'Lực đẩy' cho thương hiệu cá ngừ Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát, hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương được xác định khâu đột phá mở đầu cho công cuộc tái cơ cấu ngành thủy sản của nước ta. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực ban đầu, mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân vẫn đang là bài toán chưa có lời giải cụ thể.  

Thiết bị thu câu cá ngừ trên tàu composite do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc trường ĐH Nha Trang thiết kế theo công nghệ khai thác tiên tiến của Nhật Bản.

Thiết bị thu câu cá ngừ trên tàu composite do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc trường ĐH Nha Trang thiết kế theo công nghệ khai thác tiên tiến của Nhật Bản.

Luẩn quẩn tập quán cũ

Tháng 8-2014, Bộ NN-PTNT ban hành "Đề án thí điểm khai thác, thu mua và chế biến cá ngừ theo chuỗi giá trị", thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Sau hơn 1 tháng triển khai, dưới sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản, đề án đã bước đầu xây dựng được một số mô hình tiên tiến trong khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị, mở ra những triển vọng mới cho mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân trong nghề.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, lượng xuất khẩu đối với sản phẩm cá ngừ giá trị cao (Sashimi) chưa đạt đến 10% tổng sản lượng khai thác. Hầu hết, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp, phi lê đông lạnh.

Tỉnh Bình Định là địa phương tiên phong trong việc thí điểm, hỗ trợ trang bị cho 5 tàu cá của ngư dân bộ công cụ đánh bắt cá ngừ theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản. Theo đó, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định là doanh nghiệp liên kết với các tàu để bao tiêu sản phẩm và liên doanh, liên kết với đối tác Nhật Bản xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật. Sau hơn một tháng triển khai mô hình, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc công ty cho biết, chuyến thứ nhất 5 tàu khai thác được 40 con, chỉ chọn được 10 con xuất sang Nhật.

Trong số đó, có con bán được hơn 400.000 đồng/kg, nhưng có con chỉ bán được 50.000 đồng/kg, còn thua giá mua sô trong nước. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển lô hàng bằng máy bay, thuê kho bãi tăng cao thêm 24%, chuyến hàng xuất cá qua Nhật lần đó, công ty bị lỗ. Sang chuyến biển thứ 2 còn tệ hơn, 5 tàu khai thác được 57 con, nhưng chỉ chọn được 4 con đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Là thuyền trưởng của một trong 5 tàu câu cá ngừ thuộc mô hình thí điểm khai thác cá ngừ theo chuỗi, ngư dân Nguyễn Quê (xã Tam Quan Bắc, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho rằng, từ trước đến nay, lao động trên tàu vốn quen với phương thức kéo câu bằng sức người nên việc ứng dụng kỹ thuật, thu câu bằng máy rất lúng túng. "Thiết bị thu câu có 9 giai đoạn, nhưng anh em bỏ qua các giai đoạn đầu, chỉ sử dụng giai đoạn cuối cùng là tời cá lên. Vì vậy, chất lượng cá không khác lối câu trước đây. Mặt khác, tàu chỉ có một bộ thu câu, có khi cùng một lúc, nhiều con cá cùng ăn câu, nhưng chỉ bắt được một con, nên chuyến biển có sản lượng thấp" - Ông Quê nhấn mạnh.

Tại Hội nghị "Bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ" mới đây được tổ chức tại Phú Yên với sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp và ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, sẽ thành lập một Ban chỉ đạo phát triển nghề câu cá ngừ đại dương để đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, chỉ đạo việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, nhằm nâng cao thương hiệu cá ngừ Việt Nam.

Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, lý giải: "Bà con ngư dân vẫn chịu ảnh hưởng của tập quán đánh bắt truyền thống, chưa đủ thời gian làm quen với phương thức, kỹ thuật mới. Trong khi đó, phương tiện của ta còn nhỏ, việc lắp đặt các thiết bị cơ giới còn hạn chế, lại thiếu tàu dịch vụ hậu cần được đầu tư, trang bị theo quy chuẩn. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất, liên kết giữa các doanh nghiệp, ngư dân, các đơn vị liên quan trong chuỗi chưa chặt chẽ, vẫn còn thiếu những doanh nghiệp đủ mạnh làm nòng cốt".

Không để "kim cương đen" thành phế liệu

Giữ lấy thương hiệu cá ngừ Việt Nam không chỉ là sự trăn trở của các cấp lãnh đạo, nhà quản lý, sự kỳ vọng, mong mỏi của đông đảo ngư dân, mà còn là tâm nguyện của rất nhiều doanh nghiệp thủy sản từng tham gia xuất khẩu cá ngừ đại dương trên địa bàn 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. "Tôi đã gắn bó với con cá ngừ đại dương từ những ngày đầu tiên. Ngày đó, chúng ta gọi cá ngừ là "kim cương đen" của Biển Đông. Nếu không sớm tìm đường tháo gỡ tình trạng này, rồi kim cương sẽ thành phế liệu" - Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Xuất nhập khẩu Vinh Sâm (Phú Yên) bày tỏ lo lắng.

Theo TS. I-ra-oa - Công ty Yanmar (Nhật Bản), đại diện đơn vị chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ trong khai thác cá ngừ đại dương cho biết, chất lượng cá ngừ của Việt Nam thấp, ngoài lý do về bảo quản, sơ chế còn do cách thức khai thác cá ngay từ ngoài biển. "Cá ngừ bình thường thân nhiệt khoảng 18oC, khi cá rượt đuổi mồi, thân nhiệt cá tăng lên 50oC. Lâu nay, ngư dân Việt Nam câu bằng tay nên khi cá cắn câu thì kéo mạnh lên thuyền ngay, thịt cá đang ở thân nhiệt cao nên trắng bệch, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc cá giãy giụa càng làm thân nhiệt tăng cao".

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, kỹ thuật khai thác và bảo quản là mấu chốt để đảm bảo chất lượng cá ngừ đại dương. Sắp tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ xem xét đến từng vị trí ngư dân trên tàu khai thác cá ngừ của Nhật Bản và sẽ đào tạo từng vị trí cho tất cả ngư dân Việt Nam theo công nghệ khai thác của Nhật Bản. "Cùng với đó, Bộ sẽ đưa ra một bộ quy chuẩn từ khai thác, bảo quản, đến chất lượng cá ngừ để ngư dân và doanh nghiệp thực hiện" - Ông Tám nói.

Trước yêu cầu hiện đại hóa đội tàu khai thác theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, sẽ sớm công bố các mẫu đóng tàu mới đến các địa phương để ngư dân lựa chọn. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản đang làm việc với tổ chức JICA (Nhật Bản) thiết kế trung tâm nghề cá miền Trung đặt tại Khánh Hòa. Ở đó sẽ có chợ đấu giá cá ngừ, giúp ngư dân bán cá không bị ép giá. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm việc với phía Nhật Bản để hỗ trợ từ nguồn vốn ODA xây dựng 5 cảng cá chuyên dụng cho 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Nhật Bản đã hứa sẽ hỗ trợ. Nếu được, sau năm 2015, chúng ta sẽ xây dựng các cảng cá này" - Ông Mạnh cho hay.

Cho cá ngừ ngủ đông

Một công nghệ bảo quản cá ngừ mới lần đầu tiên được chia sẻ tại Hội nghị "Bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ" lần này.

Theo ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bá Hải (Phú Yên), bên cạnh việc ứng dụng công nghệ khai thác cá ngừ theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, việc cho cá ngừ ngủ đông sau khi khai thác được sẽ giúp nâng giá trị lên cao. "Cá ngừ sau khi dính câu, dùng thiết bị xung điện (theo công nghệ Nhật Bản) làm cá ngất ngay dưới biển rồi thu câu đưa lên tàu. Sau đó, đưa vào thùng chứa nước biển laser khoảng âm 5oC cho cá ngủ đông chứ không làm chết cá (như công nghệ Nhật). Khi tàu hậu cần thu mua đưa vào thì chất lượng thịt cá không bị mất đi. "Kết quả thử nghiệm có đến trên 80% cá ngừ đánh bắt được đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU" - Ông Hồng nói.

Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc DNTN Xuất nhập khẩu Vinh Sâm cũng khẳng định, việc bảo vệ cá trong quá trình ngủ đông để tránh xây xước thì hiệu quả sẽ rất cao. Còn ngư dân Văn Công Việt, chủ tàu BĐ 91189TS (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định) cho rằng, công nghệ này nếu hiệu quả sẽ không khó thực hiện.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/luc-day-cho-thuong-hieu-ca-ngu-viet-nam/