Luật Quản lý thuế: sửa 3 lần trong 10 năm vẫn còn bất cập

Việc phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý thuế là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mô hình kinh doanh truyền thống đang dần thay đổi. Một trong những biện pháp quản lý thuế mới là quy định Ngân hàng Nhà nước phải chia sẻ thông tin tài khoản cho cơ quan thuế.

Ông Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận tổ ngày 12-11 - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) diễn ra ngày 12-11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Luật Quản lý thuế đã được sửa 3 lần trong 10 năm để phục vụ quá trình phát triển kinh tế nhưng tới giờ vẫn còn tiếp tục bất cập.

Điều này là do mô hình kinh doanh truyền thống đã dần chuyển đổi sang mô hình kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ nên việc “nhận dạng” những mô hình này là rất khó.

Đặc biệt, việc thu thuế với loại hình kinh doanh thương mại điện tử là rất khó khăn vì chưa có quy định pháp luật nhận dạng mô hình này. Gần đây, cơ quan thuế, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM, đã chủ động tìm hiểu hơn 100 tài khoản trên mạng xã hội, vận động, gửi thư thuyết phục để những tài khoản này tham gia nộp thuế. Dù pháp luật về thuế chưa có quy định liên quan tới những tài khoản mạng xã hội này nhưng thực tiễn vẫn phải xử lý.

“Những người kinh doanh trên Facebook, Google về cơ bản cơ quan thuế nắm được nhưng chế tài xử lý thì chưa có”, Bộ trưởng Dũng nói.

Do đó, vừa qua Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà mạng phải đặt máy chủ tại Việt Nam để có thể phối hợp xử lý ngay khi có vấn đề. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực thanh toán vì hiện nay xu hướng thanh toán điện tử ngày càng phổ biến và qua cổng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Dũng, dự luật quy định Ngân hàng Nhà nước phải chia sẻ thông tin tài khoản cho cơ quan thuế. “Đây là việc không thể không làm”, ông Dũng nói và giải thích: "Nếu không kiểm soát được thu nhập, không kiểm soát được dòng tiền thì khó thu được thuế".

Thực tế việc quản lý thu thuế của Việt Nam khó hơn so với các nước. Theo ông Dũng, tại nhiều quốc gia, nếu vào nhà hàng không xuất hóa đơn thì người mua không phải trả tiền.

“Họ làm mạnh mẽ như vậy nhưng chúng ta có làm được không, rất khó. Làm quyết liệt mới quản lý được doanh thu, thu nhập”, ông Dũng nói. Hiện siêu thị, nhà hàng mọc lên như nấm nhưng vẫn giữ văn hóa chợ cóc, chợ nông thôn, việc quản lý hóa đơn, thu thuế qua hóa đơn rất khó.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, nợ đọng thuế hiện nay là hơn 80.000 tỉ đồng, nhưng riêng nợ khó thu khoảng hơn 40.000 tỉ đồng,

Cơ quan thuế đang theo dõi 600.000 người nộp thuế, trong đó 190.000 doanh nghiệp không có khả năng thu hồi thuế. Chưa kể có rất nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ để kinh doanh hóa đơn, gian lận hóa đơn.

Tại phiên họp tổ liên quan tới Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho hay, ông đã tiếp xúc rất nhiều với doanh nghiệp và thấy có hai hiện tượng nổi cộm trong ngành thuế hiện nay.

Thứ nhất là hiện tượng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng, làm thất thu và “tổn thương” ngân sách quốc gia. Thứ hai là hiện tượng cán bộ thuế thay vì thu đúng, đủ lại "tư vấn, hướng dẫn" cho doanh nghiệp làm sao để trốn thuế. “Đây là hiện tượng có cả chục năm nay”, ông Nghĩa nói.

Nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ kêu cơ quan thuế nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhưng hiện tượng móc nối để đôi bên cùng có lợi lại ít được doanh nghiệp phản ánh.

“Tôi đề nghị trong luật này phải đề cập thêm quyền và nghĩa vụ của cán bộ thuế”, ông Nghĩa nói. Trong đó, nghĩa vụ của cán bộ thuế là tận tâm hướng dẫn cho doanh nghiệp nộp thuế nhanh chóng, tiện lợi đầy đủ để doanh nghiệp làm tròn nghĩa vụ nộp thuế của mình.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, họ muốn hoàn thành nhanh gọn thủ tục nộp thuế của mình, dù phải mất thêm tiền. Nhưng đây phải là tiền hợp pháp, có hóa đơn, còn tiền không chính thức dù chỉ 200.000-300.000 đồng họ cũng không giải trình được.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, tình trạng thất thu thuế, nợ đọng thuế vẫn diễn ra. Đây là tình trạng nguy hiểm vì dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do đó, Luật quản lý thuế phải hướng tới việc quản lý tình trạng trốn thuế, lậu thuế, đảm bảo quyền và nghĩa vụ bình đẳng giữa những người và đối tượng kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật cũng phải quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế, phải có trách nhiệm trong việc quản lý và hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Vũ Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281543/luat-quan-ly-thue-sua-3-lan-trong-10-nam-van-con-bat-cap.html