Lực bất tòng tâm

Thừa thiếu GV cục bộ hay những vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước đối với GD không chỉ là câu chuyện của nội ngành GD mà đã trở thành chủ đề của nhiều diễn đàn, hội thảo lớn. Thực tế cho thấy, ngành GD luôn trăn trở về vấn đề này nhưng quyền quyết định lại không nằm trong tay nên bài toán đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngành Giáo dục vẫn “ngoài cuộc” trong việc sắp xếp nhân lực, đội ngũ

Ngành Giáo dục vẫn “ngoài cuộc” trong việc sắp xếp nhân lực, đội ngũ

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng từng lên tiếng, vấn đề thừa thiếu giáo viên (GV), ngành GD đang rất lo lắng nhưng quyết định việc này đâu phải của ngành GD. Ngành GD có nhu cầu nhưng biên chế con người lại phụ thuộc ngành Nội vụ. Vì thế, vấn đề thừa thiếu GV không thể trách oan cho ngành GD.

Còn nhớ vụ hơn 500 GV huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy mất việc hồi đầu năm 2018 gây rúng động trong và ngoài ngành GD. Sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm ngưng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hàng trăm GV. Cũng trong năm 2018, hàng trăm GV của huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng phải “đứng ngồi không yên” khi UBND huyện có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng.

Thực tế, ở nhiều địa phương trên cả nước cũng xảy ra tình trạng này, khiến đội ngũ GV, nhất là những GV hợp đồng như “ngồi trên đống lửa”: Người thì lo lắng mất việc, không được tiếp tục dạy học; người thì lo lắng bị điều chuyển sang công việc khác không phù hợp với năng lực, sở trường và trình độ được đào tạo... Nói chung là muôn vẻ lo lắng.

Không bàn đến chuyện đúng sai, nhưng rõ ràng bên trong câu chuyện này ai cũng nhận thấy sự bất hợp lý. Ngành GD rất sốt sắng nhưng “lực bất tòng tâm”, bởi nhân sự, biên chế không thuộc ngành quản lý. Ngành GD là đơn vị sử dụng lao động nên khi xảy ra sự việc chỉ biết đề nghị cấp có thẩm quyền, rồi làm tất cả những gì có thể trong thẩm quyền của mình và động viên GV.

Bất cập trên vô hình chung đã tạo ra những rào cản không đáng có cho ngành GD trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng dạy - học. Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cơ quan ra quyết định nhưng không phải chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định của mình. Tuy nhiên hậu quả thì ngành GD phải gánh, trong đó có vấn đề về tổ chức và nhân sự.

Ai cũng biết nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý, vì thế không thể thực hiện cơ chế tuyển dụng GV như những viên chức thông thường khác. Thực tế này đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài ngành GD lên tiếng và đề xuất, cần giao việc tuyển dụng GV cho ngành GD. Nhiều quan điểm cũng cho rằng, tới đây việc tuyển dụng GV phải do ngành GD chủ trì và có sự phối hợp với ngành Nội vụ cùng một số ngành liên quan.

Luật GD hiện hành có quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của nhà trường là tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động GD khác theo mục tiêu, chương trình; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền; đồng thời được tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên.

Thiết nghĩ, tới đây khi sửa Luật GD, Ban soạn thảo cần tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm này; đồng thời cần sửa lại Luật Viên chức để tháo gỡ những bất cập trong cơ chế tuyển dụng GV như hiện nay. GD-ĐT là sự nghiệp của toàn dân và toàn xã hội. Vì thế hơn bao giờ hết, mọi người, mọi nhà, mọi ngành đều phải có trách nhiệm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luc-bat-tong-tam-3984796-b.html