Luật sư nói gì về việc VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ để xảy ra sai sót?

Theo LS Nguyễn Thụy Lệ Diễm, cần xem xét trách nhiệm của VPCC cũng như cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý khi VPCC để xảy ra sai sót.

Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin thì bà Hoàng Thị Thùy Trang (ngụ TP HCM) có tới Văn phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ có tên cũ là Văn phòng công chứng Quận 6 (gọi tắt là VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ) tại Quận 6, TP HCM để công chứng hợp đồng mua bán đất nhưng sau công chứng xong trả tiền mua đất thì bị Tòa xử tuyên các hợp đồng công chứng tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ vô hiệu không có giá trị.

Văn phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ.

Văn phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ.

Để tìm hiểu về trách nhiệm của VPCC trong việc sai sót dẫn đến các hợp đồng công chứng bị vô hiệu ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thụy Lệ Diễm - Đoàn Luật sư TP HCM.

Theo LS Diễm, căn cứ theo hồ sơ vụ việc trên, trước tiên VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ phải có trách nhiệm bồi thường cho cho bà Hoàng Thị Thùy Trang là người bị thiệt hại trực tiếp trong vụ án này theo điều 38 luật công chứng 2014.

Điều 38, Luật công chứng 2014 quy định về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng cụ thể như sau:

Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, bà Hoàng thị Thùy Trang có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho mình.

Cũng theo LS Diễm thì cơ quan chức năng (cụ thể là Sở Tư pháp TP.HCM) cần phải vào cuộc kiểm tra, xem xét quy trình công chứng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ và Công chứng viên khi “không phát hiện” những người đi công chứng và giấy tờ công chứng là giả mạo dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ tài sản.

Theo đó, căn cứ vào mức độ vi phạm có thể bị áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 67/2015/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 360 bộ luật hình sự 2017 đã được sửa đổi bổ sung.

LS Diễm còn cho rằng, thực tế hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức và góp phần bảo đảm tính pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch, tại TP HCM ngày càng có nhiều văn phòng công chứng được thành lập. Để hạn chế sai sót, Sở Tư pháp TP HCM cần tăng cường thắt chặt quản lý, chấn chỉnh các tổ chức hành nghề xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Như trước đó Pháp luật Plus đã thông tin, ngày 1/4/2016 bà Trang có tới VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ để công chứng hợp đồng mua bán đất với bà Hồ Thị Sáu.

Sau khi hoàn tất thủ tục tại VPCC, bà Trang đến UBND huyện Bình Chánh để sang tên phần đất trên thì mới phát hiện chủ đất không hề ký bất cứ hợp đồng ủy quyền nào để thực hiện sang nhượng quyền sử dụng đất.

Nhận thấy có dấu hiệu sai phạm tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ các bên đã làm đơn khởi kiện vụ việc ra Tòa để được xem xét giải quyết.

Sau đó, TAND quận 6, TP HCM đã tuyên vô hiệu đối với 2 hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hồ Thị Sáu với bà Hoàng Thị Thùy Trang. Cả 2 hợp đồng này đều được công chứng tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ.

Ngọc Hiếu - Khánh Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/luat-su-noi-gi-ve-viec-vpcc-nguyen-nguyet-hue-de-xay-ra-sai-sot-d135002.html