Lực lượng bảo vệ bờ biển của Italy tạm giữ tàu giải cứu của Đức

Tổ chức nhân đạo Sea-Watch cho biết tàu Sea-Watch 3 đã bị tạm giữ tại cảng Augusta - nơi mà tàu đã đưa 363 người di cư cập cảng ngày 3/3 sau khi đón số người này trên biển Địa Trung Hải.

Tàu Sea-Watch 3. (Nguồn: tagesschau.de)

Tàu Sea-Watch 3. (Nguồn: tagesschau.de)

Đầu tháng 3/2021, một tàu giải cứu của Đức đã đưa gần 400 người di cư tới thành phố Sicily của Italy, tuy nhiên con tàu này hiện đang bị tạm giữ tại cảng của thành phố mà theo giới chức Italy là do các vấn đề về an toàn.

Tổ chức nhân đạo Sea-Watch cho biết tàu Sea-Watch 3 do tổ chức này vận hành đã bị tạm giữ tại cảng Augusta - nơi mà tàu đã đưa 363 người di cư cập cảng ngày 3/3 sau khi đón số người này trên biển Địa Trung Hải.

Trong tuyên bố trên trang Twitter, Sea-Watch cho biết cơ quan chức năng Italy cáo buộc tàu đã giải cứu quá nhiều người.

Trong khi đó, theo thông báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, lệnh tạm giữ tàu Sea-Watch 3 được đưa ra sau khi cơ quan chức năng Italy phát hiện tàu vi phạm quy định về an toàn hàng hải, cụ thể liên quan đến quy định phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và huấn luyện thủy thủ.

Liên quan đến những tranh cãi Italy hạn chế tiếp nhận người di cư trên các tàu giải cứu, tàu nhân đạo Ocean Viking sau khi đón 116 người di cư trên biển Địa Trung Hải vào tuần trước, cũng đang phải nhổ neo ngoài khơi phía Nam Malta chờ được cấp phép tiến vào cảng. Đây không phải lần đầu tiên lực lượng bảo vệ bờ biển Italy chặn tàu nhân đạo tại cảng biển.

Italy là "cửa ngõ" mà người di cư châu Phi tìm cách xâm nhập để tiến vào châu Âu, tuy nhiên vượt biên trái phép qua đường biển giữa Sicily và Bắc Phi là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm, gây chết chóc nhiều nhất.

Italy từng nhiều lần lên tiếng cho rằng nước này phải một mình giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường tiếp nhận người di cư từ Libya.

Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), kể từ đầu năm 2015 đến nay, đã có gần 530.000 người di cư đặt chân tới bến cảng Italy và riêng từ đầu năm đến nay là 6.000 người.

IOM ước tính từ tháng 1/2021 đến nay, có 232 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình vượt biên trên biển đến Italy hoặc Malta, trong khi con số này ghi nhận trong cả năm 2020 là 983 người./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/luc-luong-bao-ve-bo-bien-cua-italy-tam-giu-tau-giai-cuu-cua-duc/700804.vnp