Luật Thủ đô 2024: 'cơ hội vàng' giúp Hà Nội thực hiện chuyển đổi số

'Luật Thủ đô là 'cơ hội vàng', giúp Hà Nội có quyền tự chủ. Tôi mong muốn Hà Nội tạo ra cơ chế để thực hiện chuyển đổi số...' - TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ.

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ, Luật Thủ đô 2024 rất quan trọng với TP Hà Nội, giúp Hà Nội phát triển bứt phá nhanh hơn trong chuyển đổi số như: xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi số của Hà Nội nhanh hơn; sử dụng tài sản công để ứng dụng công nghệ tiến tới TP thông minh.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. Ảnh: Lại Tấn

TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. Ảnh: Lại Tấn

Để hướng tới mục tiêu đó phải xác định chuyển đổi số là lĩnh vực cần đẩy mạnh trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Nội thúc đẩy quá trình xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh trong thời gian tới.

Luật Thủ đô có mục tiêu, định hướng rõ ràng, sẽ xây dựng TP Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thì không đơn giản.

Luật Thủ đô là “cơ hội vàng”, giúp Hà Nội có quyền tự chủ, vấn đề là xây dựng kế hoạch phát triển như thế nào?

“Tôi mong muốn Hà Nội tạo ra cơ chế để thực hiện chuyển đổi số, đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, rà soát hiện trạng - nhìn lại chúng ta đã làm được gì để điều chỉnh, khắc phục cho lộ trình mới” - TS Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Xây dựng hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô với những nội dung cụ thể

Trong quá trình triển khai Luật Thủ đô 2024, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, TS Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đối với Hà Nội, để thể chế hóa các văn bản, cần xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể, chi tiết - đây là điều quan trọng giống như khi xây dựng ngôi nhà chúng ta phải có thiết kế không gian sử dụng.

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phải xây dựng được hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô với những nội dung cụ thể cũng như có thiết kế tổng thể ban đầu cho chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Hiện chúng ta chưa có thiết kế này. Việc quy hoạch không đơn thuần là xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số mà phải chi tiết từ cơ sở dữ liệu, tin học, số hóa, chuyển đổi số.

Thứ hai, phải chuẩn bị nguồn lực, một số người chỉ giỏi ở một só lĩnh vực nên phải có chi tiết thiết kế cho từng lĩnh vực ngành, từ nông nghiệp đến văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

Thứ ba, phải quan tâm tới nguồn vốn ngân sách, phải có con số cụ thể và phân bố chi tiết cho từng ngành nghề. Ví dụ, hạ tầng phải có thiết kế, khi đã có thiết kế tổng thể thì quản lý được một cách đồng bộ trên phạm vi rộng.

Thứ tư, liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin. Hiện bắt đầu xuất hiện hacker tấn công hệ thống thông tin, vì thế phải xây dựng, cụ thể hóa, chi tiết kế hoạch bảo mật, an toàn thông tin. Bất kỳ sở, ban, ngành nào cũng phải xây dựng đồng bộ kế hoạch để liên thông, chia sẻ thông tin và quản lý được một cách tổng thể trên toàn thành phố.

Ngoài ra, để thể chế hóa Luật Thủ đô, phải xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, cần có chính sách để có quy định cụ thể cho hạ tầng internet vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng đến hệ thống dịch vụ công. Hạ tầng tốt thì đáp ứng tốt tiến độ thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn...

“Cùng đó, phải có chính sách cụ thể để hành chính công, doanh nghiệp, người dân vui vẻ, tự nguyện thực hiện chuyển đổi số, có như vậy mới tận dụng được lợi thế khi có Luật Thủ đô, quyết định sự thành công của nền hành chính công” - TS Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Hà Nội cần có cơ chế sử dụng, đào tạo nhân tài, phải có định hướng phục vụ chung cho chuyển đổi số. Đồng thời, cần bố trí nguồn vốn, ví dụ xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu cũng cần nguồn vốn lớn. Khi có nguồn vốn thì một phần phục vụ hành chính công, một phần phải ưu tiên doanh nghiệp bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phát triển ứng dụng số nhưng họ không có nguồn vốn, không có chính sách hỗ trợ về vốn... Ngoài ra, cần phải làm triệt để tất cả những nội dung nêu trên nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-2024-co-hoi-vang-giup-ha-noi-thuc-hien-chuyen-doi-so.html