Luật thiếu ổn định, cứ vướng lại sửa

Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục phiên họp thứ 27, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu thảo luận

Có bộ, ngành chưa quan tâm thể chế

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, trong 5 năm kể từ khi Hiến pháp được ban hành, số lượng luật được ban hành cũng khá lớn. Song bên cạnh đó, còn một số văn bản khá quan trọng vẫn chưa được ban hành. Bà Nga cũng nêu thực tế có những bộ, ngành thiếu chủ động khi thực hiện thi hành Hiến pháp và các bộ luật có liên quan đến Hiến pháp, kéo theo các luật khác phải sửa đổi.

Đề cập đến hàng nghìn văn bản ban hành trái pháp luật, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong việc xử lý đã ban hành văn bản mới để sửa, nhưng đánh giá hậu quả của việc thi hành văn bản trái pháp luật và xem xét trách nhiệm của việc ban hành chưa làm nghiêm minh. Vì thế, tới đây sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp đưa vào báo cáo kiến nghị cử tri nêu địa chỉ những nơi ban hành nhiều văn bản trái luật.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Quốc hội nên có Nghị quyết bắt buộc khi luật đã có hiệu lực thì tất cả các văn bản hướng dẫn kèm theo phải có luôn, vì trước đây có tình trạng luật có nhưng văn bản hướng dẫn, có khi vài năm sau mới có.

Đánh giá về chất lượng các văn bản, bà Nga nhắc lại việc Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật năm 2017, trong đó, có văn bản trái về thẩm quyền, trái về nội dung hoặc thủ tục. Theo bà Nga, báo cáo đánh giá tác động sơ sài, hình thức, chất lượng có vấn đề. Vấn đề quy trình, thủ tục quyết định nội dung chất lượng văn bản, việc này làm cho chính sách khi đưa sang thì các Ủy ban của Quốc hội phải “vật vã”, một số chính sách làm đánh giá tác động cho có nên khi đưa ra thảo luận thì “vỡ trận”.

Cá biệt, có một số bộ, ngành chưa quan tâm đến công tác thể chế. “Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng, Thứ trưởng ủy quyền cho Vụ trưởng, sau này để lại cho chúng tôi chỉ một vài chuyên viên tham gia làm cùng”, bà Nga nói và cho biết, có những lúc cảm giác một vài chính sách chỉ là ý tưởng của một số chuyên viên chưa được thẩm định kỹ, chất lượng một số chính sách không đảm bảo nên khi đưa sang các cơ quan của Quốc hội rất bất cập. Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chia sẻ băn khoăn khi hệ thống pháp luật chúng ta thiếu ổn định, ảnh hưởng nhiều đến chính sách cũng như tâm lý của các nhà đầu tư. “Bây giờ có tâm lý là các bộ, ngành làm cái gì động vướng là đề nghị sửa luật ngay và chúng ta cũng dễ dàng cho sửa luật”, bà Nga góp ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề cập đến vấn đề bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. “Hệ thống pháp luật đã được sửa đổi thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhưng chúng ta cũng rất lo sự phá vỡ của một số luật, dẫn tới tính thống nhất không bảo đảm”, ông Hiển nói.

Ông đánh giá, thực ra hệ thống pháp luật chúng ta khá đầy đủ, toàn diện nhưng quan trọng nhất là tổ chức thực hiện chưa tốt nên “cứ vướng lại sửa”. Trong khi đó, nhiều khi vướng là do tổ chức thực hiện chứ không phải do luật không hoàn thiện, không hợp lý. Nhắc tình trạng nhiều luật tồn tại không quá 5 năm dù “không có vấn đề gì lắm”, ông Hiển cho rằng, chỉ nên sửa những gì thực sự cần thiết, chín muồi, còn nếu cứ chạy theo số lượng thì sẽ không bảo đảm.

Dấu vết nhiệm kỳ, “tân quan - tân chính sách”

Đó là thực trạng được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề cập đến.

Ông Giàu băn khoăn: “Vì sao chúng ta đánh giá nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở mức cao, mà chúng ta cứ sửa đi sửa lại luật? Mà sửa luật thì càng ngày càng mang tính văn tự nhiều”. Qua nghiên cứu, ông Giàu cũng đưa ra nhận định có vẻ việc xây dựng luật ở nước ta rơi vào tình trạng “tân quan, tân chính sách” là có thật. Bên cạnh đó, còn có dấu vết của nhiệm kỳ. Đặc biệt, ông cũng lưu ý tới “kinh phí làm luật”: “Ngày trước tôi ở Ủy ban Kinh tế, thu nhập có tốt hơn rất nhiều hiện nay, bởi vì bên đây (Ủy ban Đối ngoại - PV) không làm luật”, ông Giàu nói và nhắc thực tế một số đạo luật chỉ cần sửa vài ba điều nhưng sau một hồi thành vài chục điều, sau lại đề nghị sửa đổi toàn diện...

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho rằng, luật ban hành nhiều nhưng việc triển khai thực hiện, hiệu lực, hiệu quả ra sao mới là điều mà cử tri quan tâm. Ông Học đánh giá, một trong những tồn tại là việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm. Trong báo cáo hàng năm thì điểm yếu này cũng còn nhắc mãi. “Thường vụ Quốc hội có nhiều Nghị quyết rất nghiêm, trong đó có yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nhưng lâu nay ta làm được chưa? Nhiều luật chuẩn bị chưa tốt, thậm chí như ý kiến phát biểu là “dồn” cho cơ quan thẩm tra thì xem xét trách nhiệm Bộ trưởng liên quan thế nào?”, ông Học đặt hàng loạt câu hỏi và cho rằng, nếu siết chặt thì tình hình sẽ tốt hơn.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/luat-thieu-on-dinh-cu-vuong-lai-sua-d271769.html