Luật sư nói gì về vụ 'ảnh nóng' của khách trong rạp chiếu phim bị tung lên mạng

Vừa qua trên mạng xã hội xôn xao trước vụ việc, một nhân viên thuộc cụm rạp CGV chụp lại màn hình camera giám sát trong cụm rạp với hình ảnh cặp đôi nam nữ thân mật quá đà rồi tung lên mạng.

Phía CGV cho biết đã đình chỉ công tác tạm thời nhân viên này và sẽ tổ chức cuộc họp để đưa ra biện pháp xử lý cụ thể.

Việc rò rỉ "ảnh nóng" của khách xem phim ở cụm rạp CGV gây ra cuộc tranh cãi trái chiều từ cộng đồng mạng, mỗi người một ý kiến khác nhau. Tuy nhiên vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng, cả về mặt đạo đức, pháp lý là việc làm cần thiết của các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh hoạt động giải trí dịch vụ...

Hình ảnh cảnh nóng của khách hàng được nhân viên CGV chụp màn hình camera giám sát phát tán lên mạng xã hội

Trước vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã cho biết vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau:

“Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”

Điều 38 BLDS 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khoản 2 Điều 46 Luật GDĐT quy định:“Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo quan điểm của luật sư, “bí mật đời tư” là những chuyện kín đáo, chuyện muốn che giấu, không muốn ai biết. Như vậy, “bí mật đời tư” là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó.

Như vậy, trong vụ việc nhân viên trong rạp chiếu phim CGV đã chụp lại hình ảnh của khách và cho người thân xem. Sau đó, người thân của nhân viên đã đăng tải trên mạng xã hội đã xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác, khi chưa được sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra, người chụp lại hình ảnh “nhạy cảm” của người khác và đưa cho người thân quen sử dụng đưa lên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật "Người nào phát tán các thông tin về đời tư cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý của họ hoặc pháp luật không cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 2 điều 64 Nghị định 174/2013.

Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” Trường hợp các hình ảnh “nhạy cảm” của khách được các cơ quan chuyên môn giám định là thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy thì những người làm ra và đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích phổ biến cho người khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

Kỳ Phong

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/luat-su-noi-gi-ve-vu-anh-nong-cua-khach-trong-rap-chieu-phim-bi-tung-len-mang-119641.html