Luật Phòng chống tham nhũng 2018: Cụ thể hóa và mở rộng nhiều nội dung

Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, ngày 27/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng. Được biết, Luật phòng chống tham nhũng 2018 có nhiều sửa đổi so với luật cũ, đã cụ thể hóa bằng rất nhiều nghị định với nhiều nội dung theo đó, doanh nghiệp tư nhân cũng nằm trong phạm vi phòng chống tham nhũng.

Khu vực tư nhân vào "tầm ngắm"

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Akiko Fujii, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, nhưng ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỷ USD sẽ bị thất thoát do tham nhũng.

Đề cập về công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam trong những năm qua, theo Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Phòng chống tham nhũng của LHQ năm 2009; sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; và thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 2018.

Đặc biệt, một trong những điểm mới trong Luật là việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó “Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức” là một trong những chỉ số chính.

Bà Akiko Fujii, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bà Akiko Fujii, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

“Hiện UNDP đã và đang hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Việc đưa ra thảo luận Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng 2018 là bước đầu quan trọng nhằm đưa Luật vào cuộc sống, đồng thời sẽ tạo nền tảng cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018”, bà Akiko Fujii nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật lần này có nhiều sửa đổi so với luật cũ, đã cụ thể hóa bằng rất nhiều nghị định với nhiều nội dung. Trong đó có những nội dung mới đáng kể như: Kiểm soát xung đột lợi ích, về áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước… Đồng thời xác định rõ hơn các hành vi tham nhũng.

Cũng theo ông Trần Ngọc Liêm, do đây là vấn đề khó nên để các điều khoản trong Nghị định này khi đưa ra có hiệu quả nhất, Thanh tra Chính phủ sẽ phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Bởi nếu Nghị định này bám sát thực tiễn, có căn cứ thì việc triển khai sau này rất hiệu quả.

4 nhóm lĩnh vực lãnh đạo, quản lý không được kinh doanh khi thôi giữ chức vụ

Trình bày về những điểm mới, đáng lưu ý tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng 2018, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong dự thảo đã quy định lãnh đạo, quản lý của 14 bộ ngành thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình quản lý được chia làm 4 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

Nhóm 2 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.

Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Ngoại giao. Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Đối với người thôi giữ chức vụ thuộc các lĩnh vực sẽ được quy định trong Nghị định cũng sẽ không được kinh doanh trong một số thời hạn nhất định từ 6-24 tháng.

Liên quan đến việc tặng quà và nhận quà tặng, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng. Việc tặng quà phải theo đúng quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Ông Tuấn Anh cho biết, trong dự thảo này cũng quy định rõ về việc xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng. Theo đó, sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có tổ chức; vi phạm nhiều lần; tái phạm; xúi giục, lôi kéo, sử dụng, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm; và vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Sẽ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi có biểu hiện nhũng nhiễu; Lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm; Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.

Góp ý về các mức phạt trong dự thảo, Tiến sỹ Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, việc đề xuất xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo cần quy định cụ thể hơn, ví dụ thế nào là khoản thu lợi cá nhân, nhũng nhiễu..., từ đó để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hành vi nào được phép hoặc không.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/luat-phong-chong-tham-nhung-2018-cu-the-hoa-va-mo-rong-nhieu-noi-dung-101865.html