Luật sư Canada không tin 'thỏa thuận nhận tội' dành cho 'công chúa Huawei'

Luật sư độc lập người Canada Gary Botting nói rằng, ông không tin thỏa thuận nhận tội dành cho CFO Huawei Mạnh Vãn Châu, và cho rằng việc điều đó vừa không khả thi vừa dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khó lường.

Bà Mạnh Vãn Châu rời nhà ở Vancouver (Canada) - nơi bà đang bị giam lỏng - đến một phiên điều trần. Ảnh: Reuters.

Bà Mạnh Vãn Châu rời nhà ở Vancouver (Canada) - nơi bà đang bị giam lỏng - đến một phiên điều trần. Ảnh: Reuters.

Liên quan đến các phiên điều trần về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, con gái của người sáng lập tập đoàn này Nhậm Chính Phi, cuối năm 2020, có thông tin rằng đoàn luật sư của bà Mạnh và nhà chức trách Mỹ có thể thảo luận để bà Mạnh nhận tội, đổi lại bà được trả tự do để trở về Trung Quốc.

Giữa các tranh luận khác nhau trong phiên điều trần về quy trình và tính hợp pháp trong vụ bắt giữ bà Mạnh hơn 2 năm trước, thông tin này thu hút được sự chú ý, bởi theo nhiều người, thỏa thuận này có thể “mở đường” chấm dứt vụ án gây lúng túng cho nhiều bên.

Luật sư Gary Botting.

Tuy nhiên, bình luận với Pháp luật Việt Nam, ông Gary Botting – Luật sư độc lập người Canada, chuyên gia về luật dẫn độ - khẳng định, ông không tin vào bất kỳ cái gọi là “thỏa thuận nhận tội” nào.

“Tôi không tin thỏa thuận nào với Mỹ cả, vì thực ra thì những người đưa ra đề nghị đó lại là những người không có thẩm quyền làm điều đó”, Luật sư Gary Botting nói. Ông giải thích, vì có thể luật sư liên quan đưa ra đề nghị thảo luận để nhanh chóng đi đến kết thúc vụ án, có khi chỉ một ngày là xong, như vậy rất nhanh chóng so với vụ án đã kéo dài 2 năm, và bà Mạnh không phải vào tù đâu.

Nhưng, trên thực tế điều đó không thể xảy ra, vì thỏa thuận có như thế nào mà khi trình lên tòa, thẩm phán không đồng ý thì thỏa thuận đó cũng không thể thực hiện được.

Luật sư Botting dẫn chứng, trước khi xảy ra vụ án của bà Mạnh vài tháng, một CEO người Belarus cũng bị bắt ở Canada tương tự như vậy.

Khi đó, hai bên cũng đã đưa đến một thỏa thuận đàm phán về giải quyết sự việc, theo đó CEO kia sẽ không phải ngồi tù, bởi vì hoạt động đó thì diễn ra ở nước ngoài do một công ty Trung Quốc thực hiện ở các công ty con, không liên quan gì đến Mỹ, chỉ có một công ty Mỹ có dự án rất nhỏ ở trong đó thôi. Tuy nhiên, cuối cùng sau khi nhận tội thì Tòa vẫn phán CEO của người Belarus này ngồi tù 1 năm.

Bà Mạnh Vãn Châu cùng chồng giữa các nhân viên an ninh được Tòa án chỉ định thuê để giám sát bà.

“Kể cả trong trường hợp không phải ngồi tù, thì nếu bà Mạnh chấp nhận thỏa thuận nhận tội, bà ấy sẽ có tiền án tiền sự, và không ai biết được điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bà Mạnh trong tương lai. Vì nếu như bà có hồ sơ tội phạm Mỹ rồi, thì rất có thể bà sẽ không có cơ hội để quay trở lại Mỹ, cũng như có thể là sẽ không được chào đón để quay lại Canada”, Luật sư Gary Botting nói.

Chính vì vậy, vị luật sư nhiều kinh nghiệm này khuyến nghị bà Mạnh không nên chấp nhận thỏa thuận nhận tội – nếu có.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt năm 1998 ở sân bay quốc tế Vancouver (Canada) khi bà quá cảnh trên đường đến Mexico dự một hoạt động thương mại. Bà bị cơ quan chức năng Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ, do cáo buộc về việc bà đã nói dối ngân hàng Anh quốc HSBC (có trụ sở ở Hong Kong) về quan hệ của Huawei với công ty Skycom, có thể dẫn đến việc HSBC vi phạm lệnh cấm giao dịch với Iran của Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Châu luôn bác bỏ cáo buộc này. Hai năm qua, các luật sư của bà Mạnh đang nỗ lực chống lại việc dẫn độ bà sang Mỹ, cho rằng việc Canada bắt bà Mạnh là sai quy trình, vi phạm pháp luật tố tụng và vi phạm quyền con người của bà Mạnh, tạo ra một tiền lệ không tốt. Sau các phiên điều trần, phiên tòa xét xử quyết định việc có dẫn độ bà Mạnh hay không dự kiến được mở vào quý 2 năm 2021.

Hoàng Thủy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/luat-su-canada-khong-tin-thoa-thuan-nhan-toi-danh-cho-cong-chua-huawei-570113.html