch chế tạo, sản xuất và sử dụng các phương tiện vật chất- kỹ thuật; xây dựng các bộ luật quân sự, các quy định, điều lệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác .

Bộ trưởng quốc phòng (nhân vật dân sự).

Bộ Tổng tham mưu, về mặt tổ chức nằm trong thành phần của Bộ Quốc phòng,có chức năng chỉ huy điều hành các hoạt động tác chiến của các quân chủng. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của bộ đội (các đơn vị), tiến hành các hoạt đọng nghiệp vụ, trinh sát, tình báo, huấn luyện tác chiến, đảm bảo toàn diện cho các quân chủng và binh chủng khi triển khai lực lượng trong giai đoạn bị đe dọa và trong suốt cuộc chiến tranh.

Các lực lượng vũ trang Đài Loan có: Lục quân (quân số 130.000 người), Không quân (45.000 người) và Hải quân (52.000 người), Bộ Tư lệnh các lực lượng dự bị (16.000 người) và lực lượng quân cảnh (12.000 người). Tổng quân số của Các lực lượng vũ trang Đài Loan nếu tính cả các đơn vị (cơ quan) trực thuộc trung ương là 267.000 người.

Lục quân Đài Loan có trong biên chế tổ chức 3 tập đoàn quân dã chiến và 6 bộ tư lệnh (4 bộ tư lệnh các khu vực phòng thủ, Bộ Tư lệnh không quân lục quân và các lực lượng các chiến dịch dặc biệt, Bộ Tư lệnh hậu cần (lục quân).

Tập đoàn quân dã chiến là liên binh đoàn chiến dịch của Lục quân. Trong biên chế của tập đoàn quân dã chiến có: 2-3 lữ đoàn (1 lữ đoàn cơ giới- 1 đến 2 lữ đoàn tăng), 1- 2 bộ tư lệnh lãnh thổ, bộ tư lệnh pháo binh dã chiến, 1 tiểu đoàn chống tăng độc lập, 4 cụm quân (gồm: liên lạc, công binh, phòng hóa và ô tô- xe máy), đến 6 tiểu đoàn độc lập (1 tiểu đoàn xe bọc thép hạng nhẹ, 4 tiểu đoàn quân cảnh và 1 tiểu đoàn tác chiến điện tử), các phân đội hậu cần.

Lữ đoàn cơ giới hóa có trong biên chế 4 tiểu đoàn cơ giới, 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 đại đôi (đại đội tham mưu, đại đội liên lạc) và 2 đại đội chống tăng. Tổng cộng có quân số gần 4.000 người; pháo và súng cối- 72 khẩu, tổ hợp phóng tên lửa chống tăng có điều khiển “Tow”- 12 tổ hợp, pháo cỡ nòng 35 ly- 18 khẩu, xe vận tải bọc thép- đến 240 xe.

Mỗi lữ đoàn tăng có 4 tiểu đoàn (3 tiểu đoàn tăng và 1 tiểu đoàn cơ giới), 1 tiểu đoàn pháo tự hành, 1 đại đội tên lửa chống tăng độc lập, 7 đại đội độc lập (gồm: tham mưu, trinh sát, liên lạc và đảm bảo thông tin, công binh, quân y, sửa chữa và xe mô tô).

Tổng cộng biên chế của mỗi lữ đoàn tăng: quân số 3.500 người; xe tăng chiến đấu- đến 134 chiếc; pháo 155 ly SG- 24 khẩu; tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển “Tow”- 12 tổ hợp; BTR (xe vận tải bọc thép)- đến 180 chiếc.

Bộ Tư lệnh pháo binh dã chiến (đơn vị cấp lữ đoàn) có 1-2 cụm pháo (mỗi cụm có 3 đến 4 tiểu đoàn), 1 cụm quân phòng không lục quân và 1 tiểu đoàn pháo phản lực phóng loạt. Tổng cộng Bộ tư lệnh nàỳ có: pháo dã chiến và súng cối- đến 72 khẩu; tổ hợp pháo phản lực phóng loạt- 18 tổ hợp và tổ hợp phóng tên lửa có điều khiển- đến 36 tổ hợp.

Bộ tư lệnh khu vực phòng thủ (đơn vị cấp binh đoàn chiến dịch- chiến thuật) có thể có trong biên chế: bộ tư lệnh lãnh thổ, 1-2 chi đội phòng thủ, 1 cụm pháo binh (cỡ tiểu đoàn), 1 đại đội chống tăng, đến 3 tiểu đoàn ( 1 tiểu đoàn tăng, 1 tiểu đoàn quân cảnh và 1 tiểu đoàn liên lạc) và các phân đội bảo đảm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/luc-luong-vu-trang-dai-loan-thuc-trang-va-trien-vong-phat-trien-3368257/