Lục Đầu Giang

Tôi đứng trên cầu Phả Lại bắc ngang Lục Đầu Giang đang chảy xuôi. Một ngày nắng. Làng mạc bình yên hai bên bờ như bao đời vẫn vậy.

Bên này sông là vùng Kinh Bắc giàu bản sắc. Bên kia là đền Kiếp Bạc, núi Côn Sơn, những địa danh nổi tiếng trong sử sách. Phía xa, nơi cầu Bình Than bắc ngang sông, đền Tam Phủ cũng ngay trong tầm mắt.

Về mặt phong thủy, Lục Đầu Giang là một dòng sông rất đặc biệt trên một vùng “địa linh, nhân kiệt” của đất nước ta. Đây là nơi hội tụ của sáu dòng sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Bốn dòng sông từ thượng nguồn đưa nước về Lục Đầu Giang, tên chữ đều có chữ Đức: sông Thương - Nhật Đức; sông Lục Nam: Minh Đức, sông Cầu: Nguyệt Đức; sông Đuống: Thiên Đức. Bốn dòng "Đức" này hợp nguồn về đây, qua sông chính Thái Bình và sông nhánh Kinh Thầy đồ ra biển, tạo nên một vùng đất trù phú, giàu truyền thống, mang những dấu ấn lịch sử và văn hóa rất vô cùng đặc sắc.

Ít có nơi nào những di tích dày đặc và đậm nét như ở đây. Đền Kiếp Bạc ngay bên bờ Lục Đầu Giang, phía Chí Linh - Côn Sơn, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc gắn bó với những chiến công hiển hách ba lẩn chống giặc Nguyên Mông. Do vị trí hiểm yếu của mình, trong lịch sử, Lục Đầu Giang đã nhiều lần là nơi diễn ra những trận quyết chiến với quân xâm lược, tiêu biểu là trận Vạn Kiếp, năm 1285, nơi 20 vạn quân nhà Trần với hơn 1.000 chiến thuyền đã chiến đấu chống 30 vạn quân Nguyên, bảo vệ bờ cõi Đại Việt; biến nơi đây thành mồ chôn quân xâm lược, như lời người xưa: “Lục đầu vô thủy bất thu thanh” (Không có giọt nước nào ở sông Lục Đầu không có tiếng kêu than của quân giặc).

Lục Đầu Giang còn là nơi diễn ra hội nghị Bình Than nổi tiếng thời nhà Trần, vào năm 1282, bàn kế sách chống quân Nguyên Mông. Tại hội nghị này, vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã quyết định trao toàn quyền tổng chỉ huy quân đội cho Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, bổ nhiệm những tướng lĩnh tài ba và xác định đường hướng cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Đây cũng là nơi Hoài văn hầu Trần Quốc Toản, với câu chuyện bóp nát quả cam trên tay, dựng cờ "Phá cường địch, báo Hoàng ân", tỏ rõ ý chí của người anh hùng trẻ tuổi với vận mệnh lớn lao của toàn dân tộc.

Đền Tam Phủ, một di tích lịch sử bên bờ Lục Đầu Giang, nằm ở khu vực Bình Than xưa, ở về phía Gia Bình (Bắc Ninh), cũng rất gắn bó với quá khứ hào hùng của vùng đất này. Tương truyền đây là nơi nhà Trần lập đàn tế trời đất, cầu mong chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Ngày nay, đền Tam Phủ là một địa chỉ tâm linh thu hút rất đông du khách thập phương.

Bên kia bờ Lục Đầu Giang, liền bên đền Kiếp Bạc là núi Côn Sơn linh thiêng bao năm đã soi bóng xuống lòng sông. Côn Sơn, cùng với Kiếp Bạc tạo thành khu di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nơi có chùa Côn Sơn, gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông, các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, những ông tổ của Thiền Phái Trúc Lâm. Côn Sơn cũng là nơi có đền thờ các danh nhân Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Trần Nguyên Hãn... Không xa Côn Sơn là núi Phượng Hoàng, cũng thuộc thành phố Chí Linh, nơi có đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An và đền thờ bà Chúa Sao Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử dân tộc cùng nhiều di tích văn hóa khác.

Hơn bảy trăm năm trải mấy triều
Khí thiêng phảng phất núi non cao

Đó là những câu trong bài thơ mà Á Nam Trần Tuấn Khải đã ngợi ca chiến công của Trần Hưng Đạo chống giặc ngoại xâm tại đây. Hồn thiêng sông núi trải bao thăng trầm của lịch sử vẫn luôn hiển hiện trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Kiếp Bạc - Côn Sơn- Lục Đầu Giang.

Trên vùng đất gặp gỡ của 6 dòng sông này, từ bao đời, mạch sống vẫn chảy trôi, trường tồn và phát triển. Bốn dòng sông Đức-sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu, sông Đuống, đã bồi đắp phù sa và hình nên vùng văn hóa Kinh Bắc. Sông Kinh Thày, sông Thái Bình chảy qua Hải Dương - đất Thành Đông nổi tiếng để ra biển cả. Từ bao đời, Lục Đầu Giang không chỉ là địa bàn hiểm yếu cho công cuộc giữ nước mà còn là huyết mạch giao lưu cho cuộc sống của cả một vùng rộng lớn.

Lục Đầu Giang ngày nay đã có những biến đổi lớn. Nhà máy nhiệt điện Phả Lại là một nguồn cung cấp điện chính cho mạng lưới điện quốc gia. Thành phố Chí Linh là một đô thị trẻ đang có nhiều dự án cho tương lai. Các khu công nghiệp về phía Bắc Ninh, Bắc Giang đang tạo động lực phát triển cho các địa phương này. Các cầu Phả Lại, Bình Than bắc qua dòng sông lịch sử này nối những tuyến giao thông chính, tạo điều kiện cho sự phát triển chung. Vẻ đẹp của cuộc sống, con người, của các di tích lịch sử, văn hóa làm nên bản sắc cho mảnh đất này đang ngày càng thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách gần xa.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/luc-dau-giang-20200706071532945.htm