Luật sư lý giải lý do hoãn phiên tòa gia đình chịu án oan 28 năm

Sau buổi tổ chức công khai xin lỗi ngày 24/10/2017, hai lần hòa giải, nhưng đều không tìm được tiếng nói chung về con số bồi thường.

Sáng 17/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cho 28 năm mang nỗi oan giết chồng, giết cha của gia đình bà Đặng Thị Nga, trú tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Sau 5 lần thương lượng bất thành, cực chẳng đã, gia đình phải làm đơn kiện Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên.

Kiện tòa sau gần 3 năm vẫn chưa nhận được bồi thường

Nguyên đơn trong vụ kiện này là bà Đặng Thị Nga (81 tuổi) và con trai Trịnh Huy Dương (50 tuổi) trú tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - là hai trong số ba mẹ con mang nỗi oan giết chồng, giết cha suốt 28 năm. Do sức khỏe yếu, bà Nga không thể tham dự phiên xử này, nên ủy quyền cho luật sư tham gia tranh tụng với sự có mặt của con trai Trịnh Huy Dương. Về phía bị đơn chính là Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, do ông Lương Tiến Phương, Phó Chánh án đại diện theo ủy quyền.

Sau gần 3 năm được tổ chức công khai xin lỗi, đến nay cực chẳng đã gia đình bà Nga lại phải tiếp tục đâm đơn kiện để tìm lại quyền lợi cho gia đình.

Sau gần 3 năm được tổ chức công khai xin lỗi, đến nay cực chẳng đã gia đình bà Nga lại phải tiếp tục đâm đơn kiện để tìm lại quyền lợi cho gia đình.

Từ sau buổi tổ chức công khai xin lỗi tại huyện Tuần Giáo vào ngày 24/10/2017 đến nay, gia đình bà Nga và Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã có tổng cộng 5 lần thương lượng, hai lần hòa giải, nhưng đều không tìm được tiếng nói chung về con số bồi thường.

Tại lần thương lượng thứ 2 diễn ra vào tháng 7/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên và gia đình đã tạm thống nhất được mức bồi thường gần 13 tỉ đồng, nhưng sau đó số tiền này đột ngột giảm về mức 3,6 tỉ đồng tại lần thương lượng thứ 3 diễn ra vào đầu năm 2019 và giữ nguyên trong 2 lần thương lượng tiếp theo.

Mức tiền bồi thường thiệt hại 3,6 tỉ đồng được Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đưa ra gồm: Bồi thường cho bà Đặng Thị Nga 1,8 tỉ đồng (tiền thiệt hại sức khỏe trong 28 năm là 70 triệu đồng, thiệt hại tinh thần 1,32 tỉ đồng, chi phí khiếu nại 282 triệu đồng); ông Trịnh Huy Dương 899 triệu đồng (gồm thiệt hại thu nhập thực tế 242 triệu đồng, tổn thất tinh thần 264 triệu đồng, chi phí khiếu nại 272 triệu đồng); ông Trịnh Công Hiến 894 triệu đồng (gồm thiệt hại thu nhập thực tế 242 triệu đồng, tổn thất tinh thần 500 triệu đồng, chi phí khiếu nại 116 triệu đồng).

Thẩm phán Hoàng Thị Hòa được phân công làm chủ tọa phiên tòa, tuy nhiên luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình đã đề nghị thay thẩm phán chủ tọa vì bà Hòa từng được phân công giải quyết khiếu nại của gia đình bà Nga đối với quyết định bồi thường oan của Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên. (Ảnh: KT)

Với số tiền bồi thường này, theo gia đình bà Đặng Thị Nga, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã áp dụng thiếu thực tế, chưa đúng tinh thần Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên trong gia đình. Không đồng tình với mức đền bù trên, ngày 8/8/2019 gia đình quyết định làm đơn khởi kiện Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên. Nội dung chính của đơn khởi kiện là yêu cầu tòa xem xét lại việc giải quyết bồi thường cho gia đình theo đúng các quy định hiện hành, đúng tình người; yêu cầu tòa chấp nhận số tiền bồi thường được đưa ra trong lần thương lượng thứ 2.

Ông Trịnh Huy Dương cho biết, gia đình vô cùng bức xúc về cách làm trong việc thực hiện bồi thường của Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên, nên cực chẳng đã mới phải đâm đơn kiện. Sau 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha, những tưởng sau ngày được tổ chức xin lỗi công khai, gia đình sẽ được sống thanh thản, nào ngờ lại tiếp tục phải lao vào những tháng ngày đi tìm lại quyền lợi chính đáng cho gia đình. "Mẹ tôi giờ đã tuổi cao, sức khỏe yếu liệu có chờ được đến lúc nhận được mức bồi thường thỏa đáng hay không" - ông Dương bày tỏ.

Luật sư yêu cầu thay chủ tọa, tòa tuyên bố hoãn xử

Trong phiên tòa sáng nay, thẩm phán Hoàng Thị Hòa được phân công làm chủ tọa phiên tòa, tuy nhiên ngay khi phiên tòa bắt đầu Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng văn phòng luật sư Công lý Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội (luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình) đã đề nghị thay thẩm phán chủ tọa.

Trao đổi với Luật sư Vũ Thị Nga về nội dung này được biết: ngay khi bà có ý kiến yêu cầu thay chủ tọa, cả đại diện viện kiểm sát và bị đơn (đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên) đều không đồng ý với yêu cầu này. Nhưng sau khoảng 30 phút hội ý, Hội đồng xét xử bất ngờ quyết định hoãn phiên tòa.

Theo Luật sư Vũ Thị Nga đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng quy định pháp luật. (Ảnh: KT)

Theo thẩm phán Hoàng Thị Hòa thì sau khi hoãn, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ có quyết định thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thời gian mở lại phiên xử sẽ được thông báo sau. Và theo hội đồng xét xử, các đề nghị của luật sư cũng như nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.

Lý giải về yêu cầu thay chủ tọa phiên tòa này, Luật sư Vũ Thị Nga cho biết: chủ tọa Hoàng Thị Hòa cũng chính là thẩm phán từng được phân công giải quyết khiếu nại của gia đình bà Nga đối với quyết định bồi thường án oan của Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên. Như vậy, nếu bà Hòa tiếp tục ngồi ghế chủ tọa để xét xử vụ kiện, thì liệu có đảm bảo khách quan hay không? Việc luật sư đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa là nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, lý do phải hoãn phiên tòa còn do luật sư đại diện ủy quyền đề nghị Hội đồng xét xử phải bổ sung thêm người tham gia xét xử, với hai tư cách tố tụng. Thứ nhất, luật sư đề nghị đưa ba người con còn lại (bà Nga có năm người con, trong đó hai người trực tiếp bị bắt giam oan) tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thứ hai, ngoài tư cách người đại diện theo ủy quyền cho gia đình, luật sư đề nghị tòa bổ sung thêm tư cách của mình với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích cho mẹ con bà Nga.

Về phía gia đình, ông Trịnh Huy Dương cũng yêu cầu tòa bổ sung ba người em của mình tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo ông Dương, thời điểm vụ án xảy ra, các em của ông đều bị triệu tập lấy lời khai, chịu tổn thất nặng nề từ việc mẹ và các anh mình bị bắt oan.

Năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng bà Đặng Thị Nga) được tìm thấy dưới giếng. Công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam ba mẹ con bà Nga để điều tra về tội giết người.

Năm 1990, Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) xử sơ thẩm, phạt bà Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm. Hai con trai của bà là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị buộc tội giết cha, tuyên án lần lượt 18 năm tù và 12 năm tù. Bà Nga lặn lội đến khắp các cơ quan trung ương kêu oan cho mình và hai con. Sau đó, phiên Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tháng 1/1992, trong quá trình điều tra lại, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu cũ quyết định hủy bỏ việc tạm giam với ông Hiến và ông Dương sau 28 tháng tạm giam. Cũng kể từ đây, vụ án bị treo lơ lửng gần 30 năm mà không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.

Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố bà Nga và hai con trai của bà không phạm tội giết người và che giấu tội phạm, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai mẹ con bà Nga. Tuy nhiên, ông Trịnh Công Hiến đã qua đời trước khi được minh oan. Theo lời kể của gia đình, khi còn trong trại giam, ông xăm lên mình ba chữ “đời oan trái” và nói khi nào được minh oan sẽ tự tay xóa những chữ này đi./.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/luat-su-ly-giai-ly-do-hoan-phien-toa-gia-dinh-chiu-an-oan-28-nam-1071893.vov