Luật Thư viện: Động lực để thư viện phát triển

Luật Thư viện được Quốc hội ban hành vào tháng 11-2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Với những quy định rất mới, phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, đây là hành lang pháp lý để hoạt động thư viện phát triển toàn diện, bền vững trong thời kỳ kỷ nguyên số…

Nhiều điểm mới sát thực tế

Đối với những người làm công tác thư viện, Luật Thư viện không đơn thuần là một văn bản luật, mà còn chứa đựng bên trong những kỳ vọng, cũng như niềm tin, lòng tự hào với công việc lặng thầm truyền bá tri thức tới người dân. “Đến nay, tôi đã có 25 năm gắn bó với công tác thư viện nên cũng cảm nhận được hết những khó khăn, vất vả của nghề. Trước đây, hoạt động thư viện thực hiện theo Pháp lệnh Thư viện nên có nhiều hạn chế. Với những điểm mới, Luật Thư viện sẽ khắc phục được những hạn chế trước đây và bắt kịp với xu hướng vận động của thư viện hiện tại và tương lai”, bà Phan Thị Kim Hạnh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết.

 Độc giả đọc sách ở Thư viện tỉnh.

Độc giả đọc sách ở Thư viện tỉnh.

Có thể thấy, Luật Thư viện có nhiều điểm mới rất sát thực tế công tác thư viện như: Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện; định kỳ đánh giá hoạt động thư viện… Theo một số người làm công tác thư viện ở Khánh Hòa, những quy định cụ thể với các tiêu chuẩn rõ ràng chính là định hướng cho sự phát triển hoạt động thư viện thời gian tới. Bên cạnh đó, luật còn yêu cầu các thư viện và những người làm công tác thư viện phải luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng hoạt động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Không chỉ những người làm công tác thư viện, nhiều độc giả cũng dành sự quan tâm đến Luật Thư viện. Bởi đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực thư viện nói riêng và văn hóa đọc nói chung. “Qua tìm hiểu, tôi thấy Luật Thư viện đã quy định đầy đủ, chi tiết các nội dung, thể hiện sự quan tâm đến tất cả các đối tượng độc giả, lấy độc giả làm trung tâm cho sự phát triển của thư viện. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về việc đọc sách, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau”, cô Nguyễn Phương Thúy - giáo viên một trường tiểu học ở Nha Trang cho biết.

Hướng tới xây dựng hệ thống thư viện hiện đại

Theo ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh, để nắm rõ và triển khai thực hiện đúng quy định, Thư viện tỉnh đã đăng ký tham gia lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thư viện do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức. Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tập trung tham mưu với lãnh đạo các cấp đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, hiện đại hóa thư viện; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số về địa phương; phổ biến tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường việc thực hiện liên thông với hệ thống thư viện trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để cung cấp, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thư viện; phát triển văn hóa đọc, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí... Hiện tại, Thư viện tỉnh triển khai thực hiện Thông tư số 01 (Quy định các mẫu văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện) và Thông tư số 02 (Quy định về bảo quản, thanh lọc tài nguyên thông tin và tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện) của Bộ VH-TT-DL nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật Thư viện.

Mới đây, trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, Luật Thư viện thực sự là nguồn động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thư viện. Đây không chỉ là sự cổ vũ tinh thần cho những người làm công tác thư viện, mà còn hướng tới việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, cung cấp đa dạng dịch vụ với những tiện ích cho độc giả. Từ đó, góp phần đưa văn hóa đọc phát triển sâu rộng hơn.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202007/luat-thu-vien-dong-luc-de-thu-vien-phat-trien-8172086/