Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

TCCSĐT - Được hình thành từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định (bao gồm các đơn vị vũ trang đặc biệt do quân khu hoặc của địa phương, tổ chức ban ngành kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) thành lập ngày càng tinh nhuệ, lập nên nhiều chiến công xuất sắc trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, góp phần vào thành công của đòn tác chiến chiến lược.

Chiếc xe GA-0603 được đội 67 Biệt động Sài Gòn sử dụng trong một trận đánh. Ảnh: sggp.org.vn

Công tác bảo đảm được ráo riết thực hiện

Thực hiện chủ trương Hội nghị đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3-1965): “Chuẩn bị và sẵn sàng đối phó để thắng địch nếu chúng biến chiến tranh ở miền Nam hiện nay thành chiến tranh cục bộ”(1), Bộ Tư lệnh Miền tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển lực lượng, sẵn sàng tham gia các chiến dịch lớn. Riêng Quân khu Sài Gòn - Gia Định được giao nhiệm vụ “gấp rút xây dựng các đơn vị biệt động đủ sức đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của nội thành”(2), nhằm giáng những đòn tiến công bất ngờ, gây chấn động tại trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của chính quyền Sài Gòn, nơi đặt bộ chỉ huy quân Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, lực lượng biệt động vừa tích cực chủ động trinh sát nắm địch, vừa tranh thủ huấn luyện kỹ, chiến thuật, phát triển lực lượng và cơ sở, mua sắm, tích trữ vũ khí, vật liệu nổ, thực hiện nhiều trận đánh đạt hiệu quả cao, góp phần đánh bại một bước chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, tạo thế và lực mới cho phong trào đấu tranh ở chiến trường Đông Nam Bộ.

Thắng lợi của 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966; 1966 -1967) trên chiến trường miền Nam và đánh bại một bước cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc đã tạo thời cơ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, so sánh tương quan lực lượng, tháng 10-1967, Bộ Chính trị quyết định: “Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam”(3), tạo nên đòn quân sự giáng mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra bước ngoặt căn bản để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam ban hành “Nghị quyết Quang Trung”, lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã tiến hành hội nghị mở rộng, triển khai chủ trương của Trung ương Đảng, kế hoạch, mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy của Bộ Chỉ huy Miền. Trong đó, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định có nhiệm vụ đánh chiếm các cơ quan đầu não địch tại nội đô; phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân,… tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, khiến chúng không thực hiện được ý đồ về chính trị và quân sự ở miền Nam.

Để tiến hành trận đánh lớn, trên cơ sở kết quả chuẩn bị của những năm trước, công tác bảo đảm được ráo riết thực hiện. Đến cuối năm 1967, trong nội đô Sài Gòn, lực lượng biệt động xây dựng được 19 lõm chính trị, gồm 325 gia đình, 11 cơ sở ém vũ khí và phương tiện cơ động, 400 điểm ém quân, 13 cơ sở có hầm chứa vũ khí cho các trận tiến công vào các mục tiêu chiến lược(4); xây dựng được 4 cơ sở đặt sở chỉ huy, trong đó có số 7 Yên Đổ, nay là đường Lý Chính Thắng (tức tiệm phở Bình), nuôi giấu 13 cán bộ. Ngoài ra, trên hành lang từ căn cứ vào nội thành, các đơn vị đã xây dựng được các căn cứ xuất phát, bàn đạp, những điểm nút giao liên,… vững chắc. Trong đó, 2 bàn đạp Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), không chỉ là địa điểm làm việc của Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu với các đầu mối biệt động trong nội thành, mà còn là nơi tập kết, ngụy trang vũ khí để chuyển vào Sài Gòn. Với sự tổ chức chặt chẽ, linh hoạt và hết sức bí mật, lực lượng bảo đảm của Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã vận chuyển được 10 tấn thuốc nổ, súng đạn và trang bị vào cất giấu tại các cơ sở kề cận các mục tiêu quan trọng của Mỹ - Ngụy, sẵn sàng cho Tổng tiến công và nổi dậy. Nhằm tổ chức lực lượng phù hợp với nhiệm vụ mới, Bộ chỉ huy Phân khu 6 giải thể Đoàn F100 biệt động, thành lập các đội biệt động độc lập đảm nhiệm nhiệm vụ tiến công từng mục tiêu trong thành phố. Các đội được quán triệt nhiệm vụ, thống nhất phương án tác chiến và ký tín hiệu hiệp đồng. Đồng thời rà soát lại phương thức, kế hoạch tác chiến, bổ sung thêm vũ khí có uy lực cao, sẵn sàng đợi lệnh xuất phát.

Theo kế hoạch, biệt động Sài Gòn - Gia Định được giao đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, khám Chí Hòa, Bộ tư lệnh Hải quân. Riêng mục tiêu Sứ quán Mỹ, vì lý do chính trị nên không có trong dự kiến ban đầu, đến cận tết mới giao nhiệm vụ. Để giữ bí mật, giờ nổ súng chỉ được phổ biến trước 48 giờ cho chỉ huy trưởng các phân khu và cụm biệt động.

Phát huy được truyền thống “lấy ít địch nhiều”

23 giờ 30 phút ngày 30-01-1968, tại Sở chỉ huy số 7 Yên Đổ, đồng chí Võ Văn Thạnh - Chính ủy Phân khu 6 đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phổ biến giờ nổ súng, phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích tiến công các mục tiêu đầu não của địch tại Sài Gòn.

2 giờ sáng ngày 31-01-1968, Tiểu đoàn 268 Phân khu 2 bắn 8 quả cối 82mm vào sân bay Tân Sơn Nhất, tạo hiệu lệnh tấn công cho toàn mặt trận. Theo phân nhiệm, các đội biệt động tiến hành tấn công các mục tiêu.

Tại Dinh Độc lập, Đội 5 gồm 17 chiến sĩ, có 1 nữ, do đồng chí Trương Hoàng Thanh chỉ huy, dùng ô tô tiếp cận mục tiêu, với ý định đánh sập cổng để tiến vào bên trong nhưng bộc phá không nổ, nên đơn vị đã triển khai chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Đội bắn cháy nhiều xe chở lính Mỹ và lính Ngụy, sau đó rút vào cố thủ, tiếp tục chiến đấu trong tòa nhà 56 Thủ Khoa Huân, rồi tòa nhà 108 Gia Long cho đến 3 giờ sáng ngày 01-02-1968, 10 đội viên hy sinh, 7 người bị địch bắt. Phía địch chết và bị thương gần 100 tên (có một số lính Mỹ), 3 xe jeep bị phá hủy.

Tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Cụm biệt động 679 gồm 27 chiến đấu viên, do đồng chí Đỗ Tấn Phong chỉ huy chia thành 2 mũi tiến công vào cổng số 5 và cổng Phi Long. Sau 15 phút chiến đấu ta chiếm được 2 cổng, nhưng bất lợi về lực lượng nên không phát triển vào bên trong mục tiêu, đành phải trụ lại dọc bờ rào và các ngôi nhà kế cận tiếp tục chiến đấu. Bị địch chia cắt đội hình và phản kích quyết liệt, một bộ phận buộc phải rời khỏi trận địa, một số khác trụ lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới sa vào tay địch. Đến 14 giờ ngày 01-02-1968, các đơn vị hết đạn, không có sự tiếp ứng nên chỉ huy nhanh chóng cho phân tán lực lượng. Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên, 2 xe bọc thép và 1 đại liên bị phá hủy. Cụm biệt động 679 giữ được trận địa gần 2 ngày đêm, hy sinh 10, bị bắt 4, mất tích 3 cán bộ, chiến sĩ.

Tại Tòa đại sứ Mỹ, 2 giờ sáng ngày 31-01, Đội biệt động 11, gồm 15 đội viên, do đồng chí Ngô Thành Vân (tức Ba Đen) chỉ huy, chia làm 4 tổ, tiến công cổng chính và dùng bộc phá đánh thủng một mảng tường trên đường Mạc Đĩnh Chi, đột nhập vào bên trong. Các chiến sĩ nhanh chóng tiêu diệt các ổ chiến đấu của địch, đánh chiếm tầng trệt, lầu 1, lầu 2 tòa nhà. Để cứu nguy cho vị trí quan trọng này, ngoài lực lượng đã được bố trí tại chỗ, Mỹ điều thêm một đơn vị thuộc Sư đoàn dù đổ xuống sân thượng tòa nhà, dùng hỏa lực và vũ khí hóa học đánh xuống; phối hợp với quân từ nhà Đại sứ Pháp đánh sang. Trận đánh không cân sức diễn ra gay go, quyết liệt, các chiến sĩ biệt động anh dũng chiến đấu, giành giật với địch từng bậc cầu thang, từng căn phòng, trong khi lực lượng sinh viên, học sinh không đến chi viện theo như kế hoạch. Đến 9 giờ sáng, quân địch tràn ngập sứ quán. Toàn đội chỉ còn một mình chỉ huy trưởng Ba Đen bị thương và bị bắt. Sau 7 giờ chiếm giữ sứ quán Mỹ, nơi được đối phương canh phòng cẩn mật nhất, Đội biệt động 11 đã tiêu diệt 27 tên địch, làm bị thương 124 tên; 15 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Nhà báo Mỹ Don Oberdoifer nhận xét trận tấn công vào Tòa đại sứ Mỹ, “tuy trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm tượng trưng cho mọi cố gắng và quyền lực Mỹ! Trận đánh làm cho người ta nghĩ rằng các lực lượng cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức Chính phủ Mỹ mô tả… Và như vậy, chiến tranh còn lâu mới kết thúc”(5).

Cùng thời gian trên, nhiều mục tiêu quan trọng khác đều bị các đơn vị biệt động tiến công. Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Cụm biệt động 345 sử dụng 13 chiến sĩ tiếp cận mục tiêu, diệt lực lượng bảo vệ, chiếm giữ đài chờ kỹ thuật viên vào phát sóng kêu gọi quân dân toàn Miền nổi dậy. Nhưng không có lực lượng tiếp ứng, kỹ thuật viên phát thanh cũng không đến, trong khi địch phản kích quyết liệt, các chiến sĩ đã phá hủy đài và tiếp tục chiến đấu, 10 đồng chí anh dũng hy sinh.

Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, Đội biệt động 3 thuộc Cụm 345 có 16 chiến sĩ cơ động bằng ô tô đến tiếp cận mục tiêu tại cổng chính, diệt lính gác, lao ngay vào bên trong, tỏa ra đánh chiếm các vị trí dưới làn đạn xối xả của địch, quân số bị hao hụt nhanh chóng, số còn lại cầm cự đến sáng vẫn không thấy lực lượng bên ngoài vào. 14 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn 2 chiến sĩ (có 1 nữ) vượt được vòng vây về ẩn nấp ở cơ sở.

Do bị phát hiện trên đường cơ động nên Đội biệt động 90C không thực hiện được ý định tiến công tiêu diệt bọn cai ngục, giải thoát tù nhân ở nhà lao Chí Hòa; Cụm biệt động 7 - 8 cũng không tiếp cận được mục tiêu Tổng nha cảnh sát và Biệt khu Thủ đô.

Các mục tiêu ven đô như Tổng kho Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), căn cứ pháo binh Cổ Loa (Gò Vấp), căn cứ thiết giáp Phù Đổng, sân bay Tân Sơn Nhất,... cũng bị các đơn vị đặc công, biệt động tập kích gây cho địch nhiều tổn thất.

Bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân

Với 88 người của 5 đội (tính cả phục vụ chiến đấu là 103 người), trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang Biệt động Sài Gòn đã tấn công 5 mục tiêu trọng yếu của địch trong nội thành Sài Gòn: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân. Bằng vũ khí bộ binh thông thường, các đội viên độc lập chiến đấu, chống trả lực lượng địch đông hơn gấp hàng chục lần với đủ loại vũ khí và phương tiện tối tân nhất. Trong cuộc chiến không cân sức đó, lại không có được lực lượng hỗ trợ theo kế hoạch, 60 đội viên biệt động đã hy sinh, 12 người bị địch bắt(6). Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột nhập, đánh chiếm vị trí được phân công, tạo nên “đòn đánh trúng sào huyệt đầu não của địch, rất bất ngờ với chúng về khả năng đánh vào đô thị của ta”(7), tạo nên sự kiện gây chấn động nước Mỹ, góp phần quan trọng vào thành công của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 để đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” mà Mỹ dày công xây dựng. Tuy vậy, hy sinh của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong Tết Mậu Thân 1968 là hết sức to lớn, “mất gần hết lực lượng “gạo cội” - vốn là những cán bộ rất dũng cảm, am hiểu chiến trường và có bản lĩnh chiến đấu,... những cơ sở trung kiên nằm tại chỗ đã bị bể hàng loạt”(8), khiến hoạt động nội thành những năm sau đó gặp nhiều khó khăn. Sự thiếu phối hợp giữa tác chiến của biệt động Sài Gòn với các lực lượng khác trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân là bài học kinh nghiệm về xây dựng và sử dụng lực lượng này.

Hoạt động của biệt động Sài Gòn - Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến nói chung, trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nói riêng, cũng như lực lượng biệt động của toàn miền Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là một sáng tạo về tổ chức lực lượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Cách thức tổ chức đó phát huy được truyền thống đánh giặc bằng mưu trí, dũng cảm, “lấy ít địch nhiều” của ông cha, phù hợp với đánh địch trong thành phố, nơi không cho phép triển khai số lượng lớn lực lượng vũ trang. Với tổ chức gọn nhẹ, cách đánh thông minh, quả cảm, các chiến sĩ biệt động đã lợi dụng sơ hở của địch, tiến hành lối đánh độc đáo, bí mật bất ngờ, tập kích nhanh, rút gọn, lập nên những trận đánh có hiệu quả ngay tại sào huyệt của kẻ thù, góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch, phá hoại nhiều cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của chúng. Thắng lợi của các trận đánh còn là nguồn động viên tinh thần quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh đô thị; là nỗi kinh hoàng, hoang mang, lo sợ cho cả binh lính đến chỉ huy của quân viễn chinh Mỹ cũng như quân đội Sài Gòn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhận định “đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng,.. là bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân, nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam”(9) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

-------------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 26, tr.105

(2), (5) Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2015, tr.415, 526

(3) Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 114

(4), (7) Lịch sử miền Đông Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945- 1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.615, 641

(6), (8), (9) Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010, tr. 87, 201, 202, 203, 223, 224

Ths. Trần Lan PhươngTrường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/an-ninh-quoc-phong/2018/49253/luc-luong-biet-dong-sai-gon-gia-dinh-trong-tong-tien.aspx