Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bộc lộ nhiều vướng mắc

Sau 5 năm triển khai thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải có sự sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với thực tiễn.

Ảnh minh họa. Ảnh: A.T

Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn, đề xuất 3 chính sách lớn với 16 vấn đề cụ thể. Thứ nhất là, hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt VPHC theo hướng sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể, chi tiết một số nội dung về xử phạt VPHC nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật. Trong đó, sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC, về trình tự, thủ tục xử phạt VPHC, về xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu, về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC. Thứ hai là, hoàn thiện các quy định pháp luật về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính với 2 nhóm vấn đề gồm đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; không áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thứ ba là hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, gồm báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC và kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

Một trong những vấn đề cụ thể được ông Sơn báo cáo Hội đồng thẩm định là sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC của các chức danh có thẩm quyền xử phạt theo hướng không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền (các chức danh có thẩm quyền xử phạt được thực hiện việc tịch thu không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện VPHC).

Đại diện Bộ Công an cho rằng, 3 chính sách đề xuất trên đã bao quát hết tất cả vấn đề phát sinh của Luật, song đi vào chi tiết đòi hỏi phải rà soát thêm bởi nếu chỉ giải quyết các vấn đề cơ bản thì không xử lý triệt để được những vướng mắc của thực tiễn hiện nay. Về biện pháp xử lý hành chính, đại diện Bộ Công an chỉ ra vướng mắc lớn liên quan đến đối tượng áp dụng hay biện pháp lưu giữ người tác động đến quyền con người, quyền công dân nên cần quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật rồi mới giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Việc cưỡng chế thi hành rất khó khăn như, dù đã quy định khấu trừ lương, khấu trừ tài khoản ngân hàng song thực tế không áp dụng được thì nên chăng có quy định “khép lại” hồ sơ xử phạt như thế nào; nghiên cứu miễn, giảm tiền phạt VPHC chưa áp dụng cho tổ chức…

Đề cập rõ hơn quy định miễn, giảm tiền phạt, đại diện Bộ Tài chính phân tích: Điều 77 Luật XLVPHC năm 2012 quy định miễn, giảm tiền phạt đối với cá nhân nên không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ… Đơn cử, trong công tác quản lý thuế thì việc xử lý đối với người nộp thuế là tổ chức VPHC là chủ yếu, nhiều doanh nghiệp gặp thiên tai, hỏa hoạn và gặp khó khăn bất khả kháng nhưng không thuộc trường hợp miễn, giảm tiền phạt. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung, sửa đổi Điều 77 quy định miễn, giảm tiền phạt cho cả tổ chức và cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc sửa đổi toàn diện Luật với tư duy mới; đề nghị nghiên cứu luật hóa một số quy định trong các nghị định hiện hành như: tạm giữ, tịch thu phương tiện, lưu giữ người…bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Hà Nhân

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-da-boc-lo-nhieu-vuong-mac-59112.html