Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công: Chưa vướng mắc sao phải sửa?

Trong phiên thảo luận Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/2, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nên xem xét kĩ tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia để phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Ảnh Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Ảnh Quochoi.vn

Đổi tên gọi thành Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Theo đó, liên quan đến phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, qua giám sát, nghiên cứu các ý kiến đại biểu quốc hội, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương thì vấn đề quan trọng là việc sửa đổi phải tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc, phù hợp với thực tiễn.

Dự án Luật đã sửa nhiều nội dung về khái niệm, giải thích từ ngữ; đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành với số lượng các điều phải sửa đổi, bổ sung, loại bỏ chiếm tỷ lệ khá lớn; sửa đổi, bổ sung các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; điều chỉnh tiêu chí dự án; xem xét, bổ sung quy định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm;…

Theo ông Nguyễn Đức Hải, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc đã và đang phát sinh trên thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi của Luật, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật là “Luật Đầu tư công (sửa đổi)”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng cho biết, một trong số những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật này chính là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C. Theo đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát. Những đại biểu có ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án, nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế…

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định trong luật các nguyên tắc để xác định tổng số vốn phân bổ cho các bộ, địa phương. Đối với địa phương, phải tuân thủ định mức phân bổ do cấp có thẩm quyền ban hành. Đối với các bộ, cơ quan Trung ương, cần dự kiến danh mục cần đầu tư để có căn cứ xác định tổng vốn giao cho từng bộ, cơ quan Trung ương.

Một số ý kiến đề nghị quy định trong luật về tiêu chí lựa chọn dự án, danh mục dự án đầu tư công trung hạn phải dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư dự án; có ý kiến đề nghị tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công;…

Chưa vướng mắc chưa sửa vội

Thảo luận về tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, trong 4 năm qua chỉ có 2 dự án cần Quốc hội thông qua: sân bay Long Thành và cao tốc Bắc – Nam và không có bất cứ một vướng mắc gì. Thực tế cho thấy chưa cần thiết điều chỉnh và quá trình thực hiện vừa qua không phát sinh vướng mắc. Nếu nâng lên như đề xuất thì có lẽ Quốc hội chẳng quyết định dự án nào nữa.

Góp ý với vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nêu thực tế thời gian qua có dấu hiệu một số dự án lúc đầu định đưa ra Quốc hội quyết nhưng sau đó lại chia nhỏ ra để không cần trình Quốc hội quyết. Cùng với đó, xu hướng e ngại các Dự án đưa ra Quốc hội bởi sẽ khó thông qua, vì trình tự, thủ tục phức tạp hơn. Bà Lê Thị Nga đề nghị hết sức cân nhắc vấn đề này, làm rõ căn cứ nào để điều chỉnh tăng từ 10 nghìn tỷ lên 35 nghìn tỷ đồng và cho rằng điều chỉnh tăng lên 35 nghìn tỷ quá lớn, trước mắt nên giữ nguyên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thừa nhận đúng là dự án đầu tư công có mức vốn đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng thời gian qua không nhiều, nhưng để phù hợp xu thế lâu dài thì cũng nên xem xét, cân nhắc quy định này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng mức điều chỉnh tăng lên đến 35 ngàn tỷ đồng (với dự án nhóm A) là cao quá. “Có dự án quyết định gần 1 năm còn chưa triển khai, chưa giao vốn, tiền có mà không chi được, cái đó có phải do Quốc hội hay do luật không, hay do trình tự thủ tục, do trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Vướng mắc ở khâu nào cần phải làm rõ”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề sửa đổi Luật này có giải quyết được những khó khăn, ách tắc của Luật Đầu tư công không? Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế triển khai Luật thời gian qua cho thấy khó khăn chủ yếu rơi vào trình tự, thủ tục, quá trình tổ chức thực hiện, tuy nhiên những vấn đề sửa trong Luật này lại chưa thấy tập trung vào những nội dung này.

Nhấn mạnh sửa đổi Luật này là cần thiết, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần rà soát lại trong hơn 80 điều sửa đổi, cần tập trung vào những nội dung đang vướng mắc, vấn đề nào chưa thực sự cần thiết thì chưa đưa vào. Quan điểm bám sát vào tinh thần Hiến pháp, chỉ đạo của Trung ương trong phân cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, sau 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công đã đến lúc cần phải sửa đổi. Tuy nhiên, phải dựa trên quá trình rà soát khó khăn, thúc đẩy phát triển và hạn chế tối ta việc sửa những điều chưa cần thiết hoặc sửa mà phá vỡ hệ thống pháp luật.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/luat-sua-doi-bo-sung-luat-dau-tu-cong-chua-vuong-mac-sao-phai-sua-99841.html