'Lực đẩy' cho ngành cơ khí

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Trong những năm qua, mặc dù số lượng doanh nghiệp cơ khí (DNCK) gia tăng, tuy nhiên ngành cơ khí Việt Nam vẫn phát triển chậm, chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu trong nước và chưa xác định được sản phẩm chủ lực.

Đầu tư dàn trải, trùng lắp

Nhìn nhận bức tranh phát triển của ngành cơ khí, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nếu như năm 2010, số DNCK là 10.000 thì năm 2016 đã có 21.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, những năm gần đây, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cơ khí cũng đạt hơn 16 tỷ USD. Có được kết quả này phải kể đến việc DNCK đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng cao. Điều đáng nói, một số DN nội đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài và chuỗi cung ứng toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia.

Hoạt động sản xuất cơ khí tại Công ty Cổ phần công nghệ Năng lực Việt, Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, ngành cơ khí nước ta còn rất nhiều hạn chế: Trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn lạc hậu so với thế giới; năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng DNCK quá ít so với tổng số DN cả nước; nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; liên kết giữa các DN trong ngành còn kém và khả năng hấp thụ công nghệ các DN trong nước còn yếu.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam: Phần lớn việc tổ chức, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển của DNCK Việt Nam mới ở trình độ công nghệ thời 2.0. Sản phẩm cơ khí Việt Nam hiện nay chủ yếu gia công kết cấu thép, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngành cơ khí cả nước mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí toàn quốc.

“Chúng ta đã xác định được vai trò quan trọng của cơ khí, song chưa có chương trình, chính sách cụ thể phát triển lĩnh vực này. Cùng với đó, lực lượng cơ khí Việt Nam đã yếu lại thường làm trọn gói tất cả công đoạn, không liên kết tập hợp được lực lượng để tổ chức phân công sản xuất nên đầu tư bị dàn trải, trùng lặp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DNCK Việt Nam chỉ rõ.

Xác định sản phẩm cơ khí trọng điểm

Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018 với nhiều nhóm giải pháp về hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; phát triển thị trường; giải pháp về tài chính, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực… được xem như đòn bẩy tăng trưởng cho ngành cơ khí. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì trong chiến lược phát triển ngành cơ khí giai đoạn tới, Chính phủ cần có hệ thống chính sách đồng bộ từ vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh, không đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia. “Cần có chính sách khuyến khích đầu tư, nhưng tập trung cho các DN có sản xuất quy mô công nghiệp và có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ, không dàn trải như trước. Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo, giúp nước ta có thể chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa”, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đề xuất.

Gợi ý một số sản phẩm cơ khí cụ thể vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, như: Sản xuất, lắp ráp ô tô tải, bus; đóng tàu biển; chế tạo thiết bị kết cấu thép... ông Đào Phan Long còn đề xuất Chính phủ cần thiết lập hàng rào kỹ thuật, ban hành chính sách khuyến khích sản xuất trong khuôn khổ các cam kết tự do thương mại. Cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu trong ngành cơ khí. Nhanh chóng đổi mới các chính sách về khoa học-công nghệ, kế hoạch-đầu tư, tài chính, thuế, ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực đối với ngành cơ khí. “Nhà nước cần tính toán và có chính sách để DN trong nước có nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển, giúp vực dậy ngành cơ khí”, ông Đào Phan Long nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nghị định về phát triển công nghiệp cơ khí, trong đó có các giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN; xây dựng, điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm, đề xuất những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các DN và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN ngành cơ khí".

Bài và ảnh: MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/luc-day-cho-nganh-co-khi-550148