Lực lượng dân làng đảm bảo hậu cần cho binh sĩ Ấn Độ tại dãy Himalaya

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đều đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc đóng quân suốt mùa Đông tới tại vùng biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khi không mấy hy vọng về một kết quả ngoại giao giúp hạ nhiệt căng thẳng dài hạn.

Người làng Chushul đi bộ mang theo những bọc vải đựng thức ăn, nhiên liệu tiếp tế cho binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Hindustantimes

Người làng Chushul đi bộ mang theo những bọc vải đựng thức ăn, nhiên liệu tiếp tế cho binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Hindustantimes

Ở độ cao hơn 4.500 m, người dân làng Chushul (Ấn Độ) vác theo những bọc vải thô đựng gạo, nhiên liệu và gậy tre sau lưng, đi ngang qua vùng lãnh thổ ảm đạm và vắng vẻ của bang Ladakh, lên đỉnh núi Black Top – tiếp tế cho hàng trăm lều trại của quân đội Ấn Độ đang đóng quân.

Trong những tháng mùa đông sắp tới, nhiệt độ tại đây sẽ giảm xuống còn -40 độ C. Trên 100 dân làng từ đàn ông, phụ nữ cho đến nam thanh niên cho rằng nếu họ không giúp lực lượng binh sĩ Ấn Độ đảm bảo vị trí dọc biên giới trước mùa đông khắc nghiệt, ngôi làng của họ sẽ sớm nằm trong quyền kiểm soát của người Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn giúp binh sĩ Ấn Độ đảm bảo vị trí của mình. Chúng tôi đang mang đồ tiếp tế cho họ, nhiều lần trong ngày để biết chắc các binh sĩ sẽ không phải đối mặt với nhiều vấn đề”, Tsering – một tình nguyện viên 28 tuổi sống tại làng Chushul cho hay.

Chushul – nơi ở của khoảng 150 hộ dân – là một trong những khu dân cư gần ngay sát khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Kể từ tháng 5, binh sĩ hai nước đã vướng vào nhiều lần xung đột liên quan đến Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Hồi tháng 6, căng thẳng leo thang thành bạo lực khi 20 binh sĩ Ấn Độ được cho là đã thiệt mạng trong một vụ đấu tay đôi giữa hai bên. Đây là tổn thất về người lớn nhất tại biên giới hai nước trong hơn 40 năm qua.

Ngày 29/8, chỉ cách làng Chushul vào kilomet, một cuộc xung đột khác giữa lực lượng hai bên lại nổ ra. Tối hôm đó không có ghi nhận thương vong song lần đầu tiên trong 40 năm, khu vực vang lên tiếng súng.

Tại một cuộc họp ở Moskva (Nga) tuần trước, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã ra một tuyên bố chung, cùng nhất trí “rút quân càng sớm càng tốt” khỏi đường biên giới. Đây là kết quả đạt được sau ít nhất 5 vòng đàm phán quân sự cấp cao trước đó không đi tới đâu, khi mà cả hai nước liên tục chỉ trích bên kia xâm phạm lãnh thổ chủ quyền bên còn lại.

Xe tải quân sự chở theo đồ tiếp tế hướng về khu vực Ladakh ngày 15/9. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo lời dân làng Chushul, có rất ít bằng chứng cho thấy hai bên đang rút quân. Tuần qua, Ấn Độ tiếp tục tăng cường quân dọc biên giới. Một đoàn xe quân đội Ấn Độ vẫn mang đồ tiếp tế và đạn dược cho quân lính đóng ở các đồn. Khoảng 100 thợ đào đã được điều đến để xây dựng đường xá và các tòa nhà nhằm đảm bảo hơn nữa vị trí của lực lượng Ấn Độ dọc biên giới.

“Rõ ràng là cả hai bên đều dự định đóng quân đến tận mùa Đông. Thực tế là Trung Quốc không muốn thỏa thuận vì đây là một cách để lôi kéo Ấn Độ vào một chiến dịch quân sự tốn kém dọc biên giới Himalaya”, Manoj Joshi - chuyên gia an ninh tại Quỹ Nghiên cứu Giám sát - cho biết dường như họ đoán được rằng sẽ không có một kết quả ngoại giao nào về tranh chấp khu vực.

Tuần này, dân làng Chushul tiếp tục vận chuyển đồ tiếp tế cho quân đội Ấn Độ trên Black Top. Họ lo ngại trong 5 tháng tới, toàn bộ khu vực Ấn Độ đóng quân sẽ bị cắt đứt với thế giới bên ngoài do tuyết và băng.

"Khu vực này chưa có đường đi, nói gì tới cơ sở hạ tầng. Chúng tôi không biết sẽ tiếp tế cho quân đội được bao lâu nữa", cô Tsering cho biết.

Một người làng khác là Konchak Tsepel chia sẻ quan điểm: "Những địa điểm mới mà Trung Quốc đang đối đầu với binh sĩ Ấn Độ không đảm bảo điều kiện sống. Các binh sĩ ở trong lều bạt dã chiến. Tôi không biết họ sẽ xây dựng kiểu gì khi không có đường lên".

Các chuyên gia nhận định Ấn Độ chưa sẵn sàng cho nguy cơ một cuộc chiến tổng lực dọc biên giới. Họ chỉ còn 4 tuần để đảm bảo hậu cần cho 4 sư đoàn với khoảng 40.000 quân được triển khai ở Ladakh trong suốt mùa Đông.

Quân đội Ấn Độ đã chi hàng tỷ USD cho quốc phòng dọc biên giới Trung Quốc, bao gồm một đường hầm mới trị giá 400 triệu USD dưới vùng núi Himachal Pradesh. Tuy nhiên, để duy trì hàng chục nghìn binh sĩ ở sa mạc tại độ cao dãy núi Himalaya là một nhiệm vụ phức tạp và tốn kém. Khu vực này không có các kênh liên lạc thích hợp và điện vẫn chưa có tại nhiều nơi. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gấp ba lần quy mô của Ấn Độ.

Tashi Chhepal (60 tuổi) một đại úy quân đội Ấn Độ về hưu từng phục vụ tại khu vực biên giới trong hơn ba thập kỷ, miêu tả “đường dây liên lạc của chúng tôi với thế giới bên ngoài bị cắt đứt trong năm tháng. Mọi thứ sẽ ngưng trệ. Trong những tháng đó, chúng tôi sống chủ yếu dựa vào thực phẩm đóng hộp. Không có gì thay đổi nhiều trong nhiều năm qua”.

Về phía Trung Quốc, Pravin Sawhney - một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ, cho biết phía Bắc Kinh vượt trội hơn nhiều. “Họ đã có Internet cáp quang đến tận khu vực chiến đấu.”

Thiếu tướng quân đội Ấn Độ, Amrit Pal Singh cho hay “công tác hậu cần trong việc di chuyển quân và vật tư đến khu vực khi mùa Đông đến là một thách thức không giống bất kỳ thử thách nào đối với quân đội Ấn Độ. Đây là chiến trường biệt lập nhất trên thế giới”.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/luc-luong-dan-lang-dam-bao-hau-can-cho-binh-si-an-do-tai-day-himalaya-20200922170000424.htm