Luật sư: Đối tượng đâm chết người nhắc nhở vượt đèn đỏ đối diện mức án cao nhất là 18 năm tù, tình trạng tội phạm đang dần trẻ hóa

Luật sư cho biết đối tượng chưa thành niên chỉ phải chịu mức án cao nhất là 18 năm tù theo luật. Để thay đổi tình trạng tội phạm đang dần trẻ hóa, xã hội nên chú trọng giáo dục thanh thiếu niên.

Ngày 6/4, Công an TP. Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ nam thiếu niên 16 tuổi đâm chết người nhắc nhở dừng đèn đỏ. Tại cơ quan công an, bước đầu đối tượng Lê Văn Hoài (SN 2003, trú tại P.Đông Thanh, Tp. Đông Hà, Quảng Trị) đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo kết quả điều tra, trưa 4/4, khi Hòai điều khiển xe đạp điện chở theo bạn gái đến ngã tư thì vượt đèn vàng. Cùng lúc này, anh Mai Xuân L. (SN 1987, trú tại Tp. Đông Hà) đi đến và suýt xảy ra va chạm.

Đối tượng Hoài.

Đối tượng Hoài.

Anh L. nhắc nhở thì Hoài chửi tục, sau đó hai bên cãi cọ. Hoài đã rút con dao mua từ trước đâm vào bụng anh L. Nạn nhân mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.

Đối tượng đâm chết người nhắc nhở vượt đèn đỏ đối diện mức án cao nhất là 18 năm tù

Liên quan đến sự quan tâm của xã hội về mức án đối với những tội phạm chưa thành niên và thực trạng tội phạm đang dần trẻ hóa, Pv. đã có cuộc nói chuyện với luật sư Diệp Năng Bình, văn phòng luật sư Tinh thông luật thuộc đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.

Luật sư Bình cho biết, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có dành riêng Chương XII quy định đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này và theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.

Việc xử lý đối tượng dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của đối tượng và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Gia đình nạn nhân đang tổ chức tang lễ cho nạn nhân.

Chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt khác (cảnh cáo, phạt tiền hay cải tạo không giam giữ) và biện pháp giáo dục không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Hình phạt tù có thời hạn chỉ được áp dụng là biện pháp cuối cùng với thời hạn ngắn nhất, vừa đủ để giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên.

Khoản 5 Điều 91 Bộ luật hình sự quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Trong trường hợp này, mức án cao nhất đối tượng Hoài phải đối mặt là 18 năm tù.

Tội phạm ngày càng trẻ hóa

Trước câu hỏi về thực trạng tình hình tội phạm ngày càng trẻ, liệu chúng ta có phải tăng hình phạt lên với người chưa thành niên? Luật sư Bình cho biết: "Như ta biết, người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển cả về sinh lí, tâm lí và ý thức. Đây là giai đoạn diễn ra những biến cố rất đặc biệt, đó là sự phát triển cơ thể mất cân bằng, dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Trên thực tế, trạng thái thần kinh, trạng thái cảm xúc không cân bằng có thể là yếu tố gây nên các hành vi lệch chuẩn. Có không ít trường hợp, do xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, do không kiềm chế được sự nóng giận quá khích mà người chưa thành niên đã phạm phải hành động sai lầm, thậm chí là thực hiện hành vi phạm tội.

Có thể nói, lứa tuổi chưa thành niên là giai đoạn phát triển như "vũ bão" về mặt sinh học nhưng lại thiếu cân đối về mặt trí tuệ. Đó là lứa tuổi mà kinh nghiệm trong cuộc sống còn quá ít ỏi, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Một phần không nhỏ người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội chỉ để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú không đúng đắn của cá nhân, không quan tâm đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi được giải thích, phân tích thì các em mới hiểu rằng hành vi của mình là phạm tội.

Bộ luật hình sự (BLHS) là văn bản thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực thi nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Quyền trẻ em, nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội.

Khi người chưa thành niên là chủ thể tội phạm thì việc xử lý các em phải tuân theo nguyên tắc nhất định. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là: việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi".

Với quy định này, không có nghĩa là coi nhẹ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác mà nội dung của nguyên tắc có ý nghĩa định hướng cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi quyết định lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể đối với người chưa thành niên, nhằm tìm ra biện pháp phù hợp nhất đối với người chưa thành niên trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác. Do đó các quy định về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là hoàn toàn phù hợp. Việc còn lại là tăng cường giáo dục cho các em để phòng ngừa xảy ra tội phạm chứ không phải là để xử lý nặng các em".

Bá Cường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/luat-su-doi-tuong-dam-chet-nguoi-nhac-nho-vuot-den-do-doi-dien-muc-an-cao-nhat-la-18-nam-tu-tinh-trang-toi-pham-dang-dan-tre-hoa-20190406191832115.htm