Lực lượng BĐBP chủ trì duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là phù hợp

Ngày 11-9, Học viện Biên phòng tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng dự, chỉ đạo hội nghị.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Hà

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Hà

Tại hội nghị đã có 10 ý kiến thảo luận về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; vai trò của BĐBP trong việc duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu…

Trong đó, các đại biểu đã đi sâu phân tích, thảo luận làm rõ vai trò của BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đảm bảo nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Các ý kiến đóng góp đều khẳng định: Việc ban hành Dự án Luật BPVN, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong trình hình mới.

Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, thực tiễn hơn 61 năm qua lực lượng BĐBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương biên giới và nhân dân đánh giá cao. Ngoài ra, các Nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt tội phạm phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bắc, Phó Giám đốc Học viện Biên phòng báo cáo đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Viết Hà

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Hà

“Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định “BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới”. Ngoài ra, tại điểm c, khoản 1, Điều 22 Luật An ninh biên giới quốc gia năm 2004 quy định “BĐBP là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới đất liền và khu vực biên giới trên biển”; khoản 2, Điều 35 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn “duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước CHXHCN Việt Nam” - Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luc-luong-bdbp-chu-tri-duy-tri-an-ninh-chinh-tri-trat-tu-an-toan-xa-hoi-o-khu-vuc-bien-gioi-la-phu-hop-post432997.html