Luật quốc gia phá lệ quốc tế

Giữa Ấn Độ với Trung Quốc và với Pakistan đã vài lần xảy ra chiến tranh biên giới ở vùng Kashmir.

Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định hủy bỏ những đặc quyền tự trị cho 2 khu vực lãnh thổ Jammu và Kashmir, cơ cấu lại vùng lãnh thổ nơi đây thành 2 bang mới bình đẳng về tư cách và quy chế pháp lý quốc gia như mọi bang khác ở Ấn Độ. Chuyện đặc quyền tự trị cho vùng Kashmir vốn là một ngoại lệ về chính trị và pháp lý ở Ấn Độ.

Nhân viên an ninh ở Jammu.

Nhân viên an ninh ở Jammu.

Khu vực Kashmir bị tranh chấp chủ quyền bởi Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Cho tới nay, Pakistan đã xử lý xong với Trung Quốc cuộc tranh chấp chủ quyền về một khu vực ở Kashmir nhưng Ấn Độ không công nhận thỏa thuận ấy vì khu vực lãnh thổ đó thuộc về phạm vi vùng lãnh thổ ở Kashmir mà Ấn Độ tuyên bố có chủ quyền.

Giữa Ấn Độ với Trung Quốc và với Pakistan đã vài lần xảy ra chiến tranh biên giới ở vùng Kashmir. Liên Hợp quốc đã đưa ra cái gọi là “Đường kiểm soát” để tách bạch hai bên, tạm thời phân định vùng lãnh thổ ở Kashmir do từng bên quản lý trên thực tế.

Điều đó có nghĩa rằng chừng nào cuộc tranh chấp này chưa được giải quyết dứt điểm và ổn thỏa, bất kể song phương hay đa phương, thì chừng đấy quy chế pháp lý quốc tế cuối cùng cho Kashmir chưa được xác định dứt điểm và chừng đó Đường kiểm soát kia chỉ là biên giới tạm thời giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

Lệ quốc tế là như vậy. Hơn 70 năm qua, cả 3 nước này đều tuân thủ cái lệ ấy, không phản bác nó và cũng không có biểu hiện nào cho thấy ý định muốn dịch chuyển hay thay đổi nó. Khi lập quốc, Hiến pháp Ấn Độ cũng vì cái lệ kia và vì để ngỏ khả năng trong tương lai có được chủ quyền đối với toàn bộ vùng Kashmir chứ không chỉ có một phần của Kashmir nên đã có Điều 370 riêng về quy chế và tư cách pháp lý cho vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý trên thực tế.

Một nguyên nhân khác nữa không kém phần quan trọng khiến Ấn Độ phải có quy định pháp lý riêng cho vùng lãnh thổ này là đại đa số người dân ở Kashmir theo đạo Hồi trong khi ở tất cả các nơi khác trong lãnh thổ Ấn Độ không có hoặc chỉ có rất ít người dân theo đạo Hồi.

Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ vì thế còn phục vụ mục tiêu giữ cho người theo đạo Hồi vẫn chiếm đa số ở Kashmir chứ không rồi sẽ trở thành thiểu số do người Ấn Độ theo tín ngưỡng khác di cư đến. Chẳng hạn như Điều 370 ấy quy định chính quyền Kashmir xác định cụ thể ai là “dân cư trú thường xuyên ở Kashmir” và chỉ có những người như thế mới được mua đất, mua nhà hay làm công chức, nhân viên trong các cơ quan công quyền ở Kashmir.

Đương nhiên là vùng này không được tự trị về đối ngoại, an ninh và thông tin, viễn thông. Theo luật pháp hiện hành của Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ có quyền hủy bỏ các đặc quyền tự trị này của vùng Kashmir. Bây giờ, Chính phủ Ấn Độ dùng đúng phương cách ấy để hủy bỏ mọi đặc quyền tự trị của Kashmir.

Vậy là luật quốc gia đã phá lệ quốc tế bởi quyết sách mới của Chính phủ Ấn Độ đã biến “Đường kiểm soát” kia, tức là đường biên giới tạm thời, thành biên giới chính thức của Ấn Độ, biến vùng lãnh thổ bị luật quốc tế coi là tranh chấp chủ quyền thành lãnh thổ hợp pháp như mọi vùng lãnh thổ khác của Ấn Độ.

Cái lệ quốc tế này cũng còn bị phá trên phương diện Ấn Độ coi từ nay chỉ có cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Pakistan đối với những vùng lãnh thổ ở Kashmir hiện do Pakistan và Trung Quốc quản lý trên thực tế chứ không có chuyện hai nước này tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ đối với vùng lãnh thổ ở Kashmir hiện do Ấn Độ quản lý.

Hệ lụy về chính trị đối nội, xã hội và tôn giáo ở Ấn Độ hay leo thang mức độ xung khắc giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan sẽ không dễ khắc phục đối với các bên liên quan, nhưng là chuyện khác. Chỉ về phương diện luật pháp quốc tế và quốc gia thôi thì sự đối kháng này cũng sẽ còn dai dẳng.

Hạ Nham

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/luat-quoc-gia-pha-le-quoc-te-d104521.html