Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020

Chiều 25-11, với đa số đại biểu tán thành (88,2% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2020.

* Đồng chí Hoàng Thanh Tùng được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức về: Đối tượng là công chức; chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; xếp loại chất lượng cán bộ; phương thức tuyển dụng công chức; tuyển dụng công chức; nâng ngạch công chức; các hình thức kỷ luật đối với công chức...

Đồng thời, luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức về: Các loại hợp đồng làm việc; nội dung đánh giá viên chức...

 Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ảnh: TTXVN.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ảnh: TTXVN.

* Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội cũng thông qua khoản 5 Điều 1 về phương thức tuyển dụng công chức. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn đối tượng nhà khoa học trẻ được ưu tiên trong xét tuyển để bảo đảm tuyển dụng đúng người có tài năng, tạo sự thống nhất trong quá trình tuyển dụng, tránh áp dụng chính sách một cách tùy tiện. Có ý kiến đề nghị thay đổi phương thức tuyển dụng công chức, không thực hiện thi tuyển để hạn chế phát sinh tiêu cực....

Nêu rõ về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức và các luật hiện hành, Chính phủ đã có một số quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; trong đó quy định khái niệm nhà khoa học trẻ tài năng, một số điều kiện để cán bộ khoa học, sinh viên tốt nghiệp đại học được thu hút, ưu tiên trong tuyển dụng công chức. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, xin được chỉnh lý trong dự thảo Luật thành “nhà khoa học trẻ tài năng”, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này trong Nghị định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, quy định về thi tuyển công chức đã có trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành và thực tế phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan thì việc tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển là cần thiết. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển. Quá trình tổ chức thực hiện đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (khoản 2 Điều 1), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi. Bên cạnh đó, phạm vi của Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định về quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đối với “cán bộ, công chức”, nếu quy định về người có tài năng nói chung là không phù hợp.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật để thể hiện chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Đáng chú ý, về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (khoản 18 Điều 1), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, xin được quy định trong Luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Đồng thời, để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, trước ý kiến đề nghị quy định theo hướng chỉ xử lý hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn nhất định đã nghỉ hưu, nghỉ việc mà không áp dụng chung cho tất cả cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ: Việc bổ sung vào Luật Cán bộ, công chức quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức đã nghỉ việc nghỉ hưu là thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Do đó, xin Quốc hội cho thể hiện nội dung này như trong dự thảo Luật.

Toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại đây: luat sdbs luat cccb luat vc 1.doc

* Chiều cùng ngày, với đa số đại biểu tán thành, Phó tổng Thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

Kết quả kiểm phiếu bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy: Có 433/451 đại biểu tán thành (chiếm 89,64% tổng số đại biểu Quốc hội) bầu đồng chí Hoàng Thanh Tùng giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng cũng đã được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIV với 91% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Nghị quyết bầu các chức danh trên cũng đã được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng đồng chí Hoàng Thanh Tùng được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân tặng hoa và chúc mừng đồng chí Hoàng Thanh Tùng được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội mong muốn tân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới mà Đảng, Quốc hội tin tưởng giao phó.

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng sinh năm 1966, quê quán huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV. Hiện đồng chí là đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. Trước khi được bầu, đồng chí Hoàng Thanh Tùng giữ chức vụ Phó tổng Thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-can-bo-cong-chuc-va-luat-vien-chuc-co-hieu-luc-thi-hanh-tu-ngay-1-7-2020-603527