LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT: NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ TRONG QUY TRÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2020) sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật với nhiều nội dung mới hướng đến nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)

Luật năm 2020 đã sửa 06 điều của Luật năm 2015, trong đó bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”.

Quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL

Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật năm 2015 để quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Theo đó, việc phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL và trường hợp dự thảo VBQPPL đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.

Bổ sung hình thức VBQPPL

Luật bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nghị quyết 3 bên). Đồng thời, bổ sung nội dung ban hành nghị quyết liên tịch để hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

Bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cụ thể, Luật năm 2020 bổ sung khoản 8a vào Điều 4 để quy định Tổng Kiểm toán nhà nước là một chủ thể tham gia ban hành thông tư liên tịch. Đồng thời, sửa đổi Điều 25 để bổ sung nội dung ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp thực hiện phòng, chống tham nhũng.

Sửa đổi thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã

Để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật năm 2020 cho phép Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới. Bên cạnh đó, ngoài trường hợp được luật giao”, Luật năm 2020 bổ sung trường hợp “nghị quyết của Quốc hội giao” thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL.

Phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL đối với một số loại VBQPPL

Luật năm 2020 bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung 13 điều để quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị, soạn thảo đối với các loại văn bản này.

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

Nhằm tiếp tục tăng cường trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra dự án, dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật đã bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi văn bản thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh đến Ủy ban pháp luật. Quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra về những nội dung liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Đồng thời để nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, Luật sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật năm 2015, trong đó, bổ sung trách nhiệm của cơ quan trình phải có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bổ sung trách nhiệm cơ quan trình đánh giá tác động của chính sách trong trường hợp đại biểu Quốc hội, Nhân dân đề nghị bổ sung và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bổ sung việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đối với dự án, dự thảo có những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Bổ sung quy định Tổng thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung trách nhiệm phối hợp của Bộ Tư pháp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình và Ủy ban Pháp luật để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn

Một là, Luật đã bổ sung 03 trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn gồm: Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; Ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Hai là, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn quy định tại khoản 1 Điều 146. Đồng thời, Luật quy định văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phải kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Luật bổ sung thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Địa phương được quy định thủ tục hành chính

Luật năm 2020 bổ sung trường hợp cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27. Đồng thời, cho phép sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có quy định thủ tục hành chính ban hành trước ngày 01/7/2016 với điều kiện không làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành VBQPPL

Để khắc phục tình trạng xung đột, mâu thuẫn có thể xảy ra giữa các VBQPPL, Luật năm 2020 bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định: “Trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của VBQPPL do mình đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó”. Bên cạnh đó, khi ban hành VBQPPL, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới đó, thay vì yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay trong văn bản mới như quy định của Luật năm 2015.

Luật cũng bổ sung Báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo vào hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông quay Yêu cầu trong hồ sơ đề nghị phải có “Dự kiến đề cương chi tiết” thay cho “Đề cương”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Chia sẻ tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động như xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL; rà soát các VBQPPL có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành VBQPPL cho người làm công tác xây dựng pháp luật./.

Bảo Yến - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47137