Luật sư Phạm Công Hùng: Luôn đặt nhiệm vụ 'phụng sự công lý' lên hàng đầu

Nhân dịp ĐH Đoàn LS TP HCM lần thứ VII, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với LS Phạm Công Hùng, GĐ Công ty TNHH MTV Công Hùng và cộng sự- Nguyên Thẩm phán TAND tối cao, đồng thời là thành viên của Đoàn LS TP. HCM, một người đã có thời gian dài gắn bó hoạt động 'tố tụng', với vai trò là Thẩm phán.

Phóng viên: Tại sao ông lại chọn nghề Luật sư (LS) sau khi nghỉ hưu. Điều này có khiến ông cảm thấy lấn cấn khi trước đây mình đã từng là một thẩm phán không, thưa ông?

Phóng viên: Tại sao ông lại chọn nghề Luật sư (LS) sau khi nghỉ hưu. Điều này có khiến ông cảm thấy lấn cấn khi trước đây mình đã từng là một thẩm phán không, thưa ông?

LS Phạm Công Hùng: Tôi không thấy lấn cấn gì hết, vì thực tế trong tố tụng, chúng ta biết Luật sư, Kiểm sát viên và HĐXX đều có chức năng khác nhau. HĐXX thì nhân danh nhà nước, trực tiếp xét xử tại các phiên tòa, ra bản án hoặc các quyết định đối với các bản án. Kiểm sát viên thì giữ quyền công tố, còn LS thì thực hiện chức năng “gỡ tội”, phản biện để làm sáng tỏ sự thật khách quan trong các phiên tòa.

Nói thì rạch ròi như vậy, nhưng tựu chung lại, dù là HĐXX, kiểm sát viên hay LS đều có chung một mục đích là “phụng sự công lý”.

Phóng viên: Theo ông, khi làm LS, ông có khó chịu khi luôn phải kính thưa HĐXX, trong khi trước đó, bản thân lại ở vị trí HĐXX?

LS Phạm Công Hùng: Như tôi đã nói, đích của bất kể thành phần nào trong tố tụng cũng là “phụng sự công lý”. Vì thế, việc tôi được tham gia HĐXX hay với tư cách LS không phải vấn đề.

Khi tham gia các phiên tòa với tư cách LS, ngồi ở HĐXX có khi là những thẩm phán ít tuổi hơn tôi, hay là các học trò của tôi, tôi đều “kính thưa HĐXX…” một cách đúng quy định và đúng lòng mình, vì khi đó, HĐXX là nhân danh nhà nước để xét xử, chứ không phải nhân danh cá nhân họ. Tôi “thưa HĐXX…” là theo quy định và với một chủ thể được pháp luật trao quyền nhân danh nhà nước.

Ngay cả tôi khi còn là thẩm phán, ngồi ở HĐXX, lắng nghe các LS và kiểm sát viên, bị cáo “kính thưa HĐXX…” thì tôi cũng ý thức rằng: họ đang “kính thưa…” một chủ thể được nhà nước trao quyền chứ không phải “kính thưa” cá nhân tôi với tư cách là thẩm phán chủ tọa.

Phóng viên: Thời gia hành nghề mới chỉ vỏn vẹn được 5 năm, ông có nghĩ mình là một “LS trẻ” không?

LS Phạm Công Hùng: Tôi quan niệm rằng, chừng nào còn có thể cống hiến, phục vụ lợi ích chung bằng khả năng của mình thì tôi còn cố gắng.

Sự thật là quyết định làm LS của tôi cũng nhẹ nhàng, không có gì khó khăn hay phải suy nghĩ nhiều. Đơn giản bởi vì trong quá trình làm thẩm phán, tôi nhận thấy chỉ khi nào người dân tiếp cận được công lý thì khi đó xã hội mới an toàn, kinh tế mới phát triển bền vững.

Giúp người dân hoặc những người không may vướng vào “lao lý” có thể là một sứ mạng, một “cái nghiệp” đã đeo đuổi tôi từ lâu.

Phóng viên: Thật ra, nghĩ tới luật sư, công chúng hay nghĩ tới việc tranh tụng tại các phiên tòa. Ông nghĩ sao?

LS Phạm Công Hùng: Thì đó là hình ảnh tiêu biểu của nghề luật sư. Còn thực tế, với các chính sách đã có của Đảng, Nhà nước về tư pháp và chế định bổ trợ tư pháp, tôi nghĩ nhiều lĩnh vực LS đã có đóng góp đáng kể.

Mỗi vụ án, mỗi tranh chấp… nếu vai trò của LS là thúc đẩy công lý, thậm chí là hòa giải, được thực hiện thành công, thì khi đó, đóng góp của LS vào trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng… còn lớn hơn những con số chúng ta đã được nghe qua các báo cáo.

Phóng viên: Từ thẩm phán TAND Tối cao trở thành LS ở một thành phố sôi động nhất nước, ông thấy mình có chịu nhiều sức ép không?

LS Phạm Công Hùng: Bạn biết đấy, tại TP HCM có tới gần 1.500 tổ chức hành nghề LS với nhiều loại hình. Hơn 5.654 LS hoạt động trên các lĩnh vực. Tôi ý thức rằng: khi hàng nghìn LS tại thành phố này cung cấp được dịch vụ pháp lý tốt, tin cậy… thì chính là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của cá nhân, cơ quan, tổ chức… và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Tôi nghĩ mình cần phải góp phần vào công cuộc ấy, nên sức ép cũng không hẳn là vấn đề. Nếu có một sức ép nào đó, thì chính là đòi hỏi về việc một LS như tôi phải có đóng góp đáng kể hơn đối với các đồng nghiệp hiện nay, đối với Đoàn LS TP. HCM và cách chung đối với nhiệm vụ “phụng sự công lý” mà tôi đã đề cập ngay từ đầu.

Phóng viên: Ông trăn trở điều gì về nghề, về cộng sự hay về các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Đoàn LS TP HCM, thưa ông?

LS Phạm Công Hùng: Có một từ thời thượng mà chúng ta được nghe nhiều trong những năm qua, đó là “khởi nghiệp”. Tôi nghĩ “khởi nghiệp” đối với nghề LS cũng đang gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các LS trẻ, trong khi họ chính là đội ngũ bổ sung cho lực lượng LS theo nguyên lý “tre già măng mọc”.

Tôi trăn trở thì nhiều, nhưng điều làm tôi trăn trở nhất khi nhìn thấy số lượng các LS bị xóa tên vì nợ phí LS cứ tăng dần lên theo mỗi năm. Năm 2016, Đoàn LS TP HCM có 56 người bị xóa tên, đến năm 2018 thì lại có thêm 320 LS nữa bị xóa tên cũng vì lý do nợ phí luật sư.

Đương nhiên, có thể có nhiều lý do khiến một LS nợ phí, nhưng với các LS trẻ, tôi tin phần lớn là do bước đường “khởi nghiệp” còn khó khăn.

Phóng viên: Vậy phải chăng đây là một thực tế mà Đoàn LS TP HCM cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn để có giải pháp?

LS Phạm Công Hùng: Tôi nghĩ cần phải có một chính sách hỗ trợ cho các LS trẻ khởi nghiệp theo hướng: giao cho Ban chủ nhiệm Đoàn LS Tp. Hồ Chí Minh thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho các LS trẻ bằng cách vận động sự đóng góp của các tổ chức hành nghề LS và các cá nhân LS có điều kiện.

Theo đó, trước mắt hỗ trợ cho các LS trẻ có hoàn cảnh khó khăn khoản phí thành viên, để họ có điều kiện tiếp tục ở lại đội ngũ LS trong giai đoạn khởi nghiệp, giúp họ phấn đấu, tu nghiệp chuyên môn, trở thành LS thành đạt trong tương lai.

Nếu làm được như vậy, tôi tin Đoàn LS TP HCM sẽ tiếp tục duy trì là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mạnh, có uy tín và phát triển bền vững trong cả nước.

.Xin cảm ơn Luật sư!

Nam Dương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/luat-su-pham-cong-hung-luon-dat-nhiem-vu-phung-su-cong-ly-len-hang-dau-59246.html