Lực lượng tinh nhuệ, tràn đầy nhiệt huyết và đam mê của ngành nông nghiệp Việt

Họ là những tấm gương trẻ, đầy hoài bão và ước mơ, luôn cháy hết mình cho khoa học cũng như cho xã hội.

 Tuy mới 33 tuổi nhưng nhà khoa học trẻ Chu Đức Hà đã sở hữu nhiều công trình khoa học có tầm cỡ quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy mới 33 tuổi nhưng nhà khoa học trẻ Chu Đức Hà đã sở hữu nhiều công trình khoa học có tầm cỡ quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ chàng sinh viên đầy nhiệt huyết...

Năm 2005, với tuổi 17 đầy hoài bão và ước mơ, chàng trai Chu Đức Hà mang theo tinh thần tràn đầy năng lượng bước vào cánh cổng trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Chàng sinh viên năm nhất theo đuổi đam mê ngành học được xem là khó nhất, là một trong những ngành mũi nhọn, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia: ngành Công nghệ Sinh học.

Sau tốt nghiệp, chàng trai Chu Đức Hà may mắn được công tác tại nhóm nghiên cứu bộ môn Sinh học Phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp. Đến năm 2014, anh tiếp tục theo học nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Sinh học tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Dần dần, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và định hướng của những người đi trước, chàng trai trẻ đã dành tình yêu với ngành Công nghệ Sinh học từ bao giờ.

Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2019, khi đã sở hữu ba tấm bằng đại học chính quy của các trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Hà Nội.

Công nghệ sinh học là gì? Đó đơn giản là sử dụng các nguyên lý sinh học để biến thành sản phẩm, và sản phẩm đó được áp dụng thương mại hóa, phục vụ đời sống xã hội. Bản thân tôi cũng có rất nhiều công trình khoa học nhưng chưa được hiện thực hóa để giúp ích cho xã hội. Đây là điều mà tôi luôn trăn trở.

Tiến sĩ Chu Đức Hà

...Thành nhà khoa học trẻ xuất sắc

Hiện tại, chàng sinh viên 17 tuổi năm nào đã trở thành Tiến sĩ Công nghệ Sinh học và là tác giả của 108 công trình khoa học, trong đó có 20 công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus; đồng tác giả của 2 giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng tác giả của 3 quy trình cải tiến các giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu cấp cơ sở.

Tiến sĩ Chu Đức Hà chia sẻ: “Để trở thành một nhà nghiên cứu, chúng ta luôn cần trang bị đầy đủ những hành trang, từ ngoại ngữ, tin học, kiến thức chuyên môn hay kỹ năng viết và công bố quốc tế. Hơn nữa, các nhà khoa học trong nước cũng phải hy sinh và đánh đổi rất nhiều thứ, từ sức khỏe đến thời gian chăm sóc cho gia đình”.

VIệc các công trình khoa học của mình chưa được hiện thực hóa để giúp ích cho xã hội là điều mà Tiến sĩ Chu Đức Hà luôn trăn trở. Ảnh: Nguyễn Dũng.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mức lương của các nhà khoa học ở Việt Nam chưa thực sự xứng đáng với vị trí việc làm. Đây cũng là một trở ngại tương đối lớn đối với cán bộ nghiên cứu trẻ như chúng tôi, nhất là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Các bạn nghiên cứu trẻ rất năng nổ, rất giàu năng lượng, nhưng 'cái bụng phải không được đói, cái đầu phải không lo nghĩ về chuyện tiền bạc', tôi nghĩ lúc đó mới toàn tâm toàn ý cống hiến cho khoa học, cống hiến cho xã hội. Có lẽ, đây cũng là một bước sàng lọc để tìm ra các bạn trẻ vượt lên và khẳng định bản thân”, Tiến sĩ trẻ tâm sự.

Gần đây, Tiến sĩ Chu Đức Hà vinh dự là 1 trong số 98 đồng chí Đoàn tiêu biểu toàn quốc nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng 2021, một trong những giải thưởng cao quý và có sức lan tỏa rất mãnh liệt, của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

"Tôi luôn muốn truyền lửa nhiệt huyết, tinh thần thanh niên cho các thế hệ sinh viên mà tôi đang hướng dẫn, cho các thế hệ đoàn viên tại cơ sở đoàn của chúng tôi để trong tương lai sẽ có nhiều tấm gương điển hình, nhiều công trình thanh niên tiêu biểu, nhiều giải thưởng Lý Tự Trọng hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc hình thành mạng lưới các nhà khoa học trẻ trong nước và đang công tác tại nước ngoài là rất quan trọng, nó tạo nên mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Tôi hy vọng sẽ là một mắt xích cần mẫn, không bao giờ mệt mỏi và luôn cháy hết mình cho khoa học cũng như cho xã hội", Tiến sĩ Chu Đức Hà bộc bạch.

Đi du học Nhật, về làm ở Việt Nam

Giống như anh Chu Đức Hà, anh Nguyễn Tiến Hưng (1987), một cán bộ nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật, cũng mang trong mình lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ là hành trang trong công cuộc nghiên cứu khoa học.

Từ những năm 2000, anh Nguyễn Tiến Hưng đã có cơ hội được gặp gỡ với chuyên gia Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp và từ đó nung nấu ước mơ được sang Nhật Bản học tập, nghiên cứu. Điều đó đã trở thành hiện thực vào năm 2017 khi anh nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản.

Những kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian học tập, nghiên cứu bên Nhật Bản đã được anh Hưng (thứ ba từ phải vào) áp dụng một cách hiệu quả khi quay trở về Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong thời gian này, anh đã có những thành tích đóng góp tích cực cho phong trào hoạt động của Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2016 – 2017; có thành tích học tập tốt và đóng góp cho công tác cộng đồng, hoạt động giao lưu giáo dục-văn hóa quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Những kiến thức và kinh nghiệm trong thời gian học tập và nghiên cứu bên Nhật Bản đã được anh Hưng áp dụng một cách hiệu quả khi quay trở về Việt Nam. Ví dụ như việc xây dựng nhà lưới công nghệ cao để trồng dưa lưới, thành lập các nhóm chăm sóc cây cảnh. Đặc biệt, thời gian gần đây anh còn lên một kế hoạch để thay đổi cơ cấu cây trồng cho khu vực lõi tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Theo anh Nguyễn Tiến Hưng, lợi thế của một nhà khoa học trẻ là tinh thần luôn cháy ngọn lửa đam mê, sức khỏe và nhiệt huyết. Tuy nhiên nhà khoa học trẻ sẽ gặp phải khó khăn lớn nhất là việc khó tiếp cận những kênh thông tin, nguồn kinh phí để chủ trì các đề tài khoa học cấp Bộ hay cấp Nhà nước.

“Trong tương lai, tôi luôn mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cấp để triển khai những nghiên cứu cơ bản cũng như chuyên sâu về lĩnh vực Bảo vệ Thực vật, qua đó có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, anh Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ.

Phạm Hiếu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/luc-luong-tinh-nhue-tran-day-nhiet-huyet-va-dam-me-cua-nganh-nong-nghiep-viet-d287013.html