Luật Thư viện: Thúc đẩy văn hóa đọc trong tương lai

Ngày nay, khi văn hóa đọc đang bị cạnh tranh và có phần lép vế trước các sản phẩm văn hóa nghe nhìn và các hình thức giải trí khác, hệ thống thư viện phải thực sự chuyển mình đổi mới để thu hút người sử dụng tìm đến. Dự thảo Luật Thư viện của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) mới đây đã có những điều khoản đáng chú ý để nâng cao vị trí thư viện là 'nhạc trưởng' cùng các ngành liên quan và toàn xã hội nâng cao văn hóa đọc.

Pháp lệnh Thư viện có hiệu lực thi hành từ năm 2001 đã mở ra thời kỳ phát triển mới của thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) - Phó trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật Thư viện, sau 17 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Quy định về chính sách của Nhà nước đối với thư viện còn chung chung; chưa đưa ra chính sách tập trung phát triển loại thư viện cần được ưu tiên đầu tư như thư viện công cộng - một thiết chế rất cần thiết phục vụ cho việc học tập suốt đời, liên tục của người dân, hoặc thư viện trong các trường phổ thông nhằm xây dựng, hình thành thói quen đọc cho trẻ em ngay từ lúc biết đọc, biết viết...

Thư viện Hà Nội luôn đông người đọc. Ảnh Bảo Thoa

Hai chức năng cơ bản lâu nay của thư viện là lưu trữ, cung cấp thông tin, tư liệu và tổ chức hướng dẫn, thúc đẩy văn hóa đọc cho nhân dân. Hệ thống thư viện công lập và một số thư viện tư nhân cơ bản đã hoàn thành tốt chức năng thứ nhất, riêng với chức năng thứ hai thì chưa có nhiều chuyển động tích cực.

Đây là một trong những nguyên nhân để lý giải vì sao Nhà nước đã cố gắng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, vốn tài liệu cho ngành thư viện nhưng hiệu quả chưa tương xứng, chưa đạt mục tiêu nâng cao dân trí, việc đọc sách và tra cứu thông tin chưa trở thành nếp sống đẹp, thời lượng dành cho đọc sách của người dân Việt Nam rất thấp (không đến 10 giờ/tuần) so với các nước trong khu vực.

Dự thảo Luật Thư viện đã có những điều khoản đáng chú ý để nâng cao vị trí thư viện là “nhạc trưởng” cùng các ngành liên quan và toàn xã hội nâng cao văn hóa đọc. Theo đó, Dự thảo đã có nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá, đó là: Chú trọng quan tâm đến các dạng tài liệu điện tử; cho phép thành lập thư viện tư nhân; tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được phép thành lập thư viện; đánh giá hiệu quả hoạt động làm căn cứ để đầu tư, hỗ trợ kinh phí…

Bên cạnh đó, đổi mới quản lý, phương thức hoạt động nhằm phát huy hiệu quả của mạng lưới thư viện theo hướng đảm bảo tính minh bạch, cơ chế xử lý toàn diện đối với thư viện và bảo vệ vốn tài liệu thư viện thông qua các điều kiện thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện. Mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công của thư viện…

Tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng Luật và đề xuất những điểm mới này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, Dự Luật cần tiếp tục làm rõ các vấn đề như cơ chế, chính sách cho hoạt động thư viện để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: “Dự thảo Luật Thư viện có 6 chương 52 điều nhằm tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và xã hội đối với một thiết chế văn hóa đặc thù không thể thiếu. Luật Thư viện cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng các thế hệ bạn đọc tương lai, để việc đọc sách, báo trở thành một phong trào trong xã hội”.

Sáng ngày 08/11, tại Hà Nội, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo tiến độ triển khai xây dựng Dự án Luật Thư viện, buổi họp nằm trong khuôn khổ các hoạt động liên quan tới xây dựng và góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thư viện trước khi ban hành.

Sau khi đăng tải công khai lấy ý kiến đóng góp Dự thảo, tính đến thời điểm này Vụ Thư viện đã tiếp nhận được hơn 70 ý kiến góp ý (trong đó có 24 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Trong đó có 11 ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 07 ý kiến của các đơn vị trực thuộc Bộ; 46/63 tỉnh thành có ý kiến gửi về; 03 Thư viện Bộ, ngành; 03 Thư viện Đại học; 01 cơ sở đào tạo nghề Thư viện; và các Hội cũng đã có ý kiến gửi về.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong thời gian tới Vụ Thư viện sẽ tiếp tục tiếp thu và giải trình ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, trên cơ sở đó hoàn thiện Dự thảo lần 3 Luật Thư viện và Hồ sơ xây dựng Luật. Cùng đó sẽ tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Dự kiến, cuối tháng 11/2018 sẽ tổ chức tọa đàm và mời các chuyên gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật trước khi gửi Hồ sơ sang Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội.

Ghi nhận kết quả Vụ Thư viện báo cáo thực hiện được trong thời gian qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã có những hướng dẫn và chỉ đạo làm rõ hơn về nội dung, điều khoản trong Dự thảo. Đồng thời Thứ trưởng cũng đã góp ý để trong thời gian tới, khi Vụ Thư viện tổ chức Hội thảo, tọa đàm và mời các chuyên gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thư viện có chất lượng

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luat-thu-vien-thuc-day-van-hoa-doc-trong-tuong-lai-82848.html