Luật sư chỉ rõ điểm lạ lùng trong vụ 'BOT thôn' ở Hải Dương

Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của tài xế Phạm Văn Mười là sự việc bất khả kháng, là cự cãi cá nhân, không ảnh hưởng gì tới 'trật tự công cộng' nên không thể coi là hành vi gây rối trật tự công cộng được.

Tài xế Phạm Văn Mười thông tin vụ việc với PV.

Nhận định về vụ việc phản đối "BOT thôn" khi đưa con đi viện, tài xế Phạm Văn Mười (SN 1981, xóm 6, thôn Bình Dương, xã Cổ Bi, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đã bị công an xã triệu tập lên ủy ban do có hành vi gây rối trật tự công cộng vì tự ý cắt dây barie và tranh cãi với chủ của trạm thu phí, trao đổi với PV Báo Lao Động, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, chuyện "ngăn sông, cấm chợ", tự ý đặt ra các khoản thuế, phí... ở địa phương không phải là chuyện mới nhưng chuyện xử lý tội gây rối từ hoạt động thu phí trái phép thì đó là chuyện lạ.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích sự việc.

Theo luật sư Cường, với diễn biến sự việc trên thì không có căn cứ gì để xử lý hình sự anh Phạm Văn Mười về tội gây rối trật tự công cộng. Theo quy định pháp luật thì hành vi gây rối trật tự công cộng phải là hành vi đánh nhau, phá phách... gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe của người khác, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, làm cơ quan nhà nước không thể hoạt động được, gây hoang mang ảnh hưởng xấu tới cộng đồng xã hội... Còn chuyện cự cãi giữa hai cá nhân ở một trạm BOT "chui" của thôn thì không có gì to tát, không thể coi là nghiêm trọng được.

“Theo quy định pháp luật thì hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP (nếu hậu quả không nghiêm trọng) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra hậu quả nghiêm trọng như đã nêu ở trên” - luật sư Cường dẫn luật.

Nếu muốn qua trạm, xe tải phải nộp 10.000 đồng tiền phí.

Còn trong vụ việc trên, hành vi của anh Phạm Văn Mười là sự việc bất khả kháng, là cự cãi cá nhân, không ảnh hưởng gì tới "trật tự công cộng" nên không thể coi là hành vi gây rối trật tự công cộng được. Từ đó, câu chuyện xử phạt hoặc xử lý hình sự sẽ không được đặt ra. Nếu chính quyền địa phương cố tình áp dụng các biện pháp chế tài với anh Mười thì anh này hoàn toàn có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Về hướng giải quyết của vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, qua sự việc này, chính quyền địa phương nơi đây cần có văn bản yêu cầu thôn dừng ngay việc đặt trạm thu phí trái phép trên đường giao thông công cộng. Nếu đường không đảm bảo an toàn để các phương tiện trọng tải lớn tham gia giao thông thì có thể đề nghị các cơ quan chức năng đặt biển cấm, hạn chế phương tiện chứ không thể tự tiện ban hành "luật của thôn" một cách tùy tiện như vậy.

Cần dừng ngay việc đặt trạm thu phí trái phép trên đường giao thông công cộng.

Nếu trong tình huống trên, con anh Mười bị ảnh hưởng tới tính mạng thì những người đặt trạm thu phí trái phép và người đứng đầu chính quyền địa phương này có thể bị khởi tố về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chứ không chỉ là chuyện "rút kinh nghiệm" do nhận thức hay để "giải quyết nội bộ". Tuy nhiên, rất may là hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra trong tình huống này.

LN - Cao Oanh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/luat-su-chi-ro-diem-la-lung-trong-vu-bot-thon-o-hai-duong-604708.ldo