Lực lượng không quân mạnh nhất hành tinh

Chúng ta mới nói về Không quân Nga qua bài 'Không quân chiến đấu Nga có những gì?' (DVO, 13/8/2019).

Còn lần này, xin được giới thiệu một số thông tin về Không quân Mỹ qua bài viết viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Alkesandr Balozerov. Bài đăng trên trang bình luận quân sự “Militaryarms.ru” (Nga) ngày 30/4/2019.

Các số liệu và nhận định trong bài có thể không thật sự chính xác, chúng ta đọc để tham khảo.

Không quân và Hải quân là nền tảng sức mạnh quân sự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cũng không nên tin vào những câu chuyện hoang đường được loan truyền rằng người Mỹ không biết cách đánh nhau trên đất liền - điều này tuyệt đối không đúng với thực tế.

Quân đội Mỹ có thể tiến hành thành công các chiến dịch trên bộ chống lại bất kỳ đối thủ nào. Tuy nhiên, kể từ khi Không quân (Mỹ) được thành lập đến nay, Quân đội Mỹ chưa từng bao giờ tiến hành một cuộc chiến tranh nếu không đảm bảo chắc chắn ưu thế trên không từ trước đó.

Căn cứ vào những gì mà chúng ta được biết, cách tiếp cận như vậy vẫn sẽ được duy trì trong tương lai gần, bởi vì hiện chưa có và chưa hình dung ra bất cứ một lực lượng nào khác có thể thách thức Không quân Mỹ.

Ngoài sức mạnh tấn công, Không quân Mỹ còn đảm bảo khả năng cơ động rất cao cho quân đội Mỹ. Trong lĩnh vực này, hiện cũng không có quân đội nào khác trên thế giới có được năng lực dù chỉ gần bằng năng lực của Quân đội Mỹ.

Không quân- đó là quân chủng đặc biệt của Mỹ- trong biên chế của Không quân có tới hai thành phần của Bộ ba chiến lược (2/3): 1/ Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và Không quân chiến lược. Chính Không quân Mỹ là một loại cực hút đối với phần lớn các sáng kiến, công nghệ sáng tạo mà người Mỹ đang ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.

Không quân Mỹ hiện đang là lực lượng không quân mạnh nhất hành tinh. Tuy hiện giờ nó (Không quân Mỹ) đang phải đối mặt với một số khó khăn liên quan đến việc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện kỹ thuật quân sự mới và do các phương tiện bay hiện có trong trang bị hiện hầu hết đã “đứng tuổi”.

Nhưng dù vậy, vào thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống lại đại đa số các đối thủ mà chỉ cần sử dụng không quân, thậm chí không phải huy động Lục quân và Hải quân Mỹ tham chiến.

Lịch sử Không quân Mỹ

Không quân Mỹ với tư cách là một quân chủng độc lập mới chỉ chính thức xuất hiện vào năm 1947, sau khi Bộ luật An ninh Quốc gia Mỹ được thông qua.

Trước đó, Hàng không quân sự (không quân) nằm trong thành phần của Lục quân và Hải quân Mỹ (là một binh chủng của Lục quân và Hải quân-ND).

Trước khi được chính thức thành lập, các lực lượng Không quân Mỹ đã trải qua một hành trình dài 40 năm.

Phân đội không quân đầu tiên trong Quân đội Mỹ đã có từ năm 1907, nó được gọi là "phân đội các phương tiện bay trên không của Quân đoàn Liên lạc".

Chỉ đến năm 1908, phân đội này mới được trang bị chiếc máy bay đầu tiên,- còn Quân đoàn- chuyên thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm các phương tiện bay và đào tạo phi công.

Sau khi Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất (1918), Không quân Mỹ đã trở thành một thành tố trong thành phần Lực lượng quân Viễn chinh Mỹ tại Châu Âu. Trong cùng năm đó (1918), Cơ quan hàng không Quân đội Mỹ (tạm hiểu là Cục không quân-ND) được thành lập.

Các phi công quân sự Mỹ đã tiến hành rất nhiều trận không chiến trong Thế chiến thứ nhất, hỗ trợ chiến thuật cho lực lượng mặt đất của chính Quân đội Mỹ.

Phi công xuất sắc nhất của Mỹ trong Thế chiến I là Eduard Rickenbacker, - anh này đã bắn hạ được 21 máy bay và 4 khinh khí cầu của đối phương.

Năm 1926, các lực lượng (đơn vị) không quân Mỹ được tổ chức lại (sát nhập) thành Quân đoàn Không quân của Quân đội Mỹ và Quân đoàn này sau đó tham gia Thế chiến thứ hai. Với nước Mỹ, cuộc Chiến tranh này bắt đầu bằng cuộc tấn công của Nhật Bản vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng trên Thái Bình Dương và kết thúc bằng việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống các thành phố của Nhật Bản.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh, người Mỹ đã chịu những tổn thất rất nặng nề trên Chiến trường Thái Bình Dương, nhưng chỉ đến năm 1942, Không quân Mỹ (lúc này vẫn đang mang tên là Quân đoàn Không quân) đã bắt đầu không kích lãnh thổ Nhật Bản.

Ngành công nghiệp Mỹ đã rất nhanh chóng chuyển trạng thái và sản xuất một số lượng rất lớn máy bay chiến đấu xuất sắc,- chúng không chỉ được người Mỹ sử dụng mà còn được cung cấp cho các đồng minh.

Các biểu tượng thực sự của cuộc chiến tranh này (Chiến tranh Thế giới thứ hai) chính là máy bay tiêm kích P-51 Mustang và máy bay ném bom B-17 Flying Fortress.

Ngoài những máy bay nói trên, còn một số lượng lớn máy bay tiêm kích-ném bom R-47 Thunderbolt, máy bay ném bom hạng nặng B-24 Liberator, các máy bay chiến đấu và vận tải khác đã được ngành công nghiệp hàng không sản xuất Mỹ sản xuất.

Trong Thế chiến II, Mỹ là nước đầu tiên sử dụng máy bay ném bom chiến lược để phá hủy cơ sở hạ tầng của kẻ thù.

Sau cuộc đổ bộ của Đồng minh ở Normandy, các phi công Mỹ bắt đầu hỗ trợ chiến thuật cho các đơn vị trên mặt đất (tại Châu Âu). Trong giai đoạn này của cuộc chiến, Không quân đồng minh chiếm ưu thế áp đảo trước Không quân Đức.

Trên bầu trời Châu Âu, các phi công Mỹ đã bắn hạ 35.000 máy bay địch, trong khi chỉ mất có 18.000 máy bay. Tổn thất của Không quân Mỹ trên Chiến trường Thái Bình Dương lên tới 4.500 máy bay, người Nhật mất 10.000 máy bay.

Vụ Mỹ ném bom hạt nhân xuống các thành phố Nhật Bản là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.

Sau chiến tranh, các lực lượng không quân Mỹ bị cắt giảm rất mạnh (từ 2 triệu người xuống chỉ còn 300.000 người), một số căn cứ không quân bị đóng cửa, hàng nghìn máy bay bị thanh lý. Người Mỹ lúc này “độc quyền” sở hữu vũ khí hạt nhân nên tin rằng sức mạnh của vũ khí hạt nhân là thừa đủ để tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào của nước Mỹ.

Vào cuối Thế chiến II, đã diễn ra một cuộc cách mạng trong công nghệ hàng không – bắt đầu kỷ nguyên máy bay phản lực.

Không quân Mỹ bắt đầu chuyển sang sử dụng máy bay phản lực, nhưng tốc độ tái trang bị rất chậm.

Ngày 18/ 9/1947, Quốc hội Mỹ thông qua Luật An ninh Quốc gia- và theo Luật này, Không quân trở thành một quân chủng độc lập của Các lực lượng Vũ trang Mỹ. Cùng thời gian đó, các kỹ sư Mỹ ráo riết nghiên cứu chế tạo kiểu máy bay ném bom chiến lược mới.

Năm 1948, Liên Xô phong tỏa Berlin. Mỹ lần đầu tiên tham gia vào chiến dịch nhân đạo quy mô lớn vận chuyển các loại hàng hóa khác nhau cho thành phố Berlin bị bao vây.

Trong một số giai đoạn nhất định, các máy bay vận tải quân sự Mỹ mỗi ngày chuyển đến Berlin 6.000 nghìn tấn hàng đủ loại (từ than đá đến thực phẩm cho trẻ em).

Trước đó, các chiến dịch cường độ như vậy chưa từng bao giờ được tiến hành ở bất kỳ đâu. Sau sự kiện Berlin, một “chân lý” nữa đã được làm rõ là không quân còn có thể thực hiện một nhiệm vụ chiến lược khác nữa: vận chuyển một số lượng lớn binh sĩ đến bất cứ điểm nào trên thế giới và đảm bảo hậu cần liên tục cho lực lượng đó.

Một thử thách rất nhiêm trọng tiếp theo đối với Không quân Mỹ - đó là cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Nếu như không có sự hỗ trợ của không quân ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, gần như chắc chắn là lực lượng Đồng minh đã bị đánh bại.

Năm 1950, trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu xuất hiện các máy bay phản lực mới nhất của Liên Xô là MiG-15 và số lượng MiG-15 được đưa vào tham chiến không ngừng tăng lên. Các phi công Mỹ được lệnh cấm không kích các sân bay của đối phương trên lãnh thổ Trung Quốc,- nếu tại sân bay đó co MiG trú đậu.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã chứng minh rõ một điều rằng việc cắt giảm đáng kể lực lượng Không quân Mỹ là một sai lầm nghiêm trọng, vì vậy vào đầu những năm 50, khoản ngân sách dành cho Không quân Mỹ tăng rất nhanh Trong giai đoạn này, máy bay ném bom chiến lược B-52 được thiết kế xong, một số kiểu máy bay tiêm kích và máy bay ném bom chiến thuật mới cũng được đưa vào trang bị cho Không quân.

Các thập kỷ tiếp theo- đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh – thời kỳ đối đầu khốc liệt giữa khối Warsaw và các nước Phương Tây. Vào thời gian này, mức độ căng thẳng của cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm, thế giới liên tục bị đẩy đến miệng hố một cuộc chiến tranh nhiệt hạch quy mô lớn.

Không gian là một trong những mặt trận chính trong cuộc cạnh tranh- đối đầu giữa hai siêu cường. Cả Mỹ và Liên Xô đều không tiếc tiền của công sức đầu tư chế tạo các mẫu vũ khí hàng không và hệ thống phòng không tiên tiến hơn. Nhiều kỷ lục đã được thiết lập trong giai đoạn này- kỷ lục về cự ly, tốc độ và độ cao bay.

Một cột mốc cực kỳ quan trọng đối với Không quân Mỹ - Chiến tranh Việt Nam. Những trận không kích đầu tiên vào Bắc Việt Nam được tiến hành vào năm 1964, gần như ngay lập tức sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Năm 1965, Không quân Mỹ bắt đầu một chiến dịch đường không quy mô lớn chống Bắc Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch này là phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của miền Bắc Việt Nam, cũng như đè bẹp ý chí quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng của người Việt Nam.

Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, lực lượng Không quân Mỹ tham chiến ồ ạt cho đến tận khi chấm dứt chiến tranh vào năm 1975. Trong cuộc chiến tranh này, Không quân, Không quân Hải quân và Không quân Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ đã mất tới 3.374 máy bay.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, các nghiên cứu thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ bốn tại Mỹ đã được triển khai,- những máy bay thế hệ bốn đầu tiên là F-15 Eagle của Mỹ. Hiện nó vẫn đang được khai thác.

Không lâu sau đó, máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon cũng được chế tạo và kiểu máy bay này trong nhiều năm liền là lực lượng trụ cột của Không quân tiêm kích Mỹ.

Trong cùng những năm đó, Mỹ khẩn trương thực hiện các dự án chế tạo máy bay tàng hình trước các phương tiện điện tử phát hiện (radar) của đối phương . Sản phẩm của Chương trình này là máy bay F-117 Nighthawk, máy bay B-2 Spirit, và sau đó là các máy bay tiêm kích thế hệ năm.

Không quân Mỹ cũng được sử dụng nhiều trong Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” (1990), hơn nữa, chính lực lượng không quân Mỹ đã góp phần quyết định cho chiến thắng của Liên quân trong cuộc xung đột này. Cũng trong cuộc chiến tranh này, Mỹ mất 40 máy bay, 23 máy bay lên thẳng, vài chục chiếcUAV.

Không quân Mỹ đã tham gia vào một số chiến dịch của NATO tại Nam Tư (chiến dịch cuối cùng vào năm 1999) với kết quả cuối cùng là lật đổ chế độ và làm tan rã nhà nước Nam Tư.

Năm 2001, Không quân Mỹ lại tham gia chiến dịch mà Quân đội Mỹ tiến hành tại Afghanistan và Iraq (2003). Về cơ bản, trong các chiến dịch này, lực lượng Không quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng mặt đất của Quân đội Mỹ.

Còn hiện tại, các máy bay của Không quân Mỹ đang tham gia cuộc chiến chống khủng bố và IS tại Syria.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/luc-luong-khong-quan-manh-nhat-hanh-tinh-3385731/