Luật tiếp cận thông tin: Hiện thực 'quyền được biết' của người dân

Luật tiếp cận thông tin sau khoảng 10 năm kể từ khi khởi động, sau 26 tháng kể từ khi được Quốc hội thông qua (19/4/2016) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Đây là một đạo luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013- đó là “quyền được biết” của công dân, là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việt Nam là nước thứ 122 trên thế giới ban hành Luật Tiếp cận thông tin.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều phải công khai. (Hình minh họa)

Có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin

Tuy ra đời muộn hơn so với nhiều nước nhưng Quốc hội Việt Nam rất coi trọng Luật Tiếp cận thông tin và có yêu cầu tương đối cao trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

Ví dụ như thời hạn chính quyền phải cung cấp thông tin cho người dân, ở Pháp là 1 tháng (nước có Luật tiếp cận thông tin cách đây 40 năm), còn ở Việt Nam, thời hạn này từ 5-15 ngày.

Theo nguyên tắc (quy định tại Điều 3) của Luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Trước đây, quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng được quy định trong một số điều luật nhưng không đầy đủ, không đồng bộ, toàn diện và hệ thống. Còn trong Luật Tiếp cận thông tin, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, đòi được biết thông tin.

Danh mục thông tin phải công khai

Điều 5, Điều 8, Điều 9 của Luật quy định, trừ thông tin không được tiếp cận, chủ yếu là các thông tin thuộc bí mật nhà nước chưa được giải mật (quy định tại Điều 6); thông tin tiếp cận có điều kiện (quy định tại Điều 7) thì công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ những trường hợp quy định tại Điều 6, Điều 7.

Điều 17 quy định các thông tin phải được công khai rộng rãi gồm: a) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

b) Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; c) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;

d) Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan nhà nước;

đ) Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước; e) Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ;

g) Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;

h) Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;

i) Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;

k) Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;

l) Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

m) Danh mục thông tin phải công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật này; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;

n) Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng; o) Thông tin về thuế, phí, lệ phí; p) Thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật.

Ngoài thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Hà Thanh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/luat-tiep-can-thong-tin-hien-thuc-quyen-duoc-biet-cua-nguoi-dan-d72263.html