Luật trần nợ công đã giúp nước Mỹ tránh được thảm họa vỡ nợ

Sau nhiều tuần nỗ lực đàm phán, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 2/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 2/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau nhiều tuần tranh cãi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật về trần nợ công. Cũng với luật trần nợ công này, nước Mỹ đã tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử vốn được dự báo kéo theo hàng loạt rủi ro.

Một thực tế là, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 vừa qua. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ.

Nếu mức trần nợ liên bang không được nâng lên hoặc đình chỉ, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 5/6, thời hạn chót để đạt thỏa thuận nâng trần nợ công và đứng trước nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" gây suy thoái kinh tế nếu Mỹ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ tài chính, trong đó có việc không trả được lương cho các nhân viên liên bang, kéo theo khả năng tăng lãi suất tác động mạnh đến các doanh nghiệp.

Khi đó, chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm chi tiêu trong khoảng thời gian dài và tâm lý kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bế tắc này và tình trạng bất ổn kéo theo trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên trên 8%, tức sẽ có 7,5-8 triệu việc làm bị mất đi.

Thế nhưng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ lại giữ quan điểm cứng rắn về các điều khoản để nhất trí về việc nâng mức trần nợ. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công.

Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid - chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.

Trong một đề xuất tại cuộc đàm phán về trần nợ công, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nêu phương án đóng băng chi tiêu của chính phủ ở mức hiện tại nhằm giúp giảm 1.000 tỷ USD thâm hụt.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà cho biết kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng vốn cam kết giảm thâm hụt 3.000 tỷ USD trong 10 năm và các biện pháp mới mà Tổng thống Biden đề xuất sẽ giúp nâng mức giảm này.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thì tuyên bố phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế như đề xuất của chính quyền Tổng thống Biden.

Đảng Cộng hòa khẳng định kế hoạch chi tiêu của họ sẽ cắt giảm thâm hụt 4.800 tỷ USD trong 10 năm, nhưng Nhà Trắng phản đối và cho rằng kế hoạch này sẽ khiến lợi ích đối với các tầng lớp giàu-nghèo càng mất cân bằng.

Nhiều cuộc thương lượng căng thẳng đã diễn ra và với việc Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với số ghế 222/213, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với số ghế 51/49 thì khoảng cách mong manh này đồng nghĩa để được thông qua, dự luật trần nợ công cần nhận được sự ủng hộ của những nghị sĩ có quan điểm ôn hòa từ cả hai phía.

Nhưng cuối cùng thì sau nhiều tuần nỗ lực đàm phán, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Ngày 31/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về trần nợ công với các nội dung được Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nhất trí trước đó.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Tối 1/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Đến ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật về trần nợ.

Cụ thể, Tổng thống Biden đã ký ban hành "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023" đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn.

Luật về trần nợ công được ký ban hành trước ngày 5/6 là tin tốt lành đối với người dân và nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự luật này loại bỏ mối đe dọa vỡ nợ mà có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.

Luật về trần nợ công được ban hành sẽ bảo vệ các chương trình thiết yếu cho người dân Mỹ, bảo vệ thành quả kinh tế đã đạt được trong 2 năm qua sau tác động từ đại dịch COVID-19 cũng như tránh nguy cơ một cuộc suy thoái, làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trên bình diện toàn cầu, luật trần nợ công của Mỹ cũng tránh được hiệu ứng domino đối với kinh tế thế giới, tránh làm rối loạn các thị trường toàn cầu bởi hệ thống tài chính của Mỹ là nền tảng của hệ thống kinh tế toàn cầu./.

Thanh Lâm (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/luat-tran-no-cong-da-giup-nuoc-my-tranh-duoc-tham-hoa-vo-no/293595.html