Luật sư: Hoàng Công Lương không thể thay đổi được quy trình đã vận hành trong suốt 7 năm

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng: 'Quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước dùng cho chạy thận được tiến hành trong suốt 7 năm trước khi sự cố xảy ra, bị cáo Lương không thể thay đổi quy trình, cũng không thể biết chất lượng sửa chữa'.

Tiếp tục diễn biến phiên xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, nếu như ở phiên tòa sơ thẩm mở lần nhất, Hoàng Công Lương chỉ bị VKS đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì tình thế đã thay đổi theo một diễn biến khác xấu hơn khi lần mở tòa thứ hai, Lương bị cáo buộc phạm tội Vô ý làm chết người, cùng mức án đề nghị nặng hơn từ 36 - 42 tháng tù.

Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm

Theo quan điểm luận tội của VKS, với chức năng, nhiệm vụ là một bác sĩ của đơn nguyên Thận nhân tạo, bị cáo Lương buộc phải biết tầm quan trọng của nguồn nước và nắm được trước, trong và sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước và hóa chất tồn dư.

Cũng theo cáo buộc của cơ quan công tố, hành vi nguy hiểm của Hoàng Công Lương chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết nên đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý làm chết người.

Tuy vậy, ở cả hai phiên tòa, các luật sư vẫn một mực khẳng định thân chủ mình không phạm tội.

Bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Ngọc Biên (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, thân chủ của mình đã ra y lệnh theo đúng quy trình, cơ quan điều tra không chứng minh được việc chủ quan khi đưa ra y lệnh thì không thể quy kết tội danh Vô ý làm chết người đối với bị cáo. Cũng chỉ vì việc thân chủ của ông ra y lệnh mà phải trải qua 3 lần khởi tố đồng nghĩa với việc 3 lần thay đổi tội danh.

Các bị cáo tại tòa

Luật sư cho rằng đây là sai lầm trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, truy tố của tỉnh Hòa Bình. Vì “hành vi ký y lệnh của bác sĩ Hoàng Công Lương là trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn được quy định trong luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, và Quy chế bệnh viện 1895 của bộ Y tế”, luật sư Biên nói.

Cũng theo quan điểm của luật sư Biên: "Chỉ có Hội đồng chuyên môn, ý kiến của các chuyên gia mới đủ khả năng xem xét, kết luận về chuyên môn. Ví như một vụ án xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân bắt buộc phải có kết luận của cơ quan giám định pháp y mới có căn cứ xem xét giải quyết vụ án".

Và chỉ khi nào VKS bác bỏ được nội dung Kết luận của Hội đồng chuyên môn, bác bỏ được các ý kiến của các chuyên gia, của các nhà khoa học về lọc máu, thì khi đó cơ quan điều tra, truy tố mới xem xét đến lỗi và trách nhiệm nghề nghiệp đối với bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án này. Từ đó, luật sư Biên đề nghị đình chỉ với bị cáo Hoàng Công Lương.

Đồng tình với quan điểm bào chữa của luật sư đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều cho rằng cáo buộc của VKS đối với thân chủ của mình là không có cơ sở, bởi “Quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước dùng cho chạy thận được tiến hành trong suốt 7 năm trước khi sự cố xảy ra, bị cáo Lương không thể thay đổi quy trình, cũng không thể biết chất lượng sửa chữa. Nguyên nhân dẫn tới sự cố là do bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty Trâm Anh) sử dụng hóa chất không có trong quy định”, luật sư Kiều nói.

Sau phần bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Hoàng Công Lương, VKS sẽ tiếp tục tranh luận, đối đáp với các luật sư.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoang-cong-luong-khong-thay-doi-duoc-quy-trinh-da-van-hanh-7-nam-a419755.html