Lực đẩy cho sản xuất hàng hóa tập trung

Sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh 'Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020' đã góp phần đem lại sự thay đổi lớn cho nông nghiệp của tỉnh.

Sản xuất rau an toàn, chất lượng cao trong nhà lưới tại thôn Tân Thanh (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà).

Sản xuất rau an toàn, chất lượng cao trong nhà lưới tại thôn Tân Thanh (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà).

Năm 2016, huyện Vân Đồn có khoảng 160ha trồng cam, tổng sản lượng trên 2.200 tấn. Để phát huy giá trị của cây cam, huyện xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở quy hoạch, từ năm 2017 đến nay, các hộ dân trồng cam của huyện được nhận rất nhiều hỗ trợ từ Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND, nhất là về cây giống, hình thành các tổ chức sản xuất phù hợp (hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ hợp tác), hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm... Đây là một trong những lực đẩy quan trọng, tạo nên sự bứt phá đối với vùng trồng cam của huyện.

Chỉ sau 2 năm, tổng diện tích trồng cam của huyện Vân Đồn đạt gần 400ha, doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện trong chương trình OCOP. Với đà phát triển này, dự kiến đến hết năm 2020, diện tích trồng cam của huyện đạt trên 1.000ha; sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm, trong đó 45% sản lượng được quản lý theo mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) hiện đang được trồng theo quy trình VietGAP

Hiệu quả lớn nhất từ khi triển khai Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND là sự thay đổi mạnh mẽ từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, thúc đẩy người sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Đến hết năm 2019, quy mô vùng sản xuất tập trung ở một số địa phương trong tỉnh tăng nhanh, vượt so với kế hoạch đến năm 2020. Cụ thể: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại TX Đông Triều và TX Quảng Yên (đạt 107%); vùng trồng cây dong riềng tại huyện Bình Liêu và Tiên Yên (đạt 103% kế hoạch); vùng trồng vải tại TP Uông Bí và TX Đông Triều (đạt 102,%); vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại TP Uông Bí, TX Đông Triều, TX Quảng Yên (đạt 100,45%)... Đặc biệt, vùng nuôi tôm tập trung tại Móng Cái, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và vùng trồng quế tại Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà hiện đạt gần 200% kế hoạch.

Tại những vùng sản xuất tập trung này, nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt các nội dung hỗ trợ trong chính sách để người dân được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng thiết bị, khoa học công nghệ...; từ đó đem lại thuận tiện trong sản xuất, đi lại, thu hoạch sản phẩm. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, giá trị sản phẩm vùng sản xuất tập trung đạt từ 180-250 triệu đồng/ha/năm, thu nhập của người dân tăng 20-25% so với các vùng sản xuất khác.

Khác với những chính sách trước đó, các nội dung hỗ trợ của Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND được thực hiện trên cơ sở giảm dần sự hỗ trợ trực tiếp và cho không, tăng sự hỗ trợ gián tiếp (kỹ thuật, lãi suất, con giống, xúc tiến thương mại...). Vì vậy, không chỉ hình thành những vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn, Nghị quyết đã tác động mạnh mẽ đến tư duy của người dân. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất dựa trên thế mạnh của địa phương với nhu cầu của thị trường. Qua kiểm tra, rà soát của Sở NN&PTNT, nhiều dự án/phương án được thực hiện hiệu quả ở các địa phương đều gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và phát triển các thương hiệu theo chương trình OCOP. Sự hiệu quả của các dự án đã thúc đẩy người dân tái đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tạo đầu ra lâu dài và ổn định. Trong đó, nổi bật như các dự án phát triển nuôi gia súc (trâu, bò) ở Ba Chẽ, Bình Liêu; chăn nuôi gà ở Tiên Yên; trồng cây trà hoa vàng ở Ba Chẽ; trồng cây dong riềng ở Bình Liêu, Tiên Yên; nuôi trồng thủy sản ở Cô Tô, Vân Đồn.

Để đáp ứng được yêu cầu phát triển, việc cần thiết là phải tái cơ cấu, mở rộng quy mô, hình thành các vùng sản xuất tập trung, bởi vậy Nghị quyết 45 đã tạo nên sức lan tỏa tích cực trong sản xuất, mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp nông thôn của tỉnh.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/luc-day-cho-san-xuat-hang-hoa-tap-trung-2486648/