Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ

Kỳ 1: Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ

Các binh sĩ thuộc nhóm 1 của lực lượng đặc biệt "Mũ nồi xanh" huấn luyện nhảy dù.

Các binh sĩ thuộc nhóm 1 của lực lượng đặc biệt "Mũ nồi xanh" huấn luyện nhảy dù.

Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ (USASOC) là cơ quan chỉ huy cao nhất của tất cả các lực lượng đặc biệt thuộc Lực lượng mặt đất của Quân đội Hoa Kỳ.

Cơ quan chỉ huy này lên kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo tiến hành hoạt động quân sự của các lực lượng đặc biệt của quân đội. Đây chính là đội quân của các đơn vị đặc biệt của Lực lượng Mặt đất của Quân đội Hoa Kỳ có số lượng đông đảo nhất.

Quân số của lực lượng đặc biệt trực thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt của Quân đội Hoa Kỳ ước tính là 33.800 người, trong đó có 1.250 chuyên gia dân sự.

Trung đoàn bitkích 75

Trung đoàn biệt kích 75 là một đơn vị đặc nhiệm thuộc các lực lượng đặc biệt bao gồm các binh sĩ được huấn luyện rất kỹ càng. Trên thực tế, nó là một trung đoàn trinh sát nhảy dù đặc biệt của Lực lượng mặt đất Hoa Kỳ.

Đây là một dạng bộ binh hạng nhẹ chuyên dụng với thành phần giới hạn là vũ khí hạng nặng và xe bọc thép. Binh lính của trung đoàn này được huấn luyện để có thể tiếp cận mục tiêu bằng tất cả các phương tiện có trong tay: nhảy dù, đổ bộ từ trực thăng, từ tàu thủy. Khẩu hiệu của trung đoàn là: "Biệt đội luôn ở phía trước".

Thành phần trung đoàn bao gồm ba tiểu đoàn lính dù và một tiểu đoàn biệt động. Số lượng binh sỹ của mỗi tiểu đoàn lính dù, trong đó có ba đại đội lính dù và một đại đội độc lập, là 660 người.

Tổng số sỹ quan, binh lính, nhân viên của trung đoàn ước tính khoảng 3.500 người. Một trong những tiểu đoàn dù của trung đoàn biệt động 75 luôn nằm trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và có thể được cử đi thực hiện nhiệm vụ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trong vòng 18 giờ đồng hồ.

Các đơn vị trinh sát di động đầu tiên của Lực lượng mặt đất tiến hành các hoạt động ở hậu phương kẻ thù ("Biệt kích") đã xuất hiện trên lãnh thổ Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 17. Và một thế kỷ sau đó, đã có cả một quân đoàn trinh sát tham gia cuộc chiến giành độc lập của Hoa Kỳ.

Còn việc hình thành các đơn vị trong quân đội Mỹ với quy mô khác nhau để tiến hành trinh sát sâu trong hậu phương quân địch thì mới chỉ xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ đó, các lính biệt kích đã tham gia vào tất cả các cuộc chiến lớn cũng như trong các cuộc xung đột cục bộ do Hoa Kỳ tiến hành trên khắp thế giới.

Chẳng hạn như, trong Chiến tranh Việt Nam năm 1969, cái tên “Biệt kích” đã được đặt cho trung đoàn nhảy dù số 75, gồm 13 đại đội riêng biệt.

Cuối cùng, tất cả các đơn vị “Biệt kích” riêng lẻ đã được tập hợp lại thành Trung đoàn Dù số 75 vào tháng 2 năm 1986.

Một đơn vị biệt kích Mỹ ở Afghanistan, năm 2012

Ngày nay, Lính biệt kích là dạng bộ binh hạng nhẹ được huấn luyện nhiều nhất của Quân đội Hoa Kỳ.

Ngoài nhiệm vụ trinh sát, phá hoại hậu phương quân địch và thực hiện trinh sát phục vụ cho các đơn vị tiến công của Lực lượng Mặt đất, các đơn vị của trung đoàn còn được sử dụng cho các hoạt động trực tiếp như: đánh chiếm và giữ các sân bay, chiếm giữ hoặc tiêu diệt các mục tiêu chiến lược quan trọng của địch, cũng như bắt cóc hoặc tiêu diệt những nhân vật cao cấp trong ban lãnh đạo quân sự-chính trị của kẻ thù.

Mỗi lính biệt kích đều phải trải qua một quá trình huấn luyện dài, bao gồm huấn luyện cá nhân (thể chất và chiến thuật) và tập luyện các hành động theo chương trình của cả đội trong bất kỳ điều kiện, tình huống và khí hậu nào: từ địa bàn đô thị cho đến những vùng băng tuyết của Bắc Cực hay rừng rậm.

Lính “Mũ nồi xanh”

Lực lượng đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ được biết đến rộng rãi với cái tên "Mũ nồi xanh" là các đơn vị được lựa chọn và đào tạo cực kỳ tốt của Quân đội Hoa Kỳ.

Lịch sử của "Mũ nồi xanh" bắt nguồn từ năm 1952.

Những chiến binh đầu tiên của các lực lượng đặc biệt này nguyên là thành viên của Cục Dịch vụ Chiến lược (OSS), được thành lập trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2. Về cơ bản, việc tổ chức và huấn luyện lính đặc nhiệm trong những năm đó chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của Cơ quan quân sự đặc biệt Anh (SAS).

Số lượng lính "Mũ nồi xanh" được tăng mạnh vào năm 1961 trong bối cảnh tình hình xung quanh Cuba trở nên trầm trọng hơn. Khi đó, Tổng thống John Fitzgerald Kennedy đã tăng số lượng các đơn vị này từ 1 nghìn lên 2,5 nghìn người cùng với việc hình thành khái niệm chuẩn bị lực lượng đặc biệt cho chiến tranh du kích và chống du kích.

Chính Kennedy đã nỗ lực rất nhiều để thành lập lực lượng đặc biệt hiện đại của Mỹ. Vì vậy, ngày nay trung tâm huấn luyện lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ được mang tên ông. Chính vị tổng thống Mỹ này đã thúc đẩy để lực lượng “Mũ nồi xanh” trở thành tinh hoa của quân đội Mỹ.

Ngoài trình độ huấn luyện thể lực và chiến đấu ở mức độ cao, người ta còn chú trọng đến việc huấn luyện cho các chiến binh nghiệp vụ trinh sát, nghiên cứu chiến thuật, ngoại ngữ và đặc điểm văn hóa của các quốc gia nơi các lực lượng đặc biệt được huấn luyện để hoạt động.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các đơn vị "Mũ nồi xanh" đã xuất hiện các đơn vị chiến tranh tâm lý, binh lính thông hiểu và sử dụng các truyền thống cũng như các đặc điểm tâm lý - văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới để đạt được mục tiêu của họ.

Hiện tại, Quân đội Hoa Kỳ có 5 nhóm “Mũ nồi xanh” đang hoạt động, (đó là các nhóm 1, 3, 5, 7 và 10), còn hai nhóm nữa (19 và 20) được triển khai như một phần của đội Vệ binh Quốc gia.

Các nhóm được tổ chức thành các trung đoàn lính dù nhẹ, mỗi trung đoàn có bốn tiểu đoàn. Phương châm của đội quân "Mũ nồi xanh" là: "Giải phóng những người bị áp bức".

Các nhóm lực lượng đặc biệt được chuẩn bị cho các hoạt động ở các khu vực khác nhau trên hành tinh. Đồng thời, một số đơn vị được triển khai bên ngoài biên giới Hoa Kỳ, ví dụ như, một trong những tiểu đoàn của Trung đoàn Dù số 1 của Quân đội Hoa Kỳ đóng trên đảo Okinawa, và một trong những tiểu đoàn của Trung đoàn Dù số 10 đồn trú ở thành phố Boeb, nước Đức.

Một số tiểu đoàn thuộc các trung đoàn số 3, số 5 và số 7 thường xuyên tiến hành các hoạt động ở Afghanistan và Iraq.

Các chiến binh của nhóm 7 "mũ nồi xanh" đổ bộ lên boong tàu ngầm

Lính “Mũ nồi xanh” được chuẩn bị để tham gia vào các hoạt động thời bình, trong các cuộc xung đột cục bộ ở các mức độ khác nhau và trong một cuộc chiến toàn diện.

Những người lính của các lực lượng đặc biệt này có thể trực tiếp tham gia vào chiến sự, tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố và buôn bán ma túy, tiến hành trinh sát đặc biệt, tháo gỡ bom mìn và tham gia các hoạt động nhân đạo.

Các đơn vị này có điểm đặc biệt nữa là họ còn được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh phi truyền thống (ủng hộ phong trào của phiến quân nước ngoài hoặc phong trào kháng chiến ở các vùng bị chiếm đóng), và cuộc chiến chống lại các phong trào nổi dậy và quân du kích.

Biệt đội "Delta"

Đơn vị hoạt động đầu tiên của lực lượng đặc biệt "Delta" đôi khi cũng còn được gọi là đội tác chiến số một hoặc trung đoàn lực lượng đặc biệt hoạt động riêng biệt số một.

Còn tên gọi phổ biến hơn, đặc biệt là đã đi vào văn hóa phổ biến, là một phiên bản rút gọn: đội “Delta”. Chính dưới cái tên này, đơn vị này thường được nhắc đến trong các bộ phim Hollywood.

Nhiệm vụ của các lực lượng đặc biệt không chỉ giới hạn trong việc cứu những thường dân. Nhiệm vụ chính của đội “Delta” là cuộc chiến chống khủng bố, chiến tranh chống du kích, cuộc chiến chống nổi loạn và các hoạt động bí mật trên khắp thế giới.

Đơn vị cũng có thể tham gia chiến sự bằng việc tổ chức các hoạt động trực tiếp như: đột kích, phục kích, phá hoại. Ngoài ra, các chiến binh của đơn vị này còn có thể tham gia vào các hoạt động chống lại các mục tiêu được đánh giá cao như: những nhân vật hoặc những thứ quan trọng đối với công tác chỉ huy của đối phương.

Các chiến binh của đội “Delta” phía sau chiến tuyến ở Iraq năm 1991

Đội “Delta” là một đơn vị ưu tú và thường được bổ sung những quân nhân có kinh nghiệm lấy từ các đơn vị đặc biệt khác của Lực lượng Mặt đất cũng như từ Trung đoàn Biệt kích 75. Tổng số quân của đơn vị được các chuyên gia ước tính khoảng 800-1000 người, bởi thành phần chính xác của đơn vị không được tiết lộ.

Người ta ước tính rằng khoảng 300 người trong số họ được huấn luyện để tiến hành các hoạt động chiến đấu và giải cứu con tin, còn những người còn lại là những nhân viên hỗ trợ có trình độ cao, những người giỏi nhất trong các lĩnh vực của họ.

Các đơn vị hỗ trợ lực lượng đặc biệt quân đội

Ngoài các đơn vị kể trên, Lực lượng đặc biệt của Quân đội Hoa Kỳ còn bao gồm Trung đoàn Lực lượng đặc biệt số 160 của Không quân và một số đơn vị hỗ trợ. Trong trung đoàn 160 cũng có một tiểu đoàn gồm các xạ thủ đặc biệt của không quân và một tiểu đoàn đặc biệt chuyên huấn luyện các xạ thủ máy bay.

Ngoài ra, còn có lữ đoàn độc lập 528 làm nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần cho lực lượng đặc biệt, một trung tâm quân sự đặc biệt và trường huấn luyện John F. Kennedy của Quân đội Hoa Kỳ. Trung tâm này tham gia vào việc đào tạo và giáo dục nhân sự cho các lực lượng đặc biệt.

Trong thành phần lực lượng đặc biệt của Quân đội Hoa Kỳ còn có ba đơn vị thú vị nữa. Đầu tiên là Lữ đoàn dân sự 95 (thuộc lực lượng lính dù). Những người lính của lữ đoàn này có thể nói được ít nhất là một trong số 20 ngoại ngữ.

Nhiệm vụ chính của họ là hỗ trợ bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ và làm việc với chính quyền dân sự và dân chúng trong các khu vực mà họ hoạt động trong điều kiện thời bình, trong các tình huống khẩn cấp và cả trong điều kiện chiến tranh.

Nhiệm vụ quan trọng của họ là làm việc với dân thường, thể hiện lòng trung thực, đúng mực của mình, bao gồm việc xác định, làm rõ và sau đó giải quyết các vấn đề dân sự quan trọng (trong các trường hợp khẩn cấp hoặc hoạt động quân sự).

Những người lính của Lữ đoàn dân sự 95

Lực lượng đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ cũng bao gồm các nhóm hoạt động tâm lý số 4 và số 8, mỗi nhóm bao gồm một số tiểu đoàn. Nhóm số 4 được thành lập vào năm 1967 ở đỉnh cao của Chiến tranh Việt Nam.

Cả hai đơn vị hoạt động chiến tranh tâm lý đều cung cấp thông tin cho các hoạt động quân sự đang diễn ra, hỗ trợ cho các cơ quan dân sự và quân sự.

Các đơn vị này chuyên sản xuất, in ấn và phát hành, phân phối các tài liệu thông tin nhằm cung cấp thông tin cho khán thính giả nước ngoài nhằm mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.

Ngoài các dạng tuyên truyền khác nhau, đơn vị này còn cung cấp cho các đơn vị chiến đấu những chuyên gia có kiến thức về ngoại ngữ, phong tục và tập quán của người dân địa phương, cũng như chuẩn bị các tài liệu phân tích, tham khảo và thông tin có tính chất tình báo.

NguynQuang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/luc-luong-dac-biet-hoa-ky-3413740/