Luật Quản lý nợ công: Đàm phán, quản lý vay nợ công hoàn toàn thuộc về Bộ Tài chính

Theo Quy định tại Luật Quản lý nợ công vừa được QH thông qua, Bộ Tài chính sẽ chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ...

Ngày 23/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như siết chặt quy định về nợ Chính phủ vay về cho vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh, trách nhiệm người đứng đầu và quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công.

Trước khi thông qua toàn bộ Luật, các đại biểu cũng biểu quyết thông qua điều 15 của dự thảo Luật về nội dung mô hình cơ quan quản lý nợ công với đa số phiếu tán thành.

Không đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, về phạm vi nợ công, có ý kiến băn khoăn về việc không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào phạm vi nợ công. Theo UBTVQH, đây là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của DN. Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình DN khác. Do đó, Dự thảo không quy định nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công.

Về chỉ tiêu an toàn nợ công, có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia vì 2 chỉ tiêu này bao gồm cả khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của DN và tổ chức khác; đề nghị bổ sung chỉ tiêu nợ Chính phủ so với thu NSNN và nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu NSNN; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng dự trữ ngoại hối quốc gia; nợ công bình quân trên đầu người.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Đồng tình với ý kiến các đại biểu đã nêu, UBTVQH cho biết, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bao gồm cả các khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của DN, không thuộc phạm vi nợ công. Tuy nhiên, đây là 2 chỉ tiêu quan trọng, thể hiện mức độ an toàn nợ nước ngoài của cả nền kinh tế.

Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều sử dụng 2 nhóm chỉ tiêu là quy mô nợ (nợ Chính phủ/GDP, nợ công/GDP,…) và chỉ tiêu phản ánh khả năng trả nợ (nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu NSNN hoặc nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/tổng kim ngạch xuất khẩu) nhằm phản ánh quy mô nợ và khả năng trả nợ của quốc gia. Hệ thống các chỉ tiêu này một mặt vừa đảm bảo tính ổn định trong dài hạn, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát an toàn nợ công, mặt khác đảm bảo tính đồng nhất theo thông lệ để so sánh với các quốc gia trên thế giới.

Về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH bổ sung quy định tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện: Phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

“Đây là điều kiện rất chặt chẽ, khách quan do các tổ chức này hoạt động độc lập, có uy tín trên phạm vi toàn cầu, xếp hạng theo phương pháp, quy trình đánh giá rất khắt khe cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro” - UBTVQH nhấn mạnh.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền “quyết định việc đàm phán, ký, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ” là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, theo giải trình của UBTVQH, Khoản 7 Điều 96 Hiến pháp đã quy định Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ”. Đồng thời, khoản 5 Điều 98 Hiến pháp cũng đã quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền “quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ”.

Vì vậy, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp, UBTVQH đã chỉnh lý quy định tại khoản 7 Điều 14 theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, ký kết, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ.

Quy đầu mối về Bộ Tài chính

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công: (i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; (ii) Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”; (iii) Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

Đồng thời, để tránh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, thống nhất về mặt pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng Luật, UBTVQH đã bổ sung nội dung khoản 3 Điều 62 theo hướng quy định rõ: Trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật này và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 thì áp dụng theo quy định của Luật này.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201711/luat-quan-ly-no-cong-dam-phan-quan-ly-vay-no-cong-hoan-toan-thuoc-ve-bo-tai-chinh-587059/