Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Đại biểu kiến nghị cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp Nhà nước

Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu rà soát, xây dựng các quy định để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, tránh chồng chéo, trùng lặp với hệ thống pháp luật về lao động.

Tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật, tuy nhiên các ý kiến đại biểu cho rằng việc mở rộng chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước. Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh là các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là quá rộng và khó thực hiện được trong thực tế.

Bà CHAMALEÁ THỊ THỦY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận:"Quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như trong dự thảo luật là chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài nhà nước trong quá trình thực hiện vừa không đúng bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ví dụ, tại điểm a khoản 1 Điều 45 dự thảo quy định về những nội dung người sử dụng lao động phải công khai là tình hình sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong thực tế tình hình này đôi lúc cũng cần phải giữ kín nếu doanh nghiệp tạm thời có khó khăn gì đó, nếu cứ bắt buộc phải công khai thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động cũng như sẽ ảnh hưởng đến uy tín thị trường của doanh nghiệp đó, vô hình chung lại gây khó khăn cho doanh nghiệp."

Ông TRẦN QUỐC QUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: "Tôi thống nhất với dự thảo và đề nghị trong dự thảo luật có một số nội dung quy định về đặc thù đối với doanh nghiệp Nhà nước, vì doanh nghiệp Nhà nước là một tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của Nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý, kiểm soát về sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có.

Về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trong khu vực doanh nghiệp, đại biểu Trần Nhật Minh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng không nhất thiết phải quy định đầy đủ những loại hình phường, xã, thị trấn hay cơ quan, đơn vị.

Ông TRẦN NHẬT MINH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: “Các quy định quyền của người lao động về dân chủ cần nghiên cứu thiết kế theo hướng hạn chế hơn, có tính khả thi, thực chất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động cần được pháp luật bảo vệ, có thể được thực hiện thông qua cơ chế dân chủ đại diện hoặc dân chủ trực tiếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định về hình thức người lao động kiểm tra ở Điều 54 theo tôi là chưa khả thi, nếu có thì mang yếu tố tranh chấp lao động hơn là việc thực hiện dân chủ. ”

Nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp không phải là vấn đề mới, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: thực chất nội dung này không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng và xung đột các bộ luật liên quan, không mâu thuẫn các điều ước quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia và bảo đảm được mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng phát triển. Nếu doanh nghiệp làm tốt biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.

Thực hiện : Thùy Linh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-dai-bieu-kien-nghi-co-che-dac-thu-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc