Luật về Hội vẫn đang 'nợ', trí thức đóng góp thế nào?

BS. Đỗ Thị Vân cho rằng, hợp tác quốc tế là thế mạnh của các tổ chức xã hội nhưng các luật hiện hành chưa thực sự tạo điều kiện.

Tại Diễn đàn khoa học "Đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách đột phá để phát huy vai trò của trí thức Khoa học và Công nghệ trong giai đoạn 2021-2030", BS. Đỗ Thị Vân - đại diện tại Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ (gọi tắt là NGO-IC) đã đánh giá rất cao hoạt động của các Hội trực thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam song vẫn bị hạn chế ít nhiều do chưa thực sự có một khung pháp lý cho hoạt động và thành lập của các tổ chức xã hội.

BS. Đỗ Thị Vân - đại diện tại Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ (gọi tắt là NGO-IC) phát biểu tại Hội thảo.

BS. Đỗ Thị Vân - đại diện tại Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ (gọi tắt là NGO-IC) phát biểu tại Hội thảo.

Theo bà Vân, quyền lập Hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận ngay từ hiến pháp đầu tiên của nước nhà- Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp tiếp sau và gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013, thể hiện ở "Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."

Chỉ hơn 10 năm sau Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về Luật quy định quyền lập hội. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này và gần đây nhất là Nghị định 45/2010/NĐ- CP ngày 21/4/2010, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội.

Đây thực sự là khung pháp lý tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng trăm Hội ở Trung ương, hàng ngàn Hội cấp tỉnh và hàng vạn Hội cấp Cơ sở có và không có tư cách pháp nhân. Đây có thể gọi là loại hình Hội có hội viên.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tháng 8/2019: Tổng số Hội trong cả nước là 70.491 hội.

Riêng hệ thống Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã có 89 Hội KH-KT ngành Trung ương, 63 Liên hiệp Hội cấp tỉnh và 492 tổ chức KH-CN trực thuộc.

Trong khi đó, các tổ chức cộng đồng chưa có thống kê số lượng, tuy nhiên chỉ tính riêng các tổ chức tham gia phòng chống HIV-AIDS đã có trên 400 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO).

Các tổ chức xã hội phát triển với loại hình đa dạng, rộng khắp trong cả nước và tham gia, đóng góp có hiệu quả ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: Xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng; Bảo vệ Môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống HIV-AIDS; Bình đẳng giới- công bằng xã hội; Nhân đạo, từ thiện...

Các hoạt động chủ yếu là cung cấp dịch vụ Tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ; Nghiên cứu khoa học, Tư vấn và vận động chính sách; Phát triển sinh kế đối với các hoạt động xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương; Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; Giám sát việc thực thi chính sách pháp luật của nhà nước...

Chưa hết, thế mạnh của các tổ chức xã hội còn là hợp tác quốc tế. Với thế mạnh của mình, các tổ chức đã tranh thủ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là huy động nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước. Một phần không nhỏ cho hoạt động của các tổ chức xã hội là nguồn tài trợ quốc tế thông qua các dự án. Các tổ chức xã hội đã làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, mang hình ảnh của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức xã hội đã chủ động, tích cực và có nhiều sáng kiến trong việc thu hút nguồn tài trợ quốc tế thông qua các chương trình, dự án, các hội thảo, hội nghị, tập huấn cũng như chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chuyên gia.

Theo số liệu thống kê của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, trong 10 năm qua, các tổ chức trực thuộc đã huy động và triển khai 860 dự án với tổng kinh phí xấp xỉ 110 triệu USD.

Một số năm, các tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã huy động được các nguồn viện trợ không hoàn lại phục vụ các mục tiêu phát triển. Trong 5 năm gần đây, hàng năm các tổ chức thành viên thu hút được nguồn viện trợ Phi chính phủ nước ngoài khoảng trên dưới 10 triệu USD.

Về phía các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN): Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức PCPNN, trong đó có khoảng 500 tổ chức đang hoạt động thường xuyên. Hàng năm các tổ chức PCPNN hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị giải ngân trong hơn 20 năm ước đạt trên 4,3 tỷ USD (theo tài liệu tổng kết Ủy ban PCPNN giai đoạn 1996-2017 - tháng 7/2018).

Mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các tổ chức xã hội đã có nhiều kiến nghị, tuy nhiên trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế vẫn gặp không ít những khó khăn, rào cản.

Trước hết là vấn đề nằm ở khung pháp lý về Hội chưa rõ ràng và chưa hoàn thiện. Luật về Hội đã được đưa ra thảo luận ở Quốc hội vào các năm 2006 và 2016, nhưng đến nay chưa được thông qua.

Các tổ chức xã hội muốn được đóng thuế

Bà Đỗ Thị Vân nhận xét, không chỉ khung pháp lý, cơ chế tiếp nhận và quản lý nguồn viện trợ cho các tổ chức xã hội còn nhiều bất cập. Cùng với đó, chính sách thuế chưa có khung thuế cho khu vực các tổ chức xã hội hoạt động phi lợi nhuận…

Hiện tại các tổ chức hội, các tổ chức KHCN đã phát triển với số lượng lớn và đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên hiện chưa có khung về thuế đối với khu vực này. Các tổ chức KHCN đang phải thực hiện chính sách thuế như một doanh nghiệp trong khi hoạt động của các tổ chức này phần lớn là phi lợi nhuận.

Thủ tục hoàn thuế đối với nhiều dự án thì đây là yêu cầu bắt buộc của nhà tài trợ khi triển khai các dự án ODA, hay dự án tài trợ PCPNN. Trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn do không có sự hướng dẫn cụ thể và nhất quán nên có những đơn vị phải mất hàng năm mới thực hiện xong thủ tục hoàn thuế.

Nhằm tăng cường huy động sự tham gia và đóng góp có hiệu quả của các tổ chức xã hội trong việc hợp tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống HIV-AIDS, chăm sóc bà mẹ, trẻ em...thì rất cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế, tiếp nhận nguồn tài trợ không hoàn lại phục vụ cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Bà Đỗ Thị Vân đề nghị, cần sớm ban hành Luật về Hội, tạo điều kiện thông thoáng cho việc thành lập và hoạt động của các hội; tạo điều kiện để trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia và đóng góp cho Hội.

Bên cạnh đó là xây dựng chính sách về thuế đối với các tổ chức hội, các tổ chức khoa học và công nghệ. Có khung chính sách dành cho các tổ chức này, có hướng dẫn hoàn thuế cho các nguồn tài trợ quốc tế.

Chính phủ vẫn nợ "Luật về Hội"

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp. Trong 89 dự án luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành hiện vẫn còn 20 dự án luật chưa được ban hành.

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định đây là một hạn chế khi tới nay các luật này vẫn chưa được đưa vào hoặc đã được đưa vào nhưng rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, nguyên nhân do Hiến pháp có nhiều nội dung mới, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để kịp thời thể chế hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp dẫn đến số lượng văn bản cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới là rất lớn.

Trong số 20 luật chưa được ban hành nói trên có Luật về Hội, Chính phủ đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về một số vấn đề lớn, quan trọng của dự án luật này. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/luat-ve-hoi-van-dang-no-tri-thuc-dong-gop-the-nao-3421580/